Tất cả chuyên mục

Năm 2015 ngành KH&CN của tỉnh tiếp tục đạt được những thành tựu, nổi bật là xây dựng thương hiệu nông sản OCOP; hoạt động nghiên cứu hoa học, phát triển công nghệ; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN... Qua đó, góp phần gia tăng giá trị sản xuất ở các ngành kinh tế, nâng cao thu nhập, phục vụ đời sống người dân.
Quảng Ninh đang xây dựng để trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp. Ngành nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng không lớn trong nền kinh tế của tỉnh, nhưng đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, bởi mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 50% người dân trên địa bàn, cung cấp một lượng lớn nông sản hàng hoá cho thị trường…
![]() |
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh 2010-2015 thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm. |
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng một chương trình riêng về phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị các nông sản. Theo đánh giá, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt cho các sản phẩm đặc thù, nhất là nông sản của tỉnh để hội nhập kinh tế quốc tế, tạo cơ sở để các sản phẩm nông nghiệp tự tin cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu. Trong năm 2015, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, chương trình OCOP… Đến nay Quảng Ninh đã xây dựng được 21 nhãn hiệu, trong đó có 3 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, 13 nhãn hiệu chứng nhận, 5 nhãn hiệu tập thể. Tất cả 21 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng của Bộ KH&CN và được trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản.
Nhằm từng bước nâng cao chất lượng các thương hiệu nông sản, tỉnh đã tổ chức cuộc thi thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp bao bì cho các sản phẩm chương trình OCOP tỉnh. Sau hơn 2 tháng triển khai, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 76 tác giả trong và ngoài tỉnh với 456 tác phẩm dự thi, trong đó có 358 tác phẩm thiết kế nhãn hiệu, 98 tác phẩm thiết kế kiểu dáng công nghiệp, bao bì sản phẩm. BTC cuộc thi đã trao 10 giải nhất, 14 giải nhì, 11 giải ba cho các tác giả thiết kế nhãn hiệu; 9 giải nhất, 3 giải nhì cho các tác giả thiết kế kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm.
Sở KH&CN đã chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị phát huy hiệu quả các dự án xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Hiện các địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai thực hiện vùng sản xuất tập trung đã được quy hoạch. Quảng Yên, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu là những địa phương đi đầu trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện vùng sản xuất tập trung. TX Quảng Yên đã xây dựng thương hiệu các sản phẩm rau an toàn Quảng Yên, Trứng gà Tân An. Các sản phẩm nay khi xây dựng thương hiệu đã gia tăng giá trị sản phẩm. Trước khi thực hiện dự án, 1ha rau chỉ bán được 50-70 triệu đồng; sau khi thực hiện dự án, năm 2015 1ha rau thu được 100-150 triệu đồng. Hiện các sản phẩm rau an toàn Quảng Yên có bán tại các cửa hàng ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, được xuất sang các thị trường lân cận như Hải Phòng..., sản lượng tiêu thụ 10-11 tấn/ngày. Dự án rau an toàn Quảng Yên đã thu hút Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long (TP Hạ Long) đầu tư trên 45 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ cho bà con vùng trồng rau; Công ty TNHH Song Hành (TP Hạ Long) chuẩn bị đầu tư xây dựng khu sơ chế, bao gói sản phẩm rau an toàn rộng 3.000m2 ở xã Tiền An (TX Quảng Yên)…
Bên cạnh đó, chương trình nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi được chú trọng. Trong năm 2015, Quảng Ninh triển khai 7 dự án nối tiếp từ các năm 2012. Đồng thời thực hiện 30 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ của tỉnh. Các dự án, nhiệm vụ KH&CN đã tập trung chuyển giao quy trình sản xuất giống, công nghệ tiên tiến có tính quyết định đến phát triển sản xuất của doanh nghiệp với tổng số trên 20 công nghệ như dây chuyền sản xuất, bảo quản bột dong để sản xuất miến dong; sản xuất chè Hải Hà theo hướng VietGap; sản xuất giống nấm ăn và nấm dược liệu... Sở KH&CN đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục 21 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh để chuẩn bị cho kế hoạch năm 2016, trong đó 14 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ; 6 dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN; 1 dự án chuyển giao tiến bộ KH&CN cấp tỉnh. Sở cũng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, xây dựng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN này.
Cũng trong năm 2015, ngành KH&CN tỉnh đã triển khai nhiều đề án quan trọng nhằm nâng cao năng lực, chất lượng KH&CN. Tiêu biểu như Đề án tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh, với 2 dự án thành phần. Đó là dự án “Đầu tư bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh” do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm chủ đầu tư, tổng vốn trên 23 tỷ đồng; Dự án “Đầu tư thiết bị nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long” do Vườn Quốc gia Bái Tử Long làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 13 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh đã phê duyệt 7 dự án thuộc Đề án phát triển doanh nghiệp KH&CN tỉnh đến năm 2020 với tổng kinh phí thực hiện trên 46 tỷ đồng; đã có 4 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KH&CN.
Công tác quản lý nhà nước về KH&CN trong sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, an toàn bức xạ và hạt nhân được đẩy mạnh; hợp tác chuyển giao thông tin với các trường đại học, viện nghiên cứu được tăng cường; thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành trong tỉnh tham gia kiểm tra về cấp phép xả thải, chủ trương đầu tư, dây chuyền công nghệ cho các dự án trên địa bàn tỉnh; nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KH&CN cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ tham gia mạnh mẽ vào quá trình hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp...
Nguyễn Hoa
Ý kiến ()