Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 08:58 (GMT +7)
Kho tài nguyên vô giá
Chủ nhật, 02/06/2024 | 15:22:48 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ môi trường Vịnh Hạ Long nói riêng, các khu vực biển, sông suối đầu nguồn, các khu bảo tồn tự nhiên như Vườn quốc gia Bái Tử Long, khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng của Quảng Ninh được tỉnh hết sức quan tâm.
30 năm trước, ngày 17/12/1994, Vịnh Hạ Long đã được Tổ chức Văn hoá, Giáo dục, Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ và đến ngày 2/12/2000, kỳ quan này tiếp tục được công nhận là di sản thế giới lần thứ 2 về giá trị địa chất và địa mạo. Có ý kiến cho rằng, Vịnh Hạ Long xứng đáng để được đề cử di sản thế giới lần thứ ba về những giá trị về khảo cổ học và đa dạng sinh học trong vùng vịnh. Vậy những căn cứ khoa học ấy đến đâu?
Tháng 5/1998, khi ấy, Vịnh Hạ Long mới được thế giới vinh danh là Di sản thiên nhiên của nhân loại về những giá trị cảnh quan, thẩm mĩ, có một nhóm nhà khoa học đến từ Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh miệt mài khai quật khu vực núi Đầu Rằm, thuộc xã Hoàng Tân, huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên). Gọi là núi Đầu Rằm bởi đây là dãy núi đá vôi giống như cặp lông mày của người đối nhau, nằm bên bờ Vịnh Hạ Long. Sau gần 2 tháng khai quật, căn cứ vào các hiện vật khai quật được như đồ gốm, các vật dụng sinh hoạt, săn bắt bằng đồng, xương, đất nung… các nhà khảo cổ đã khẳng định cư dân cổ Đầu Rằm đã cư trú ở đây từ khoảng 3.300 năm - 2.000 năm cách ngày nay. Họ đã lấy săn bắt, hái lượm, khai thác biển làm phương thức sống chính.
Đặc biệt, trong những tàn tích thức ăn tìm thấy, các nhà khảo cổ đã phát hiện có rất nhiều xương rùa biển và đây được coi là một trong những phát hiện đáng chú ý nhất ở Đầu Rằm bởi nó cho thấy, vào khoảng thời gian trên, môi trường Vịnh Hạ Long cực kỳ đa dạng sinh học. Vịnh Hạ Long hẳn là điểm sinh sản, tụ cư của rất nhiều loài rùa biển. Đến năm 2005, khi di chỉ núi Cặp Bè được khai quật, các nhà khảo cổ tiếp tục tìm thấy nhiều tàn tích thức ăn có tính tương đồng như trên, chứng tỏ môi trường tự nhiên của Vịnh Hạ Long xưa phong phú, đa dạng nhường nào.
Dẫn lại câu chuyện như vậy để thấy rằng, đa dạng sinh học luôn là “xương sống”, là “hồn cốt” của Vịnh Hạ Long cũng như Vịnh Bái Tử Long. Những danh hiệu là di sản được Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà xếp hạng di tích - danh thắng đợt đầu tiên năm 1962, rồi 2 lần được UNESCO vinh danh, là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới của Vịnh Hạ Long, rồi những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến lịch sử quốc gia sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu Vịnh Hạ Long là một “biển chết” vô hồn.
Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ môi trường Vịnh Hạ Long nói riêng, các khu vực biển, sông suối đầu nguồn, các khu bảo tồn tự nhiên như Vườn quốc gia Bái Tử Long, khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng của Quảng Ninh được tỉnh hết sức quan tâm. Cùng với đó, nhận thức về vai trò của đa dạng sinh học, của môi trường tự nhiên đối với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, của môi trường sống đối với con người, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể đến mỗi người dân đã không ngừng được nâng lên. Nhờ đó, môi trường tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn. Người dân Đồng Rui (Tiên Yên), các xã đảo ở huyện Vân Đồn đã nhận thức được vai trò của rừng ngập mặn để không ngừng trồng rừng bồi đắp. Những dự án trồng rừng ngập mặn, nhân giống các loài thực vật đặc hữu, khoanh vùng bảo vệ san hô của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã và đang thu được những kết quả tích cực.
Hằng năm, cùng với tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, những hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể đến người dân quan tâm như ra quân trồng rừng ngập mặn, thu gom rác thải, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, tổ chức các tour du lịch kết hợp làm sạch môi trường cho nhiều đối tượng.
Đa dạng sinh học - ấy là kho tài nguyên vô giá, không chỉ đòi hỏi chúng ta bảo tồn, phát huy giá trị, không chỉ để giữ cho trái đất này luôn xanh, cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, mà đó chính là trách nhiệm của chúng ta hôm nay với thế hệ mai sau.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()