Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:01 (GMT +7)
Khôi phục nguồn nhân lực du lịch sau mở cửa
Chủ nhật, 15/05/2022 | 07:17:52 [GMT +7] A A
Hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến số lượng lao động ngành du lịch Quảng Ninh suy giảm khoảng 40%. Khi du lịch mở cửa trở lại toàn diện, để lấp lỗ hổng này là một bài toán không đơn giản, nhất là khi lượng khách chưa thật ổn định trở lại. Điều này tác động không chỉ đến từng doanh nghiệp, cơ sở du lịch mà còn tác động tới chất lượng dịch vụ nói chung của tỉnh.
Doanh nghiệp lớn chủ động
Qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, các doanh nghiệp lớn, giàu tiềm lực có sự chủ động hơn trong việc giữ chân người lao động, tránh bị hẫng sau khi phục hồi hoạt động nên có nhiều thuận lợi khi du lịch phục hồi.
Ông Đinh Hữu Chung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tuần Châu, cho hay, riêng tại đảo Tuần Châu doanh nghiệp hiện có hơn 2.000 cán bộ, nhân viên. Mặc dù có giãn việc trong hai năm qua, tuy nhiên đơn vị không sa thải nhân viên nào, vẫn đảm bảo ngày công tối thiểu cho anh em, nên khi du lịch phục hồi trở lại thì các bộ phận thích ứng ngay được, không bị động hay ảnh hưởng gì nhiều. Các cán bộ, nhân viên vì thế cũng gắn bó với Tuần Châu trong suốt những năm qua.
Không chỉ Tuần Châu, nhiều doanh nghiệp cũng duy trì cách làm này. Như khu vui chơi SunWorld Halong Complex có hơn 350 nhân viên, khi các hoạt động vui chơi dừng do dịch trong thời gian khá dài, nhân viên của đơn vị đã được điều chuyển sang công việc khác, đó là “phủ áo mới” cho các hạng mục tại đây, từ sơn mới các trò chơi, toà nhà, công trình... Doanh nghiệp hỗ trợ thêm về kinh phí cũng như tổ chức đào tạo về tay nghề, kỹ năng chuyên môn, phục vụ khách cho người lao động, vì vậy khi khu vui chơi mở cửa trở lại vào đầu tháng 4 vừa rồi, các hoạt động được vận hành nhịp nhàng ngay. Hay như Premier Village Halong Bay resort và nhiều đơn vị kinh doanh khách sạn lớn cũng tương tự, nguồn nhân lực được duy trì thời gian qua.
Chị Phạm Thị Hồng Ngọc, Trưởng Phòng Kinh doanh, Truyền thông và Marketing, SunWorld Hạ Long Complex, lý giải: Chúng tôi xác định, nhân sự ngành du lịch rất đặc thù, chính vì vậy chúng tôi chú trọng vào việc giữ chân người lao động và tiếp tục đào tạo cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong quãng thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh thay vì để nhân viên nghỉ, bởi sau đó sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để có thể tái tuyển dụng, đào tạo…
Linh hoạt về giải pháp
Giữ chân người lao động có nhiều lợi ích khi hoạt động trở lại, tuy nhiên việc duy trì số lượng nhân sự trong điều kiện dịch, thưa vắng khách, thậm chí nhiều thời điểm đóng băng không thể là lựa chọn của tất cả các cơ sở du lịch. Theo thống kê của Sở Du lịch, thời gian qua có khoảng 10.000 lao động trực tiếp đã chuyển nghề, trong đó phần lớn là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và hiện họ đã có việc làm ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
Chính vì thế, giờ đây khi khôi phục hoạt động, các doanh nghiệp thường lựa chọn gọi trở lại những nhân sự cũ hoặc là tuyển dụng mới. Nhiều đơn vị lựa chọn lấy từ các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch mà doanh nghiệp đã ký kết hợp tác, từ đó tiến hành đào tạo lại cho phù hợp các công việc cụ thể. Nhiều đơn vị cho hay họ vẫn tiếp tục tuyển dụng nguồn nhân lực đặc biệt thiếu ở phân khúc trung và cao cấp. Lượng nhân lực thuê theo thời vụ cũng là giải pháp được nhiều cơ sở lựa chọn, khi mà lượng khách chưa ổn định, đều đặn như hiện nay.
Chia sẻ về cách làm của đơn vị, ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, nhấn mạnh, là các đơn vị đều phải chủ động tự lo về nhân lực chứ không thể trông chờ vào sự hỗ trợ. Đơn vị cũng linh hoạt trong điều tiết về nhân lực, những dịp cuối tuần đông khách hay khi có các sự kiện lớn thì bố trí thêm người, tuyển nhân viên partime. Khách của đơn vị thường đặt trước nên mặc dù có thể full phòng, dịch vụ thì đơn vị cũng đã nắm bắt trước về số lượng khách để bố trí đảm bảo về nhân lực. Còn đầu tuần, giữa tuần thì cho nhân viên giãn ra, nghỉ…
Ông Thanh cho hay, luôn có sự xê dịch về lực lượng. Lao động phổ thông nếu thiếu sẽ dễ bổ sung hơn, còn nhân lực tầm cao, trung với số nhân sự hiện có sẽ phải gánh các phần việc nhiều hơn, trong khi chờ đợi đơn vị tiếp tục tuyển thêm. Còn để chạy việc cứng thì ngay cả bình thường một vị trí cũng mất vài tháng mới ổn định được. Đây là vấn đề muôn thuở chứ không chỉ đặt ra khi du lịch mở cửa.
Các doanh nghiệp tàu du lịch bị ảnh hưởng nặng hơn cả với số nhân sự cắt giảm lớn do dịch. Vì vậy, sử dụng lao động gia đình hoặc thuê lao động thời vụ thời điểm này được nhiều chủ tàu tham quan áp dụng hơn cả. Qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, do lượng khách chưa ổn định, đông vào ngày lễ, cuối tuần, còn thưa vắng vào ngày thường nên thu khó bù chi. Để tiết giảm chi phí, nhiều chủ tàu lựa chọn thuê lao động theo ngày, có khách thì mới gọi lao động.
Bên cạnh đó vẫn có số lượng nhân lực nhất định được chủ tàu thuê theo tháng. Ông Trần Văn Hồng, Chi hội Phó Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, phân tích: Nhiều tàu vẫn gọi lại được lao động cũ, do quá trình gắn bó, chia sẻ lợi ích giữa chủ tàu và người lao động. Như giai đoạn hiện nay, lao động thuê dài hạn cũng có sự chia sẻ với chủ tàu, ngày thường ít khách họ có thể về nhà làm các công việc khác và không lấy đủ 100% lương hàng tháng.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn trả cho họ ở mức đảm bảo cuộc sống và để họ gắn bó với tàu lâu dài, kể cả chấp nhận bù lỗ ban đầu, chứ nếu chỉ trả theo thời vụ thì tính gắn kết không cao, các tàu cũng cạnh tranh lại mất người làm. Mức thu nhập vẫn duy trì, lao động đảm bảo có thể mang về cho gia đình từ 6-7 triệu đồng/tháng trở lên.
Ông Hồng cho biết thêm, để giữ chân người lao động, nhiều chủ tàu hỗ trợ kinh phí cho người lao động để xin cấp lại các bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ khi đến hạn. Ngược lại, nếu người lao động tự lo toàn bộ chi phí thì đổi lại là mức lương tương xứng, cũng phải chấp nhận theo quy luật thị trường thôi. Vì là lao động làm trên biển nên nếu tuyển lao động mới thì phải sàng lọc kỹ lưỡng, phải kiểm tra kỹ năng bơi lội rồi các bằng cấp, chứng chỉ liên quan bắt buộc phải có, lao động cũng phải có tâm huyết thì mới lấy chứ không vì thiếu mà lấy bừa phứa được…
Đẩy mạnh việc đào tạo mới, đào tạo lại
Du lịch Quảng Ninh sau mở cửa đã có những tín hiệu tích cực, lượng khách tăng lên nhanh chóng, tuy nhiên không rải đều mà tập trung vào cuối tuần và các dịp nghỉ lễ, chính vì vậy khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực. Vậy làm thế nào để sự hồi phục của du lịch đi kèm với sự phục hồi về nguồn nhân lực du lịch?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch, nhấn mạnh: Chất lượng của du lịch không chỉ là cơ sở vật chất tốt mà con người cũng phải đảm bảo chất lượng cao nhất, bởi vì hoạt động du lịch đòi hỏi lao động phải có nghiệp vụ cao, sâu chứ không phải là lao động phổ thông thông thường. Nếu chúng ta làm không tốt việc này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng du lịch. Lượng khách những ngày lễ, cuối tuần gần đây rất đông, đó là niềm vui nhưng cũng là thách thức rất lớn khi phục hồi lại du lịch, trong đó có việc thu hút nguồn nhân lực đã bị suy giảm thời gian qua do dịch Covid-19.
Ông Thuỷ cho hay, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để đào tạo nhân lực chỉ còn hiệu lực trong khoảng tháng rưỡi nữa, vậy nên doanh nghiệp cần gấp rút xem xét nguồn nhân lực của mình để chúng ta có cơ sở đào tạo lại. Bên cạnh đó cũng có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi về lãi suất trả lương cho người lao động, để có thể thu hút họ trong thời gian này, vậy nên doanh nghiệp cũng phải chủ động triển khai.
Bây giờ chúng ta đang rà soát lại nguồn lao động mà có thể họ không trở lại hoạt động du lịch nữa thì chúng ta phải có kế hoạch để đào tạo mới, đào tạo lại. Thời gian vừa qua, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH, các đơn vị đào tạo trên địa bàn như Đại học Hạ Long, Cao đẳng Việt - Hàn để đào tạo mới. Chúng tôi rất kỳ vọng rằng, cùng với tiến độ tăng lên về lượng khách thì chúng ta sẽ đảm bảo tốt về nguồn nhân lực từ đẩy mạnh việc đào tạo mới, đào tạo lại.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()