Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:16 (GMT +7)
Khơi dậy ý chí làm giàu của người dân
Thứ 3, 16/07/2024 | 12:43:52 [GMT +7] A A
Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, cư trú rải rác trên 85% địa bàn trong tỉnh. Những năm qua, tỉnh luôn đặt trọng tâm hướng đến nâng cao đời sống người dân và thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần kéo giảm khoảng cách chênh lệch vùng, miền trong tỉnh.
Huyện Bình Liêu có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 94,3% dân số toàn huyện. Với đa dạng các nguồn lực, địa phương tập trung khai thác thế mạnh phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống nhân dân, trong đó huyện đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng; tháo gỡ vướng mắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo kịp thời tạo điều kiện người dân có đất, yên tâm sản xuất; thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, chuyển đổi gần 300ha diện tích đất trồng lúa, cây màu kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao, như: Ngô, dong riềng, quế…; khuyến khích người dân thực hiện các mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả như trồng hoa kết hợp với du lịch sinh thái, nuôi cá nước lạnh, trồng các loại cây đặc sản hồi, quế, sở, thông mã vĩ…; phát triển du lịch cộng đồng...
Bằng các giải pháp đồng bộ, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, ngành dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn 54,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 20,9%; nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản 24,7%. Toàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 0,89%, hộ cận nghèo 14,99% theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh. Thu nhập bình quân đạt 70,52 triệu đồng/người/năm.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có tới 67/177 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Để tạo “sức bật” cho phát triển khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, tỉnh luôn xác định nguồn lực quan trọng nhất chính là từ người dân. Do đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện cơ chế huy động nguồn lực theo hướng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành ngân sách từ chỗ ngân sách quản lý tập trung ở cấp tỉnh sang phân cấp giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động tốt các nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Trong 3 năm qua, tỉnh huy động trên 114.000 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và các chương trình mục tiêu quốc gia. Điểm khác biệt là ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp và vốn ngân sách nhà nước lồng ghép chỉ chiếm khoảng 16%, vốn huy động xã hội hóa chiếm đến 84% (chủ yếu từ vốn tín dụng chiếm tới 82,5%).
Nguồn lực đầu tư của nhà nước đã khơi dậy sức mạnh, tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân. Thể hiện rõ là người dân khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đã chủ động vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, cải tạo nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch… Đây chính là nền tảng quan trọng tiếp tục tạo nên những tiềm lực mới, động lực mới, diện mạo mới cho sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), cho biết: Được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và huyện, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách được ủy thác cho Ngân hàng CSXH triển khai kịp thời đã đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của những hộ dân trên địa bàn xã. Đến nay, Đồn Đạc là địa phương có dư nợ các chương trình tín dụng chính sách cao nhất trong toàn tỉnh với trên 1.200 lượt hộ dân được vay vốn, tổng dư nợ trên 111 tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về diện mạo nông thôn, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao trong đồng bào DTTS, thu nhập bình quân đầu người đạt 65,2 triệu đồng/người/năm.
Theo đại diện Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh, hằng năm, tỉnh đã bố trí vốn ngân sách uỷ thác qua ngân hàng để thực hiện chính sách đặc thù của địa phương, chính sách vùng DTTS và miền núi lồng ghép gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, đây là cách làm chủ động sáng tạo riêng có của Quảng Ninh. Tính đến nay, tổng dư nợ các xã khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là 1.805,3 tỷ đồng với 25.894 lượt người dân còn dư nợ, góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, khơi dậy ý chí làm giàu trên chính quê hương mình.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()