Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:28 (GMT +7)
Khó như... tìm chỗ đỗ xe ở đô thị
Chủ nhật, 21/01/2024 | 14:00:00 [GMT +7] A A
Ở TP Hạ Long hay các đô thị lớn, mật độ xe cộ càng ngày càng lớn. Việc tìm một điểm đỗ xe thuận tiện ở các đường phố chính thậm chí là ngõ phố cũng không hề dễ dàng, khi nhiều con đường, nhiều ngõ phố bỗng nhiên biến thành chỗ đỗ xe của không ít người.
Khi đường chung thành chỗ đỗ xe
Không cứ các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí... khi mà mật độ dân cư ngày càng đông đúc, nhà, cửa hàng san sát, vỉa hè làm chỗ để xe máy, mặt tiền nhà mặt phố làm chỗ để xe phục vụ sinh hoạt, kinh doanh. Trong bối cảnh "tấc đất tấc vàng" thì với các tài xế, việc tìm một chỗ đỗ ô tô miễn phí trên đường là khá khó khăn, nhất là ở các khu vực trung tâm thành phố.
Nhiều người cũng "sáng tạo" ngăn cản người khác đỗ xe trước cửa nhà bằng cách đặt các biển báo, chướng ngại vật ở lòng đường, vỉa hè để không cho xe dừng đỗ, ảnh hưởng sinh hoạt và buôn bán hoặc chỉ đơn giản là..."xí" chỗ để xe của gia đình. Tôi cũng như nhiều tài xế tham gia giao thông từng gặp phải những tình huống như vậy.
Còn nhớ có lần ra phố, tôi loay hoay đi cả vòng đường Lê Thánh Tông (TP Hạ Long) đông đúc, đoạn mặt tiền Trung tâm thương mại Times Garden. Quan sát không thấy biển cấm đỗ, tôi liền cho xe tấp vào lề đường cạnh dãy các cửa hàng kinh doanh thời trang, chú ý đỗ xe không chắn cửa ra vào của cửa hàng. Chưa kịp mừng vì tìm được điểm đỗ xe, lập tức tôi bị bảo vệ cửa hàng chạy ra xua đuổi, không cho đỗ xe với lý do: Không nhìn thấy biển cấm đỗ của cửa hàng à? Đây là khu vực điểm đỗ xe dành cho khách hàng của cửa hàng...!
Khi chạy ra cấm cản, bảo vệ không quên kèm theo vài câu cảnh cáo. Không muốn đôi co, tôi quay xe tìm điểm đỗ khác. Có thể thấy, việc ngăn chặn, "xí" chỗ đỗ xe khu vực đường trước nhà hay cửa hàng rất phổ biến ở các khu phố lớn, các khu chung cư đông đúc ở TP Hạ Long, khiến người đỗ xe nhiều khi "dở khóc dở cười"…
Và những tình huống tương tự đã được nhiều người phản ánh qua mạng. Đó là trường hợp khá hi hữu được facebooker Mạnh Trần (Trần Hưng Đạo) phản ánh: "Đoạn đường bên hông chung cư Lideco đi vào khu dân cư đường vốn đã nhỏ thế nhưng mấy ngày gần đây xuất hiện một loạt rào chắn sắt quây thành ô. Có lẽ chủ đầu tư quây để "xí" chỗ cho xe ô tô của chung cư, tránh không cho xe nơi khác đến đỗ. Việc này vừa làm hẹp đường, dễ gây tắc đường và cả nguy hiểm cho phương tiện qua lại. Là người tham gia giao thông tôi mong rằng chung cư và chính quyền quan tâm để không xảy ra tình trạng xấu xí này".
Quả thật, chuyện “xí” phần đỗ xe ở trước hay dọc các tuyến phố chính, nơi có các cửa hàng, cơ quan thậm chí ở các đường, ngõ xóm... đã là câu chuyện khá phổ biến ở TP Hạ Long và nhiều đô thị lớn. Dạo qua tuyến phố chính, nhộn nhịp, nhiều hàng quán kinh doanh san sát ở TP Hạ Long như: Nguyễn Văn Cừ, Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, phố Giếng Đồn, hay Văn Lang… dễ thấy hiện tượng này.
Có khi chỉ trên một đoạn phố ngắn có hàng chục biển báo, kẻ sơn lòng đường, đặt chướng ngại vật... "nhận chỗ" hoặc cách làm tương tự để chiếm đường chung làm của riêng. Thậm chí còn đặt cả biển báo tự chế, nhiều nơi còn đặt hẳn vật cản như xô, sọt nhựa, cục bê tông… để ngăn các xe khác đỗ.
Lý giải việc này nhiều người cho rằng hành động đó nhiều khi xuất phát từ việc chủ nhà hay chủ cửa hàng có mục đích ngăn cản xe đỗ chắn cửa ra vào của nhà, cửa hàng. Thế nhưng trên thực tế, nhiều nơi chiếm dụng cả không gian và dường như nhiều người mặc định coi đường phía trước nhà họ như là… của mình.
Làm sao để đỗ xe an toàn, văn minh?
Theo các tài xế chia sẻ thì dường như đang phổ biến tình trạng chủ nhà nghiễm nhiên chiếm cả khoảng không gian công cộng phía trước. Nên họ “xí” phần để đỗ xe và tìm cách ngăn cản xe khác đỗ. Vậy cách làm này đã hợp lý, đúng quy định chưa?
Theo Quy định về quản lý lòng đường, vỉa hè đã thể hiện rõ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ: Đường phố gồm lòng đường và hè phố; lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng trong mục đích giao thông (Khoản 1, Điều 36). Trường hợp đặc biệt có thể sử dụng vào mục đích khác, do chính quyền địa phương cấp phép nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông.
Có thể thấy, theo Quy định này thì không chỉ các hành vi buôn bán, kinh doanh trên hè phố; chiếm dụng, sử dụng trái phép lòng đường... đều là hành vi trái quy định và phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ.
Cũng theo lực lượng thanh tra giao thông thì những biển "cấm đỗ xe", cảnh báo... do người dân tự viết, vẽ lên giấy treo ở gốc cây, trước cửa, thậm chí sơn xuống lòng đường đều không có giá trị về mặt pháp luật. Thậm chí, hành vi đó có thể còn bị xử phạt nếu biển báo đặt sai quy định, ảnh hưởng tới giao thông, trật tự công cộng…
Các hành vi đó có khi còn bị xử lý. “Các hành vi tự ý đặt biển, vật cản... dưới lòng đường, gây mất an toàn, ảnh hưởng tới giao thông... hoàn toàn có thể bị xử lý. Bởi vỉa hè lòng đường đều do nhà nước quản lý, không phải thuộc về cá nhân, hộ gia đình. Thông thường những hành vi này sẽ bị lực lượng trật tự đô thị phường nhắc nhở, xử lý. Nếu tuyên truyền, nhắc nhở mà vẫn tái diễn nhiều lần, gây mất an toàn giao thông, chính quyền sẽ phối hợp với lực lượng công an, tổ dân khu phố... lập biên bản, xử lý” - ông Phạm Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND phường Cao Xanh (TP Hạ Long) cho biết.
Còn khi xảy ra tình huống cố tình trả đũa, đập phá, gây thiệt hại cho phương tiện, có thể người gây chuyện sẽ bị pháp luật xử lý theo quy định. Theo luật sư Lê Cao Long, Công ty TNHH MTV Tân Long (TP Hạ Long) khi xảy ra các tình huống, hành vi phá hoại xe ô tô của người khác thì tùy vào mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự và phải bồi thường dân sự. Tuỳ vào thiệt hại và các trường hợp cụ thể, có thể bị xử phạt 5 triệu đồng hoặc từ 10 triệu - 50 triệu đồng và phạt tù từ vài năm tới cao nhất là 20 năm.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Thoại (phường Hà Phong, TP Hạ Long) chia sẻ kinh nghiệm, ngoài quy định pháp luật, người đậu đỗ xe cần linh hoạt, văn minh. Ngoài những đoạn đường hẹp, điểm đỗ ảnh hưởng tới đi lại, an toàn giao thông theo luật định, người dừng xe phải lưu ý, không dừng, đỗ trước cửa nhà điểm kinh doanh quá lâu hay chặn cửa ra vào ảnh hưởng tới sinh hoạt, hoạt động kinh doanh của chủ nhà.
Cũng theo các tài xế có kinh nghiệm thì mỗi khi đi công chuyện, phải đỗ tạm xe ở lề đường, trước nhà dân, cửa hàng, họ luôn ghi số điện thoại liên lạc dán ở kính xe. Khi đỗ xe, chủ động đỗ xe ở phần giữa hai nhà để hạn chế bịt kín lối lên xuống của xe máy, hoặc đỗ gọn nhất có thể ở trước nhà người dân có mở cửa hàng kinh doanh.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()