Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:54 (GMT +7)
Khôi khục sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nhu cầu thực phẩm cuối năm
Thứ 7, 05/10/2024 | 14:20:07 [GMT +7] A A
Với ý chí, nghị lực, cùng sự đồng hành, sát cánh của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng, doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực khôi phục sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho trước, trong và sau Tết.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) của TP Cẩm Phả với tổng giá trị thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Riêng phường Cẩm Đông có 76 hộ bị thiệt hại, trị giá hơn 120 tỷ đồng. Hộ ít thì vài trăm triệu, hộ nhiều lên đến hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng.
Là một trong số rất ít những hộ NTTS ở đảo Ông Cụ (phường Cẩm Đông) bị thiệt hại nhẹ so với tổng mức đầu tư, nhưng hộ anh Nguyễn Văn Tuấn cũng bị sóng biển cuốn trôi hơn 3 tỷ đồng trong cơn bão số 3. Với 5.000m2 mặt nước được nhà nước giao từ 10 năm nay, gia đình anh đã đầu tư 390 ô NTTS, diện tích 16m2/ô. Bình quân mỗi năm thu được từ 50-60 tấn cá các loại như: Song lai, song đen, song vang, cá chim vây vàng, cá giò... doanh thu đạt 10 tỷ đồng, trừ chi phí còn thu về hơn 2 tỷ đồng.
Để nhanh chóng khôi phục sản xuất, ngay sau bão, gia đình đã huy động nhân lực để tập trung sửa chữa, gia cố lại các bè nuôi, các ô lồng bị hư hỏng; tăng cường quản lý, chăm sóc gần 6.000 con cá các loại còn lại sau bão.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, cho biết: Số cá này đã được anh thả nuôi từ vài năm nay nên trọng lượng bình quân đều đạt từ 5-7kg/con, thậm chí có những con đã nặng hơn 10kg. Số cá này sẽ được xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán năm nay. Sau khi sửa chữa, gia cố xong các ô lồng, gia đình sẽ nhập thêm 100.000 con cá giống để duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung ổn định ra thị trường.
Tại HTX nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả (xã Cộng Hòa) bị thiệt hại hơn 30 tỷ đồng trong cơn bão số 3. Anh Đặng Bá Mạnh, Giám đốc HTX cho biết: Là cơ sở nuôi tôm công nghệ cao với số vốn đầu tư lên tới hơn 100 tỷ đồng, HTX có 12 ao nuôi, diện tích khoảng 2.000m2/ao. Các ao nuôi này được xây bằng bê tông, mái nhựa mềm trong, chống được mưa, gió và bão đến cấp 13. Trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, cùng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, HTX đã chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ người, tài sản và vật nuôi, nhất là chằng néo, gia cố lại các mái che và chuẩn bị khá nhiều dầu Diesel để chạy máy phát điện phục vụ sản xuất. Tuy nhiên với sức gió mạnh nhất cấp 16 giật trên cấp 17, nhiều nhà bạt, cột chống bể nuôi đã bị phá tan hoang, doanh nghiệp phải bán rẻ hàng chục tấn tôm thẻ chân trắng do không đảm bảo điều kiện sản xuất.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn do HTX mới đi vào hoạt động, nhưng với quyết tâm phục hồi sản xuất trong thời gian sớm nhất, HTX đã cố gắng tập trung nhân lực, vật lực để khôi phục cơ sở hạ tầng, vệ sinh ao nuôi trước khi thả tôm giống, dự kiến trong 3 tháng nữa sẽ xong toàn bộ. Ngoài ra, trong số 12 bể nuôi tôm, có 6 bể bị hỏng mái, 6 bể không ảnh hưởng nên HTX vẫn tiếp tục nuôi dưỡng hơn 6 triệu con tôm còn lại, đồng thời lên kế hoạch nhập thêm tôm giống về nuôi. Do thời tiết không mưa nên vật nuôi phát triển tốt, dự kiến khoảng 20 ngày nữa sẽ có tôm xuất bán ra thị trường với sản lượng ổn định từ 35-40 tấn/tháng.
Tại TP Uông Bí, bão số 3 cũng gây thiệt hại lớn về nhà cửa, vật nuôi và cây trồng của các hộ dân. Hộ anh Tạ Viết Dũng (khu 4, phường Bắc Sơn) có 3ha đất vườn tạp, được đầu tư xây dựng theo mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái gần 10 năm nay. Với mô hình này, mỗi năm gia đình có lãi hơn 1 tỷ đồng. Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão làm ngập nặng các ao, chuồng, một lượng lớn cá, gà bị nước cuốn trôi, cây cối trong vườn bị bật gốc, gãy đổ… tổng thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Để quyết tâm nhanh chóng khôi phục sản xuất, ngay sau khi hết mưa, anh Dũng đã tiến hành dọn dẹp, phục hồi ngay vườn cây ăn quả, dựng thẳng các cây còn sống. Đối với đàn vật nuôi, ngoài việc chủ động xử lý môi trường chăn nuôi, anh còn tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng và quản lý dịch bệnh để vật nuôi phát triển tốt. Gia đình cũng đã nhập thêm 1.200 con gà giống 1 ngày tuổi để tăng đàn. Từ nay đến Tết Nguyên đán, gia đình sẽ nhập thêm 2 lứa gà với tổng số 2.500 con để sớm khôi phục đàn vật nuôi sau bão, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của người dân trong dịp trước, trong và sau Tết.
Hậu quả mà bão, hoàn lưu sau bão để lại là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp, người dân và ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ những thiệt hại, mất mát có thể thấy việc tái thiết không chỉ dừng lại ở khôi phục sản xuất, mà ngành nông nghiệp, các địa phương cần định hướng, hỗ trợ để người dân tăng cường áp dụng các biện pháp KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là xây dựng các phương án phòng ngừa thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm sinh kế cho người dân trong những điều kiện khó khăn như sau cơn bão số 3 Yagi vừa qua.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()