Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:35 (GMT +7)
Khi thanh toán không dùng tiền mặt đi vào cuộc sống
Chủ nhật, 05/03/2023 | 14:10:21 [GMT +7] A A
Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán bằng các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. Hiện các hình thức thanh toán này đang dần đi vào cuộc sống và đem lại nhiều tiện nghi cho người dùng.
Công nghệ số đi vào đời sống
Trong xã hội hiện đại, công nghệ, chuyển đổi số đang được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống thì thanh toán không dùng tiền mặt đang dần đi vào mọi khía cạnh của đời sống. Trước kia, những thuật ngữ như “quẹt thẻ”, “chuyển khoản” bạn ít được nghe thì nay, ở các thành phố, nhiều dịch vụ, hàng hóa đã có thể “thanh toán online”.
Hiện ngoài những hình thức được quy định, thanh toán không dùng tiền mặt trực tuyến qua thẻ ngân hàng, ví điện tử (Momo, Zalo Pay, Viettel Pay…), tài khoản điện tử Mobile Money (tiền di động) của các nhà mạng lớn đang triển khai mạnh mẽ. Dạo quanh một vòng quanh TP Hạ Long, khá nhiều nơi, các cơ sở, địa điểm dịch vụ như ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm… đều có thể “thanh toán online”.
Chị Nguyễn Thị Trinh, (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) cho biết: Cá nhân tôi thấy việc thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận lợi, nhanh chóng. Từ việc ngồi nhâm nhi cốc cà phê với bạn bè tới mua sắm, đi chợ chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại là đã hoàn tất việc thanh toán. Tôi không cần tốn thời gian hoặc xếp hàng dài rút tiền mặt tại cây ATM vào lúc cao điểm như trước.
Bên cạnh việc giúp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch thì thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp người tiêu dùng hưởng những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Anh Đinh Thiện Đức (phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) cho biết, khi mua sắm quần áo tại một cửa hàng thời trang ở TP Cẩm Phả, tôi rất hài lòng khi sử dụng dịch vụ thanh toán theo hình thức quét mã QR. Nhanh chóng, thuận tiện mà tôi còn được hưởng chiết khấu thanh toán.
Từ những ví dụ trên có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt dần phổ biến, từ thanh toán tiền lẻ vài chục nghìn cho ly cà phê tới hàng trăm nghìn, chục triệu đồng với nhiều mặt hàng khác. Đáng chú ý là việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được các chương trình Mobile Money triển khai mạnh ở các chợ truyền thống, các lĩnh vực đời sống.
Tại TP Hạ Long, Chương trình “Chợ công nghệ mới - Chợ 4.0”, được triển khai từ tháng 8/2022 tại chợ Hạ Long I. Hàng trăm tiểu thương và khách hàng mua sắm đã thanh toán chuyển khoản QR thông qua tài khoản Viettel Money. Cũng thời điểm này, các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đã được mở miễn phí tại nhiều ki-ốt trong chợ Cái Dăm qua ứng dụng VNPT Money.
Hướng tới mô hình chợ 4.0, mỗi ki-ốt tại chợ sẽ trở thành cửa hàng kinh doanh 4.0, chấp nhận thanh toán qua QR-Code cho toàn bộ các giao dịch của khách hàng mua sắm tại cửa hàng. Với hiệu quả đem lại, thời gian tới, mô hình “Chợ công nghệ mới - Chợ 4.0” tại các chợ trên địa bàn TP Hạ Long sẽ được nhân rộng ở các địa phương còn lại.
Ở lĩnh vực du lịch, tháng 7/2022, “Phố thông minh không dùng tiền mặt” tại Khu du lịch Quốc tế Tuần Châu đã được triển khai. Tại đây, mỗi hộ kinh doanh được hướng dẫn cài đặt miễn phí ứng dụng Viettel Money và 1 mã QR code phục vụ cho việc thanh toán tiện lợi. Hiện nay, ở các ngành, doanh nghiệp toàn tỉnh, dễ thấy thanh toán hóa đơn điện, nước, cước viễn thông... được các doanh nghiệp chủ quản đặc biệt chú trọng.
Theo thống kê, tính đến nay, toàn tỉnh đã thiết lập được 1.020 điểm thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ khoảng 1.000 hộ tiểu thương có tài khoản. 100% các bệnh viện, trung tâm y tế, hành chính công; 85% cơ sở giáo dục, 100% các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khám chữa bệnh, trạm y tế cấp huyện chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Số tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng. Toàn tỉnh đã có khoảng 2,6 triệu tài khoản sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có 1,9 triệu tài khoản hoạt động. Bình quân mỗi người dân từ 15 tuổi trở lên có trung bình 1,9 tài khoản.
Người tiêu dùng được hưởng lợi gì?
Khảo sát thực tế ở chợ Hạ Long 1, chợ Cái Dăm, chợ Hạ Long 2 và nhiều chợ lớn trên địa bàn TP Hạ Long, chúng tôi nhận thấy, hầu hết người bán, mua đều chưa biết nhiều tới dịch vụ Mobile Money. Chị Trần Ngọc Bích, quầy điện tử Ngọc Bích (chợ Hạ Long 1) cho hay: Cả khách hàng và các quầy đều ít dùng Mobile Money của Viettel thay vì tài khoản ngân hàng bởi mới mẻ, chưa nhiều người biết. Còn theo chị Đặng Thị Oanh, quầy điện tử số 5 (chợ Hạ Long 1) thì chị chỉ sử dụng Mobile Money để thanh toán hóa đơn, nạp tiền thu phí không dừng ETC...
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ lại ưa thích ví điện tử bởi nhiều khuyến mại, tặng quà 10 - 30%, thậm chí cao hơn cho nhiều dịch vụ thiết thực, gần với đời sống như: Mua vé xem phim, mua sắm trực tuyến, lướt Shopee, Lazada… Thậm chí các ví điện tử như Momo còn tặng quà tới 500.000 đồng cho khách hàng mới đăng ký lần đầu sử dụng trong năm 2023 này.
Câu chuyện trên cho thấy, thực trạng chung các nhà mạng lớn triển khai Mobile Money, vốn mới ra đời và có thời gian ngắn chiếm lĩnh thị trường so với các ngân hàng, ví điện tử tiên phong (như Momo, Zalopay…). Để tăng sức cạnh tranh, thu hút người dùng, hình thức thanh toán mới đang đưa ra những tiện nghi, lợi thế của chính mình.
Để tiếp cận khách hàng, thời gian qua, Viettel Quảng Ninh liên tục triển khai dịch vụ, giới thiệu, hướng dẫn sử dụng, tạo và tặng điểm thanh toán bằng mã QR tại các chợ, khu vực dịch vụ khác...Song song đó, để đưa dịch vụ đến gần với khách hàng, khuyến khích người dân sử dụng, đồng thời tạo tính lan tỏa về những tiện ích thanh toán số, Viettel đã liên tục triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn, mang lại giá trị làm lợi cho khách hàng.
Các chương trình này tập trung mạnh vào các hoạt động thiết yếu nhất trong đời sống hàng ngày của người dân (như hoàn tiền khi thanh toán điện nước, chuyển tiền mua bán…), đảm bảo có thể chạm được tới nhu cầu của tập khách hàng lớn nhất, len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, khiến chi tiêu không tiền mặt trở nên quen thuộc và gần gũi hơn.
Tương tự dễ thấy, để thu hút người dùng, ngay khi ra mắt dịch vụ Mobile Money, từ cuối 2021 tới nay, VNPT đã triển khai một loạt ưu đãi khuyến mại lớn như: Khách hàng đăng ký dịch vụ tiền di động của VNPT sẽ được hoàn tiền 10% giá trị thẻ nạp VinaPhone; hoàn tiền 20% giá trị hóa đơn thậm chí tới 50% khi thanh toán dịch vụ VNPT bằng tài khoản Mobile Money của VNPT Pay…
Nhà mạng MobileFone hiện cũng đã ráo riết nhập cuộc với các hoạt động hoàn thiện hệ sinh thái kết nối dữ liệu khách hàng và phát triển các điểm chấp nhận thanh toán, điểm nạp rút để cạnh tranh trên thị phần.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, các ví điện tử phải thường xuyên khuyến mãi, ưu đãi để gia tăng thị phần. Việc Mobile Money được các nhà mạng triển khai thí điểm, sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh. Tuy nhiên, mỗi kênh thanh toán đều có lợi thế riêng, như ví điện tử có thể thanh toán quốc tế, hạn mức giao dịch của cá nhân tối đa 100 triệu đồng/tháng. Trong khi Mobile Money thanh toán nội địa hạn mức tối đa là 10 triệu đồng/tháng.
Ví điện tử phát triển mạnh ở thành thị, Mobile Money phát triển dựa trên hàng chục triệu thuê bao viễn thông phủ rộng, từ thành thị tới nông thôn. Trong cuộc đua này, người dùng sẽ có thêm kênh thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời được hưởng nhiều khuyến mại, tiện nghi.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()