Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:43 (GMT +7)
Khôi phục hoàn toàn tuyến cáp biển APG vào cuối tháng 8
Thứ 6, 21/07/2023 | 15:33:47 [GMT +7] A A
Khi lỗi trên nhánh S1.7 của tuyến cáp quang biển APG được khắc phục xong vào cuối tháng 8, 100% dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến này sẽ được khôi phục.
Asia Pacific Gateway – APG là 1 trong 5 tuyến cáp quang biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm IA (còn gọi là Liên Á), AAG, AAE-1 và SMW3. Hiện tại, đây cũng là tuyến cáp quang biển duy nhất mà các nhà mạng Việt Nam khai thác vẫn đang gặp lỗi.
Lần lượt vào cuối tháng 12/2022 và tháng 1/2023, tuyến cáp biển APG gặp sự cố trên các nhánh S6 hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) và S9 với vị trí cáp lỗi cách trạm cập bờ SEA khoảng 151 km. Hai sự cố này khi đó đã gây mất toàn bộ dung lượng trên tuyến.
Các sự cố trên nhánh S9 và S6 của APG đã được sửa xong vào cuối tháng 3 và giữa tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, lưu lượng trên toàn tuyến chưa được khôi phục do phát hiện lỗi mới trên nhánh S7 - phân đoạn cáp APG rẽ nhánh vào Việt Nam với điểm cập bờ tại Đà Nẵng.
Đúng như kế hoạch dự kiến đã thông tin đến các nhà mạng, cuối tháng 6 vừa qua, sự cố trên nhánh S7 của tuyến cáp APG đã được khắc phục xong. Tuy nhiên, đơn vị vận hành tuyến cáp đã phát hiện thêm lỗi mới trên nhánh S1.7 hướng kết nối đi Singapore.
Với việc APG tiếp tục gặp lỗi mới, từ cuối tháng 6 đến nay, các kênh truyền kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế trên 2 hướng cáp kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản của tuyến APG đã hoạt động bình thường. Trong khi đó, hướng kết nối đi Singapore vẫn bị gián đoạn. Theo ước tính của các nhà mạng, dung lượng của tuyến cáp biển này đã khôi phục khoảng 50%.
Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết hiện đã có lịch sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra hồi cuối tháng 6 trên nhánh S1.7 của tuyến cáp APG. Theo đó, dự kiến tuyến cáp sẽ hoàn thành sửa chữa, khôi phục toàn bộ dung lượng vào cuối tháng 8. Khi đó, cả 5 tuyến cáp biển kết nối Internet Việt Nam với quốc tế đều hoạt động bình thường.
Bộ TT&TT đã xác định rõ quan điểm hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số. Hạ tầng số Việt Nam gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 6, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định tại Việt Nam đạt 93,31 Mbps, tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 42 và cao hơn trung bình thế giới là 79,28 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 47,27 Mbps, tăng 33,95% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 47 và cao hơn trung bình thế giới là 42,3 Mbps.
Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021 - 2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022 - 2023. Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, với tổng số 571.000 máy chủ.
Hiện Bộ TT&TT đang xây dựng Chiến lược hạ tầng số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những quan điểm được nêu tại dự thảo chiến lược là hạ tầng số phải được ưu tiên phát triển như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng. Phát triển hạ tầng số băng rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở.
Dự thảo Chiến lược cũng đề xuất tầm nhìn: “Hạ tầng số của Việt Nam phát triển cùng nhịp với các nước phát triển trên thế giới, trở thành động lực phát triển nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045”.
Riêng về cáp viễn thông, dự thảo Chiến lược hạ tầng số quốc gia đề xuất đến năm 2025 đầu tư bổ sung từ 2 - 4 tuyến cáp quốc tế; mục tiêu đến năm 2030 là sẽ bổ sung từ 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế, từ 2-4 tuyến cáp quang đất liền.
Theo kế hoạch đang được VNPT, Viettel cùng các liên minh cáp, vào cuối năm nay và đầu năm 2024, sẽ có thêm 2 tuyến cáp biển SJC2 và ADC được đưa vào hoạt động, nâng tổng số tuyến cáp kết nối Internet Việt Nam với quốc tế lên 7. Cả 2 tuyến ADC, SJC2 đều có trạm cập bờ được đặt tại Bình Định.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()