Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:40 (GMT +7)
Khoa học mang lại sự thanh thản cho gia đình liệt sĩ
Chủ nhật, 24/07/2022 | 07:48:35 [GMT +7] A A
Ông Nguyễn Mạnh Việt, sinh năm 1956, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Yên Thọ (TX Đông Triều), hiện ở khu Yên Lãng 2, phường Yên Thọ, là anh trai liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà, khẳng định: Phương pháp khoa học giám định ADN của Nhà nước đã mang lại sự thanh thản trong tình cảm tâm linh cho gia đình chúng tôi. Tôi tin chắc rằng, ở các nghĩa trang liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ và cả trong chiến tranh bảo vệ biên giới sẽ ngày càng ít đi những hàng bia mộ mang dòng chữ “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”…
Chuyện kể về trận chiến buổi sáng ngày 17/2/1979 trên trận địa Đồn 209 Pò Hèn, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh), trên đỉnh đồi Quế, cuộc chiến phòng vệ của các chiến sĩ biên phòng bình tĩnh, quyết đoán, chờ quân địch tiến sát hàng rào dây thép gai của đồn mới nổ súng.
Cả 4 lần địch dàn hàng ngang xông lên, 4 lần đều bị đánh hất xuống. Một toán địch cùng với chó chiến đấu mở đường máu xông vào cổng đồn thì bị quân ta đánh bọc sườn. Binh nhì Nguyễn Mạnh Hà, xạ thủ đại liên đã 3 lần địch ồ ạt xông lên chốt đều bị anh kìm lại bằng hỏa lực, tiêu diệt hơn 40 tên. Khi bị địch dùng B41 đánh văng khẩu đại liên, Hà nhảy lên khỏi mặt hào, kéo khẩu đại liên trở lại vị trí cũ và tiếp tục chiến đấu cho đến khi hy sinh cùng đồng đội trên trận địa. Liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà, sinh năm 1960, tại xã Yên Thọ (nay là phường Yên Thọ, TX Đông Triều), nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh (nay là BĐBP) tháng 5/1978…
Ông Nguyễn Mạnh Việt, anh trai liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà, tâm sự: Cũng vì sức khỏe yếu, lại bị nhiễm chất độc da cam từ chiến trường miền Nam trở về, bao năm ông không có điều kiện tìm và thăm viếng mộ em trai. Các em ông ở địa phương cũng trong tình trạng khó khăn. Năm 2017, sau khi nghe được câu chuyện có liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện, sinh năm 1958, tại xã Đức Chính (nay là phường Đức Chính, TX Đông Triều), nhập ngũ tháng 11/1976, cùng hy sinh ngày 17/2/1979 tại Đồn 209 Pò Hèn, chưa xác định được phần mộ an táng ở đâu. Ông trăn trở và suy nghĩ, nay các con đã trưởng thành, ông tâm sự với các con muốn đi tìm mộ người chú liệt sĩ hy sinh năm 1979 ở biên giới để đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà cho thuận tiện hương khói. Các con đồng tình với ý nguyện của ông.
Những cựu binh biên phòng đã có mặt tại Đồn 209 Pò Hèn từ tối ngày 19/2/1979 kể: Phần mộ các liệt sĩ đã hy sinh tại Pò Hèn ngày 17/2/1979 được an táng tại nghĩa trang Mào Phềnh của Đồn dưới chân núi Mã Thầu Sơn. Vào ngày 22/7/1982, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 209 đã làm các thủ tục di chuyển hài cốt các liệt sĩ từ Mào Phềnh xuống địa điểm Vày Kháy, gần UBND thị trấn Hải Sơn của huyện Hải Ninh lúc đó (nay là TP Móng Cái). Các phần mộ tại nghĩa trang đó, mọi người kể, vẫn có anh Lý trước là trinh sát viên của đồn, sau được chuyển ngành sang lâm nghiệp làm việc ở đó hương khói đều đặn... Vào khoảng từ năm 1994 đến năm 1996, khi huyện Hải Ninh khởi công công trình hệ thống thủy lợi hồ Tràng Vinh đã di chuyển nghĩa trang liệt sĩ Pò Hèn. Ngày đó, các liệt sĩ từ Cẩm Phả trở về miền Tây của tỉnh và các tỉnh ngoài được di chuyển về nghĩa trang Hà Tu (TP Hạ Long), còn các liệt sĩ từ huyện Tiên Yên trở về khu vực miền Đông của tỉnh quy tập về nghĩa trang của TP Móng Cái.
Khi em trai út cùng con trai ông đến nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu thì lại không tìm thấy phần mộ liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà, nhưng có một phần mộ ghi tên liệt sĩ Nguyễn Mạnh Thọ, chỉ có năm sinh, quê quán và hy sinh năm 1979 là trùng hợp. Người em trai và cháu liệt sĩ trở về với nỗi buồn và bao lo toan, áy náy với người đã hy sinh. Rồi con trai ông tiếp tục ra xã Hải Xuân (TP Móng Cái) tìm gặp ông Hoàng Như Lý, đồng đội của chú mình còn sống sót để tìm hiểu thêm. Ông Lý cùng các cựu binh Pò Hèn khẳng định, đơn vị không có cán bộ, chiến sĩ tên là Thọ, chắc chắn có sự nhầm lẫn khi di chuyển. Được chị Nguyễn Thị Thủy, công chức chính sách xã hội của xã báo cáo với Phòng LĐ-TB&XH thị xã và hướng dẫn con trai ông đến Sở LĐ-TB&XH đề nghị xác minh thông tin liệt sĩ. Nhờ Phòng LĐ-TB&XH TP Hạ Long và Sở LĐ-TB&XH tận tình, nhanh chóng làm các thủ tục để xác minh thông tin phần mộ liệt sĩ ghi tên Nguyễn Mạnh Thọ ở mộ số 22, hàng 3, dãy 1 khu vực bên trái nghĩa trang Hà Tu và lấy mẫu giám định gene (ADN) của liệt sĩ. Kết quả giám định ADN đã xác định phần mộ liệt sĩ ghi tên Nguyễn Mạnh Thọ trong nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu chính là phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà, xạ thủ đại liên chốt Đồi Quế của Đồn 209 Pò Hèn.
Nhận được kết quả giám định ADN từ cơ quan chức năng, gia đình ông vô cùng xúc động và vui mừng, cùng họp bàn và thống nhất đề nghị chính quyền địa phương và các cấp tổ chức di chuyển hài cốt liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ của thị xã tại Yên Thọ vào dịp cuối năm 2018.
Ngồi trầm lặng hồi tưởng về những ngày di chuyển hài cốt liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà về quê hương, ông Nguyễn Mạnh Việt kể: Năm ấy, Đảng bộ, chính quyền và bà con trong thôn cùng những cựu binh biên phòng đã rất chu đáo quan tâm, giúp đỡ gia đình kể từ khi bắt đầu tìm kiếm phần mộ cho đến khi em tôi được xác định chính xác. Em tôi đã mãi mãi được an nghỉ trong lòng đất mẹ quê hương…
Nguyễn Xuân (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()