Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:43 (GMT +7)
Khi trí tuệ nhân tạo viết văn
Chủ nhật, 12/03/2023 | 13:28:26 [GMT +7] A A
Sự gia tăng số người sử dụng ChatGPT để kiếm tiền đưa ra một thách thức hoàn toàn mới cho các biên tập viên tạp chí. Câu chuyện hoàn toàn bất ngờ với thời điểm chỉ nửa năm trước: Trí tuệ nhân tạo đã được dùng để viết truyện thay cho con người.
Trở về thời điểm tháng 8 năm 1957, khi đang tham gia một chương trình truyền hình trực tiếp, tác giả khoa học viễn tưởng người Mỹ Isaac Asimov đã được thử thách viết một truyện ngắn ngay tại chỗ. Ông nghĩ ra “Insert Knob A in Hole B” (Lắp ốc vít A vào lỗ B), một câu chuyện về người máy và vũ trụ.
Truyện chỉ vỏn vẹn 300 từ, được xuất bản trên Tạp chí Khoa học Viễn tưởng & Giả tưởng ba tháng sau đó, và được đưa vào tuyển tập “Nightfall and Other Stories” (Màn đêm và những câu chuyện khác) của Asimov năm 1969.
Trong câu chuyện, hai phi hành gia trên một trạm vũ trụ đã chán ngấy với công việc bảo trì, trong đó họ phải tự lắp ráp các thiết bị với những hướng dẫn không rõ ràng. Vì thế, họ rất vui khi các ông sếp từ Trái đất đồng ý gửi một người máy lên để làm thay họ tất cả công việc lặt vặt ấy. Tuy nhiên, khi thùng hàng đến nơi, hai phi hành gia phát hiện con rô-bốt chưa được lắp ráp, và các hướng dẫn lại vô cùng mơ hồ.
Như một thử nghiệm nhỏ, tôi (tác giả bài viết - David Barnett) đưa toàn bộ truyện ngắn này cho ChatGPT, trí tuệ nhân tạo dạng văn bản do công ty OpenAI công bố vào tháng 11, cùng một số hướng dẫn để nó thử “cập nhật câu chuyện”.
Asimov mất 20 phút để viết “Lắp ốc vít A vào lỗ B”, trong khi trò chuyện với những người tham gia chương trình khác. ChatGPT mất đúng 43 giây để tạo ra phiên bản của riêng nó. Nếu bạn không biết về câu chuyện gốc của Asimov, bạn có thể nghĩ đây là một tác phẩm nhỏ mang tính giải trí nhẹ nhàng, với một câu đùa hay ở cuối. Việc “cập nhật” đã biến cả hai nhân vật thành nữ và đặt tên cho họ – Nguyễn và Patel. Đoạn hội thoại đã được điều chỉnh một chút, nhưng về cơ bản thì đó là cùng một câu chuyện.
Mục đích của thử nghiệm này là gì? Vì ngày càng có nhiều người sử dụng ChatGPT và các công cụ văn bản AI khác để viết tiểu thuyết, hoặc tự hào khoe khoang điều đó, hoặc ngụy trang nó thành tác phẩm do chính họ viết.
Xu hướng này phát triển mạnh mẽ đến nỗi một tạp chí chuyên về truyện ngắn khoa học viễn tưởng hàng đầu ở Mỹ phải tạm thời ngưng nhận bài gửi vào tháng trước. Clarkesworld, được xuất bản hàng tháng dưới dạng bản cứng và trực tuyến kể từ khi ông Neil Clarke thành lập nó vào năm 2006, có phạm vi tiếp cận toàn cầu đối với cả độc giả và nhà văn. Nó được coi là một trong những thị trường truyện ngắn hàng đầu trong thể loại viễn tưởng.
Ông Clarke đã đóng cổng nhận bài viết trực tuyến sau khi nhận được một số lượng câu chuyện AI “vượt quá tầm kiểm soát”. “Trong thập kỷ qua, chúng tôi chỉ đóng cửa để cập nhật phần mềm và máy chủ”, ông nói. “Chúng tôi thậm chí còn không đóng cửa khi tôi bị đau tim vào năm 2012. Lựa chọn duy nhất hiện giờ là đóng cửa để chúng tôi có thể suy nghĩ xem phải làm gì tiếp theo”.
Ông Clarke tin rằng hầu hết các bài viết, được viết bằng ChatGPT và các công cụ văn bản AI khác, là từ những người bên ngoài cộng đồng khoa học viễn tưởng và nghi ngờ họ “đang săn lùng một cách kiếm tiền nhanh chóng”.
“Con số thực tế có thể cao hơn một chút, bởi có một số tác phẩm không rõ đã được viết hoặc hỗ trợ bằng AI hay không. Chúng tôi rất thận trọng khi xem xét chúng. Nếu một trong những tác phẩm đó đủ hay để xem xét xuất bản, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều thời gian hơn để xác nhận”, ông nói, nhưng không tiết lộ cách tạp chí phát hiện bài gửi nào là do AI viết để bảo mật quy trình sàng lọc.
Ông đã trò chuyện với các biên tập viên khác trong lĩnh vực tạp chí, những người cũng bị ảnh hưởng và cho biết “chỉ là vấn đề thời gian trước khi nó tác động đến nhiều thị trường khác”.
Theo báo cáo của Reuters tháng trước, đã có hơn 200 sách điện tử trong cửa hàng Amazon liệt kê ChatGPT là tác giả hoặc đồng tác giả, và con số vẫn đang tăng lên hàng ngày. Thậm chí còn có một thể loại mới trên Amazon: Sách về cách sử dụng ChatGPT, được viết hoàn toàn bởi ChatGPT.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, do bản chất của ChatGPT và sự thật rằng nhiều tác giả không tiết lộ rằng họ đã sử dụng nó, nên số lượng sách điện tử được viết bởi AI gần như không thể được thống kê đầy đủ.
Liệu AI có thể khiến các nhà văn mất việc? Có lẽ chưa phải bây giờ, bởi vì nó hoặc sẽ là hành vi đạo văn rõ ràng, hoặc là kiểu văn phong khiến các biên tập viên dày dạn kinh nghiệm như ông Neil Clarke phải cau mày.
Bởi vì vẫn có một thứ còn thiếu trong những thứ mà AI viết ra – tính nhân văn. Bên cạnh nghề viết quảng cáo và báo chí đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, vẫn còn một số ngành như xuất bản bớt bi quan hơn một chút.
Ông Rutger Bruining - người sáng lập và là giám đốc điều hành của StoryTerrace, một công ty cung cấp dịch vụ viết hồi ký, với các nhà văn phỏng vấn đối tượng của họ một cách thấu đáo để có thể tổng hợp câu chuyện cuộc đời họ.
“Khi viết hồi ký, các nhà văn - con người tác động đáng kể đến việc tạo ra cuốn sách và trải nghiệm tốt nhất cho đối tượng của họ”, ông nói. “Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy thoải mái chia sẻ những câu chuyện cá nhân với một người khác hơn là một ứng dụng máy tính”.
Cô Shelley Frost là một trong những nhà văn chuyên nghiệp làm việc với công ty StoryTerrace. “AI ngày càng tiến bộ theo thời gian. Điều này thật đáng sợ và làm tôi cảm thấy lo lắng cho những đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, thật may mắn cho một nhà văn như tôi, người chủ yếu viết hồi ký, thật khó để hình dung ra cách AI/ChatGPT có thể đảm nhận công việc của tôi”.
“Bản chất của việc viết hồi ký là sự tương tác giữa người với người. Bản chất công việc của tôi là xây dựng tình bạn với khách hàng của mình. Tôi không thể đếm xuể những lần tôi đã khóc với khách hàng của mình, hay những lần chúng tôi cười cho đến khi chảy nước mắt! Một chiếc máy tính không thể có những trải nghiệm như vậy”.
Tuy nhiên, chúng ta chỉ đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng AI. ChatGPT chỉ mới ra mắt bốn tháng trước; Google cũng đã công bố phiên bản đối thủ của mình - Bard, và nhiều công cụ khác đang được thiết lập để tham gia thị trường. Trong đó có WriterBuddy, công cụ AI được thiết kế để viết các bài đăng trên mạng xã hội và blog, được ra mắt vào tháng 11 năm ngoái.
“Các công ty đã đầu tư vào AI hàng tỷ USD”, phát ngôn viên của WriterBuddy cho biết. “Khoản đầu tư tăng vọt từ 12,75 tỷ USD vào năm 2015 lên 93,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 633,33% trong khoảng thời gian sáu năm”.
“Mặc dù chúng ta không thể dự đoán hệ thống AI sẽ mạnh mẽ hay chính xác như thế nào trong vài năm tới, nhưng có một điều chắc chắn là; cuộc đua AI mới bắt đầu. Chúng tôi phát hiện ra rằng các công ty khởi nghiệp tập trung vào AI có tiềm năng huy động tới hàng tỷ USD tài trợ, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư doanh nghiệp vào trí tuệ nhân tạo”.
Nhưng với những người trong ngành viết lách và xuất bản, đó là một thử thách.
Giữa lúc này, Amazon lại quyết định chấm dứt hỗ trợ các gói đăng ký báo và tạp chí kỹ thuật số – nguồn thu chính của một số tạp chí văn chương.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()