Tất cả chuyên mục

Quảng Ninh hiện có 3 khu bảo tồn được phê duyệt ở mức phân hạng cao gồm rừng quốc gia Yên Tử, khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đồng Sơn - Kỳ Thượng và Vườn quốc gia Bái Tử Long, với tổng diện tích 3 khu bảo tồn là trên 34.000ha. Đây không chỉ là những kho tàng vô giá về đa dạng sinh học (ĐDSH) gắn với cảnh quan đặc sắc mà còn là tài nguyên vô giá để Quảng Ninh phát triển bền vững.
Cách TP Hạ Long 40km và cách thủ đô Hà Nội 150km, Rừng Quốc gia (RQG) Yên Tử thuộc địa bàn phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) có diện tích 2.783ha. Tuy diện tích không lớn, nhưng nơi đây được ví như một bảo tàng lưu giữ, bảo tồn nhiều nguồn gen quý hiếm và một hệ sinh thái đa dạng trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.
RQG Yên Tử có 5 ngành thực vật, với 830 loài, trong đó có 38 loài thực vật đặc hữu quý hiếm như: Lim xanh, táu mật, lát hoa, thông tre, la hán tùng, vù hương, kim giao... Hệ động vật đa dạng và phong phú với 151 loài động vật cạn có xương sống, trong đó có 35 loài thú, 77 loài chim, 34 loài bò sát, 15 loài lưỡng thê. Một số loài được xếp vào sách đỏ Việt Nam cần bảo vệ như: Voọc mũi hếch, Sóc bay lớn...
Năm 2016, 144 cây lớn thuộc RQG Yên Tử được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây cũng là những Cây di sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được công nhận. Hệ thống cây Di sản tại RQG Yên Tử gồm: 1 cây đa tía, 1 cây thị tại chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm, 102 cây Hồng tùng (xích tùng), 10 cây thông khổng lồ, 21 cây mai vàng đặc hữu và 9 cây đại cổ thụ. Hệ thống cây Di sản ở Yên Tử có niên đại từ 300 năm đến trên 700 năm, không chỉ nổi bật về giá trị ĐDSH mà còn đặc biệt hấp dẫn về giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh với những huyền tích gắn với cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Được ví như “lá phổi xanh” của tỉnh Quảng Ninh, khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng có diện tích tự nhiên lớn, lên tới gần 15.600ha, trải rộng trên địa phận 5 xã khu vực đồi núi phía Bắc của TP Hạ Long. Về đa dạng sinh học khu BTTN có 1.282 loài thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, có các loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như: Giổi bà, giổi nhung, giổi thơm, dẻ đen, lát hoa, sao hòn gai, sến mật, trầm hương, ba kích... Bên cạnh đó, trong Khu bảo tồn cũng có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, với 428 loài cây thuốc mọc tự nhiên.
Động vật trong Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng có 921 loài thú, chim, bò sát, ếch nhái, côn trùng, ốc cạn, cá... Trong số các loài thú có 30 loài động vật quý hiếm và bị đe doạ, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của IUCN, như: Sơn dương, gấu ngựa, khỉ mặt đỏ, voọc xám, cáo lửa, cầy gấm, cầy vằn Bắc, báo lửa, sóc bay trâu… Đặc biệt, nằm trong hệ động vật phong phú, khu bảo tồn có 2 loài đặc hữu là thằn lằn cá sấu và cá cóc Việt Nam, trong đó loài cá cóc Việt Nam được phát hiện có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN (2006, 2007).
Nằm trong vịnh Bái Tử Long, là khu bảo tồn có diện tích lớn nhất Quảng Ninh, Vườn Quốc gia Bái Tử Long có tổng diện tích 15.780ha, trong đó có 6.125ha diện tích đảo nổi và 9.658ha mặt nước biển. Vườn có 6 hệ sinh thái (HST) cơ bản bao gồm: HST rạn san hô, HST rừng ngập mặn, HST thảm cỏ biển, HST vùng bãi triều, HST vụng, hang động, HST rừng mưa nhiệt đới. Về đa dạng loài: Vườn Quốc gia Bái Tử Long có 2.416 loài sinh vật trong đó có 1.196 loài động thực vật rừng, 1.220 loài sinh vật biển. Trong đó có 106 loài được ghi nhận trong sách đỏ thế giới và sách đỏ Việt Nam như lợn rừng, nai, cầy, khỉ đuôi dài, tắc kè... Đặc biệt, Vườn Quốc gia Bái Tử Long sở hữu 3 cây trai lý cổ và 3 cây trâm vỏ đỏ có niên đại trên 300 năm và rừng trâm cổ trên đảo Minh Châu với quần thể 150 cây có tuổi đời trên 150 năm. Tất cả đều được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Là những bảo tàng sống về ĐDSH không chỉ ở quy mô quốc gia mà còn có giá trị trên toàn cầu, các khu bảo tồn của Quảng Ninh đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi Luật Lâm nghiệp và các chính sách đặc thù của tỉnh đồng thời định hướng trở thành tài nguyên xanh cho phát triển bền vững. Đơn cử như tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long đã xây dựng và đề xuất phát triển các tour du lịch kết hợp trải nghiệm khám phá các hệ sinh thái đặc trưng trong phạm vi Vườn. “Đây không chỉ hứa hẹn là những sản phẩm du lịch đặc thù mà còn có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và đặc biệt là du khách về vai trò bảo tồn ĐDSH gắn với phát triển bền vững, từ đó góp phần lan tỏa các giá trị, tầm quan trọng của công tác bảo tồn tới thế hệ mai sau”, ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long cho biết.
Ý kiến ()