Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:30 (GMT +7)
Khó tìm "nàng thơ" cho điện ảnh Việt đương đại
Thứ 6, 11/03/2022 | 16:06:04 [GMT +7] A A
Điện ảnh Việt Nam đến nay đã trải qua nhiều chặng đường phát triển: Chiến tranh-hậu chiến, đổi mới, đương đại. Trong suốt chiều dài lịch sử, điện ảnh Việt Nam đã xây dựng thành công hình tượng người phụ nữ.
Họ chính là các “nàng thơ” của điện ảnh Việt. Hiện nay, diễn viên nữ rất nhiều nhưng để trở thành biểu tượng điện ảnh thì ít, thậm chí khó tìm được gương mặt nào xứng đáng với danh xưng ấy.
Điện ảnh đã tạo dựng được những vai diễn huyền thoại của các nghệ sĩ tài năng: Trà Giang, Như Quỳnh, Minh Châu, Lê Vân... Dù đã trải qua gần nửa thế kỷ, nhiều vai diễn của họ vẫn còn được nhắc đến như những vai diễn kinh điển thể hiện tâm hồn và thân phận người phụ nữ Việt trong những hoàn cảnh lịch sử. Trong số đó, Trà Giang là tên tuổi nổi bật nhất. Bà được xem như là “gương mặt huyền thoại của điện ảnh cách mạng Việt Nam”, “tượng đài của điện ảnh cách mạng Việt Nam trong thời chống Mỹ”. Bà đã có những vai diễn để đời, có sức sống lâu bền trong lòng khán giả yêu điện ảnh, như: Chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên; Dịu trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; Nhân trong “Ngày lễ thánh”; Hai Lan trong “Mối tình đầu”; Hương trong “Huyền thoại về người mẹ”... Bên cạnh giải thưởng dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại các kỳ liên hoan phim (LHP) Việt Nam, Trà Giang trở thành diễn viên đầu tiên của Việt Nam đoạt giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhờ vai diễn chị Dịu trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” tại Liên hoan phim quốc tế Moscow (Nga) năm 1973.
Cùng với NSND Trà Giang, điện ảnh Việt Nam giai đoạn này còn xuất hiện các “nàng thơ” của chiến trận và hậu chiến với những vai diễn xuất sắc. Như Quỳnh ở tuổi hai mươi tỏa sáng với vai diễn chính đầu tiên-Nết trong “Đến hẹn lại lên”, tiếp đó là Ái trong “Ngày lễ thánh”, Diễm Hương trong “Mối tình đầu”, Nguyệt trong “Hà Nội mùa chim làm tổ”. Giai đoạn sau, Như Quỳnh còn tham gia nhiều phim điện ảnh khác, nổi bật trong đó là vai bà Kía trong “Chuyện của Pao”. Vốn là diễn viên múa, Lê Vân rẽ ngang sang lĩnh vực điện ảnh và có những vai diễn khó quên: Chị Dậu trong bộ phim cùng tên, Duyên trong “Bao giờ cho đến tháng mười”, Đặng Thị Huệ trong “Đêm hội Long Trì”. So với các “nàng thơ” trên của điện ảnh Việt, Minh Châu xuất hiện không nhiều, song vai diễn nào của bà cũng để lại những khắc khoải về thân phận người phụ nữ: Nguyệt trong “Cô gái trên sông”, Thai trong “Cỏ lau”...
Thời kỳ đổi mới và những năm đầu thế kỷ 21, điện ảnh Việt Nam chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Bên cạnh dòng phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến, xuất hiện ngày một nhiều dòng phim về đời sống đương đại. Giai đoạn này cũng xuất hiện nhiều ngôi sao điện ảnh, những “nàng thơ” của điện ảnh Việt ở cả hai dòng phim nghệ thuật và giải trí: Việt Trinh “Vĩnh biệt mùa hè”, “Xương rồng đen”; Lê Vi “Truyện cổ tích cho tuổi 17”, “Giải hạn”, “Cây bạch đàn vô danh”; Đỗ Thị Hải Yến “Chuyện của Pao”, “Chơi vơi”, “Cánh đồng bất tận”... Trong số các diễn viên nữ của giai đoạn này, Hồng Ánh là gương mặt tiêu biểu hơn cả. Cô được ví như là dấu gạch nối giữa hai thế hệ diễn viên tài năng: Chiến tranh/hậu chiến và đổi mới/đương đại. Hàng loạt các vai diễn xuất sắc của Hồng Ánh đã đưa cô trở thành biểu tượng mới của điện ảnh Việt: Tâm trong phim “Đời cát”, Giao trong “Thung lũng hoang vắng”, Quỳ trong “Người đàn bà mộng du”, Hạnh trong “Trăng nơi đáy giếng”...
Nếu Trà Giang là “nàng thơ” tiêu biểu của chiến trận và hậu chiến, Hồng Ánh là “nàng thơ” tiêu biểu của đổi mới, thì việc đi tìm “nàng thơ” mới của điện ảnh Việt Nam đương đại là điều không dễ. Có thể kể đến một số cái tên, nhưng thành tựu và nhất là ấn tượng trong lòng khán giả vẫn chưa đủ thuyết phục như các thế hệ trước. Có thể nêu ra một số lý do như sau: Thứ nhất, số lượng phim điện ảnh của giai đoạn trước ít, vai diễn của các diễn viên dễ tạo ấn tượng trong lòng khán giả, nhất là vai diễn phản ánh chân thực tinh thần thời đại, khắc họa sinh động tâm hồn, phẩm cách người Việt. Thứ hai, về sự chuyên tâm và đầu tư cho vai diễn: Diễn viên thời kỳ trước chuyên tâm với một dòng phim, có thể dòng phim nghệ thuật kén khán giả, sẵn sàng thử sức với vai diễn khó, phức tạp, nhưng khi đã vượt qua khó khăn thì thành tựu sẽ đến với họ. Thứ ba, không ít diễn viên hiện nay chỉ coi điện ảnh là cuộc dạo chơi, thậm chí là cách để đánh bóng tên tuổi, việc đầu tư cho những vai diễn để đời chưa thật sự được coi trọng. Thứ tư, các diễn viên hôm nay chủ yếu lựa chọn dòng phim giải trí, dễ tiếp cận với khán giả, không đòi hỏi nhiều phẩm tính nghệ thuật của vai diễn, vì vậy, các vai diễn ít có chiều sâu và nội lực.
Việc đi tìm biểu tượng nữ mới cho điện ảnh Việt đương đại ắt hẳn sẽ cần thêm nhiều thời gian. Điều này không chỉ phụ thuộc vào sự phát triển của điện ảnh nước nhà mà còn ở tâm thế làm nghề của các diễn viên. Các thế hệ diễn viên trẻ có nhiều cơ hội và điều kiện hơn thế hệ trước, song họ cũng phải đối diện với nhiều thách thức và tác động từ bên ngoài. Vượt qua tất cả bằng tài năng, nội lực, bản lĩnh và tâm huyết sẽ giúp các diễn viên có những vai diễn để đời, và rất có thể biểu tượng mới của điện ảnh Việt Nam đương đại sẽ sớm xuất hiện.
Theo Quân đội nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()