Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:22 (GMT +7)
Khơi nguồn cho "tam nông" đổi mới
Thứ 3, 05/04/2022 | 09:27:49 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đi được một chặng đường dài, khẳng định sự thành công của nghị quyết trong lĩnh vực “tam nông”. Tại Bình Phước, qua 13 năm thực hiện nghị quyết đã cho thấy sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân nên đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển nhảy vọt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững.
Như một “bệ phóng”
Năm 2011, khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Lộc Ninh đạt trung bình 1,05 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân 18,7 triệu đồng/người. Xuất phát điểm thấp nhưng với quyết tâm cao và nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 và 11 năm xây dựng NTM, đến nay Lộc Ninh đã có 12/15 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng khang trang, đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước được nâng cao. Đến nay, toàn huyện không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn 1,23%, kinh tế tăng trưởng khá.
Hiệu quả nhất trong chương trình xây dựng NTM ở Lộc Ninh là việc triển khai làm đường giao thông nông thôn. Tính đến nay, huyện đã thực hiện được 431,5km với tổng kinh phí trên 220 tỷ đồng. Riêng năm 2021, toàn huyện được đầu tư làm 46km đường nhựa, 12km đường cấp phối sỏi đỏ và xây dựng hơn 81km đường điện chiếu sáng, nâng tổng số tuyến đường điện chiếu sáng nông thôn lên 205km. Các xã đều đã thành lập tổ tự quản về an ninh trật tự, tổ xử lý môi trường nông thôn, tổ giúp nhau làm kinh tế, xây dựng các tuyến đường hoa, điện chiếu sáng để đạt khu dân cư kiểu mẫu. Ông Nguyễn Văn Tước, Bí thư Chi bộ ấp Hiệp Hoàn, xã Lộc Hiệp cho biết: “Nhờ chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở đây thay đổi rõ rệt, khang trang, sạch, đẹp. Các công trình giao thông, nhà văn hóa, trường học đều được đầu tư, nhân dân trong ấp phấn khởi, đồng tình, hưởng ứng rất cao”.
Về phát triển sản xuất, huyện đã thành lập 7 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có liên kết đầu ra sản phẩm. Năm 2021, UBND tỉnh đã công nhận 9 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao cho huyện Lộc Ninh. Đây là bước đột phá của ngành nông nghiệp, giúp giá trị hàng hóa của các hợp tác xã và các hộ sản xuất - kinh doanh được nâng lên, góp phần cải thiện cuộc sống cho người nông dân.
Ông Hồ Quang Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh chia sẻ: Để thực hiện được chương trình, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân ủng hộ, thực hiện làm theo. Huyện còn đồng bộ các cơ chế chính sách để áp dụng phù hợp vào tình hình thực tiễn địa phương; phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, thường xuyên kiểm tra, giám sát, điều chỉnh kịp thời những hạn chế, khó khăn… Nghị quyết số 26 được coi là một “bệ phóng” góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn Lộc Ninh bước sang trang mới.
Thúc đẩy “tam nông”
Cái được rõ nét nhất trong “tam nông” chính là đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Nhờ vậy, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch rõ nét, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế, đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh. Giai đoạn từ 2008 đến nay, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 6,95%, công nghiệp tăng 530% so với năm 2008. Thu nhập bình quân năm 2021 đạt gần 76 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,11% năm 2008 còn 1,76% năm 2021.
Cùng với sự đổi thay trong sản xuất, đời sống thì bức tranh nông thôn của tỉnh cũng ngày càng khởi sắc trên các mặt thông qua chương trình xây dựng NTM. Điện, đường, trường, trạm đã và đang được đầu tư đồng bộ. Đến nay, 100% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia; 98% hộ nông dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% tuyến đường tỉnh đã được nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 60/90 xã đạt chuẩn NTM; 8 xã được công nhận NTM nâng cao; 2 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành xây dựng NTM; 17 thôn, ấp được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Có được những kết quả đó, ngoài chủ trương đúng đắn và đầy quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự triển khai đầy sáng tạo của các ngành, các cấp, còn có yếu tố quan trọng là sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện Nghị quyết 26.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong những năm tiếp theo, Bình Phước tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM toàn diện, bền vững. Dựa trên những lĩnh vực có lợi thế của tỉnh, thế mạnh của từng vùng, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng; tạo vùng nguyên liệu cho chế biến, hình thành chuỗi liên kết 3 ngành trọng điểm trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp; hình thành những vùng chỉ dẫn địa lý đối với những sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Về nông dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, gắn với thực hiện dân chủ, công bằng xã hội. Về nông thôn, xây dựng nông thôn theo hướng phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của Bình Phước đạt từ 9-10%; 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 70% khu dân cư đạt văn hóa; thu nhập bình quân đầu người/năm tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020, không còn hộ nghèo, trừ đối tượng bảo trợ…
… vững như kiềng 3 chân
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đó là phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Tỉnh ủy đã đề ra Chương trình hành động số 17 xác định các nhiệm vụ để phát triển tất cả lĩnh vực, các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tái cơ cấu phát triển toàn diện ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao, gắn với xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; quản lý phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với phát triển du lịch; phát triển hệ thống bảo quản sau thu hoạch…
Chia sẻ về việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Đối với nông nghiệp, chúng ta phải hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Còn về tư duy, chúng ta tiến đến thay đổi từ tư duy quản lý sang tư duy hỗ trợ, kiến tạo cho người nông dân, hợp tác xã cũng như chủ thể tham gia xây dựng trong vùng nông thôn phát triển nông nghiệp”.
13 năm qua, thành công lớn nhất trong phát triển tam nông không chỉ nằm ở những con số mà còn từ việc thay đổi được nhận thức, tư duy trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tam nông không còn là chỗ yếu, cần hỗ trợ mà coi đây vừa là thế mạnh vừa là mục tiêu lâu dài. Trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, tam nông vẫn luôn giữ vai trò, vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững và ổn định chính trị, như cha ông ta đã đúc kết từ ngàn đời qua “phi nông bất ổn”. Bởi vậy, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Có như vậy, tam nông mới vững như kiềng 3 chân.
Theo Hiền Lương/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()