Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:05 (GMT +7)
Khơi dậy tự tin cho con - Vai trò của cha mẹ
Thứ 3, 13/08/2024 | 16:44:35 [GMT +7] A A
Một đứa trẻ thiếu tự tin có thể gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và học tập. Ngược lại, sự tự tin sẽ giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn...
Không ít gia đình đặt câu hỏi về việc giúp trẻ tăng sự tự tin. Để làm điều đó, phụ huynh cần cho phép trẻ tự lập kế hoạch, đối mặt với vấn đề và tìm giải pháp đối phó.
Những hạn chế khi trẻ thiếu tự tin
Quan điểm “vấp ngã là điều cần thiết để trẻ rèn luyện sự tự tin và tính kiên trì” đã trở nên quá quen thuộc khi nói đến cách nuôi dạy con. Tuy nhiên, việc để con gặp phải thất bại nhiều lần mà không có sự khích lệ từ phụ huynh sẽ khiến trẻ bất mãn về bản thân, từ đó luôn cảm thấy tự ti thay vì tự tin.
Rèn luyện sự tự tin, kiên trì không đến từ việc gặp nhiều thất bại, mà đến từ thứ giúp trẻ hiểu được rằng, mình có thể đứng dậy, làm lại từ đầu và sẽ đạt được thành công. Để có được điều này, trẻ cần phải trải qua cảm giác thành công và sự động viên to lớn từ cha mẹ.
Chúng ta học từ những thử thách, và được nhiều hơn khi vượt qua thử thách đó một cách thành công. Điều này tạo nên động lực để chinh phục các khó khăn khác. Trẻ em cũng vậy. Nếu gặt hái được thành công, trẻ sẽ được tiếp thêm ý chí tiếp tục phấn đấu. Ngược lại, việc gặp thất bại liên tục sẽ dẫn đến cảm giác tự ti và muốn từ bỏ mọi thứ.
Theo các chuyên gia, việc phụ huynh quá bảo bọc con sẽ khiến trẻ thiếu tự tin do không học được cách tự giải quyết các vấn đề cá nhân. Giúp con rèn luyện sự tự tin đòi hỏi cha mẹ phải học cách cân bằng giữa sự bảo vệ trẻ khi cần thiết và tạo ra không gian để con tự do quyết định.
Phụ huynh có thể hướng dẫn con những kỹ năng vượt qua các tình huống khó khăn. Tuy nhiên, chính trẻ phải là người tự giải quyết vấn đề. Cha mẹ chỉ nên là bạn đồng hành để trẻ có được sự tự do và chủ động phát triển.
Việc cha mẹ “nhúng tay” quá nhiều vào việc của trẻ nghĩa là phụ huynh đang lấy đi cơ hội để con tự khẳng định khả năng của mình.
Khi cảm thấy tự tin, trẻ sẽ dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ và trở nên thành thạo hơn. Đồng thời, trẻ sẽ thấy tự tin hơn nhiều khi những người xung quanh tin tưởng chúng. Cha mẹ càng khen ngợi những gì con làm, trẻ sẽ càng cảm thấy thành thạo hơn. Bởi, thực tế, trẻ em phát triển khi người lớn xung quanh mong đợi chúng phát triển.
Trong nhiều tình huống, người trưởng thành và trẻ lớn có thể phải tỏ ra tự tin dù không thực sự cảm thấy như vậy. Tuy nhiên, trẻ nhỏ không thể làm được điều đó. Sự thiếu tự tin ở trẻ mà cha mẹ nhận thấy cũng chính là cảm xúc của bé.
Người lớn có thể tự thuyết phục mình tin tưởng vào một điều gì đó để cảm thấy tự tin hơn. Tuy nhiên, trẻ nhỏ không thể làm như vậy. Chúng thường tỏ ra rụt rè trước sự thất vọng và phê bình từ người lớn, khi những nỗ lực của mình không được ghi nhận.
Trẻ nhút nhát, thiếu tự tin thường gặp nhiều hạn chế trong quá trình phát triển bản thân. Cụ thể, trẻ thường thích ở trong vùng an toàn nên ít có trải nghiệm, không dám thử điều mới lạ, ít có cơ hội học hỏi, khám phá và không phát huy được hết năng lực của bản thân. Vì ngại giao tiếp, trẻ không dám yêu cầu sự giúp đỡ nên dễ gặp vấn đề ở trường học cũng như ngoài cuộc sống.
“Chìa khóa” dẫn lối cho sự thành công
Thực tế, sự tự tin là “chìa khóa” dẫn lối cho sự thành công và làm chủ mọi tình huống trong cuộc sống. Việc dạy trẻ các kỹ năng và tạo môi trường rèn tính tự tin, mạnh dạn sẽ giúp con phát huy tối đa năng lực của bản thân.
Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh - Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, ngày nay, nhiều trẻ đang phải đối mặt với sự lo lắng hơn bao giờ hết. Có hai lý do chính cho việc này. Một là trẻ đang sống trong xã hội hiện đại, khi công nghệ tiên tiến giúp chúng dễ dàng truy cập thông tin nhanh chóng. Trẻ em ở thế hệ này đã quá quen với việc đạt được mọi thứ ngay lập tức đến mức, chúng có thể dễ dàng thất vọng và thậm chí lo lắng khi được yêu cầu chờ đợi.
Một lý do khác là trong văn hóa nuôi dạy con ngày nay, cha mẹ chịu rất nhiều áp lực phải đảm bảo cho trẻ mọi lợi thế để vượt trội. Trẻ bây giờ gặp nhiều áp lực về học tập, ngoại khóa và xã hội hơn so với các thế hệ trước. Cha mẹ và trẻ biết rằng khó khăn như thế nào để vào được một trường “tốt” và áp lực là phải làm nhiều hơn, làm tốt hơn. Điều này khiến trẻ em và thanh, thiếu niên trở nên lo lắng.
Theo chuyên gia Ngô Phạm Thị Thúy Trinh, một trong những sai lầm phổ biến nhất mà cha mẹ mắc phải là không nhận ra sự khác biệt giữa hỗ trợ và giải cứu trẻ.
Khi cha mẹ giải cứu con khỏi một cuộc xung đột, họ đang “làm” điều đó cho trẻ. Ngược lại, khi hỗ trợ con giải quyết vấn đề một cách độc lập, cha mẹ đang “khuyến khích” quá trình tư duy phản biện và khả năng chịu đựng thất vọng ở trẻ.
Khi tự mình tìm ra giải pháp, trẻ sử dụng khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xã hội và lập kế hoạch. Trẻ đồng thời học cách chịu đựng sự khó chịu do cảm thấy không chắc chắn về cách giải quyết. Quá trình này là thực hành cần thiết để trẻ em và thanh, thiếu niên phát triển sự tự tin. Tuy nhiên, quá trình này sẽ mất đi khi trẻ được cha mẹ giải cứu.
Các cha mẹ có thêm thách thức trong việc nuôi dạy con ở thời đại 4.0. Bởi, thế hệ trẻ em và thiếu niên này có ít khả năng chờ đợi bất cứ điều gì.
Từ phim và chương trình truyền hình đến điện thoại thông minh, mạng xã hội, có rất ít sự chậm trễ giữa những gì trẻ đang tìm kiếm và tìm thấy. Các cha mẹ cũng đã quen với tốc độ này và đáp ứng yêu cầu cũng như mong muốn của con một cách nhanh chóng. Điều đó dẫn đến rất nhiều lo lắng khi trẻ phải ngồi giải quyết một vấn đề mà không có cách giải quyết ngay lập tức. Giải pháp tốt nhất là xây dựng “chờ đợi” mọi thứ ngay từ khi còn rất sớm.
Một giải pháp khác để tăng sự tự tin ở trẻ em là phát triển sự kiên nhẫn. Trẻ cũng cần học kỹ năng xem xét các giải pháp cho một vấn đề khi phát sinh.
“Một trong những món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ có thể dành cho con là cho phép trẻ tự sửa chữa sai lầm. Các cha mẹ thường nói với con rằng, sai lầm là điều bình thường, ai cũng có thể mắc sai lầm. Tuy nhiên, thông điệp đó là vô nghĩa trừ khi trẻ được phép tự sửa chữa lỗi lầm của mình”, chuyên gia Thúy Trinh cho biết.
Bởi, nếu con mắc lỗi và cha mẹ ngay lập tức giải quyết vấn đề, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và có thể xấu hổ. Mặt khác, nếu tự sửa chữa lỗi lầm, trẻ sẽ nuôi dưỡng lòng tự hào và sự tự tin. Trẻ cũng giảm nỗi sợ mắc phải những sai lầm trong tương lai - điều không thể tránh khỏi.
Một cách khác để giúp trẻ phát triển sự tự tin là cho phép chúng tự lập kế hoạch, tổ chức và ứng biến vào những khoảng thời gian như giờ giải lao hay ăn trưa. Đây là khoảng thời gian thường không có cấu trúc, tính chất không thể đoán trước, cũng như nhu cầu xã hội gia tăng vào những thời điểm này trong ngày. Kinh nghiệm này rất quan trọng trong việc phát triển sự tự tin.
Trẻ em và thanh, thiếu niên cần tự do đưa ra quyết định, đối phó với những kết quả không mong muốn, thực hành các kỹ năng xã hội. Một phần của thực hành trẻ có thể gặp rắc rối và phải tự tìm ra cách giải quyết. Điều này giúp trẻ hiểu biết và tự tin rằng, mình có thể tự đối phó với những sai lầm hoặc kết quả không mong muốn trong tương lai.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()