Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:36 (GMT +7)
Khi người trẻ làm du lịch
Thứ 2, 12/06/2023 | 09:57:22 [GMT +7] A A
Được thiên nhiên ưu ái với “rừng vàng biển bạc”, ngành Du lịch đang là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. 3 năm qua dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng "sức bật" của ngành Du lịch đã góp phần tích cực tạo đà tăng trưởng cho kinh tế - xã hội chung của tỉnh và khẳng định vai trò, vị thế của ngành công nghiệp không khói. Bắt nhịp cùng dòng chảy đầy sinh lực ấy, nhiều người trẻ tuổi trên địa bàn tỉnh mang theo sự nhiệt huyết của tuổi trẻ đã mạnh dạn đổi mới, vận dụng sáng tạo phương thức làm du lịch, góp phần mở ra những cánh cửa kết nối thế giới, đưa những giá trị văn hóa truyền thống, hình ảnh quê hương đến với bạn bè năm châu.
"Làn gió mới" nơi đảo tiền tiêu
Tháng 5 bước vào mùa du lịch, anh Phạm Văn Đức (31 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Khám phá Cô Tô lại như “con thoi” đưa khách tham quan tuyến 4 hòn đảo xinh đẹp, hoang sơ của huyện Cô Tô là: Cá Chép, Cô Tô Con, Sư Tử và Thanh Lân. Cái nắng, cái gió mặn mòi của biển khơi đã làm cho nước da của anh Đức trở nên đen xạm, nhưng nụ cười rạng rỡ thường trực thể hiện sự tin tưởng cho một mùa du lịch bội thu.
Những năm trước, nghe anh Đức chia sẻ về việc đầu tư lặn biển, phát triển du lịch bền vững, nhiều người thân trong gia đình còn ngăn cản, coi đó như “dã tràng xe cát”. Mọi người vẫn tâm niệm chỉ mong muốn anh Đức phát triển, tập trung đưa đón và phục vụ du khách tại khu nhà nghỉ của gia đình là đủ. Nhưng hoài bão tuổi trẻ và tình yêu quê hương, mong muốn giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất… đến bạn bè trong nước và quốc tế lại thôi thúc anh đi học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi ở những khu du lịch tương đồng trong nước.
Anh Đức chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại Cô Tô, tôi đã chứng kiến mọi vẻ đẹp của mảnh đất này. Điều làm tôi hạnh phúc chính là sự phát triển không ngừng của mảnh đất tiền tiêu. Và niềm vui lớn nhất không chỉ riêng tôi mà mọi người dân trên đảo chính là điện lưới đã thắp sáng cuộc sống nơi đây, thắp lên cả niềm hy vọng trong thế hệ những người trẻ ở Cô Tô. Tôi không muốn an phận, tôi muốn đóng góp một điều gì thật ý nghĩa cho mảnh đất chôn rau cắt rốn này.
Nói là làm, anh quyết định đến Nha Trang, Phú Quốc để trải nghiệm rồi lân la làm quen, kết nối để đưa bộ môn lặn biển về huyện Cô Tô. Nghĩ lớn làm lớn, anh Đức đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để mua các trang thiết bị chuyên dụng, thuê thợ lặn chuyên nghiệp từ Nha Trang, Phú Quốc ra để hỗ trợ với mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Dù gặp nhiều khó khăn khi đưa một bộ môn mạo hiểm còn mới lạ về địa phương, nhưng anh Đức đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ các ngành chức năng của địa phương để hoàn thành các thủ tục theo quy định, đưa lặn biển trở thành một sản phẩm du lịch mới hấp dẫn của Cô Tô.
Không chỉ phát triển sản phẩm một cách chuyên nghiệp, công ty của anh Đức còn có nhân viên chuyên mảng truyền thông, chụp ảnh cho du khách trong quá trình tham quan, lặn biển. Đồng thời, sử dụng các hình ảnh đó để quảng bá, chia sẻ trên các trang mạng xã hội để thu hút du khách và lan tỏa sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo của Cô Tô.
Sức trẻ và lòng nhiệt huyết của những thanh niên như anh Đức như những con sóng cuộn trào, mang đến cho du lịch Cô Tô nguồn nhựa sống mới. Nhiều người trẻ lựa chọn ở lại Cô Tô để phát triển du lịch, xây dựng quê hương. Những căn nhà kiên cố được xây dựng, hạ tầng giao thông được đầu tư, chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp. Mỗi dịp hè đến, những chuyến tàu lại chở du khách khắp mọi miền đến với đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Người truyền cảm hứng làm du lịch cho giới trẻ
Cũng giống như anh Đức, chị Triệu Thị Hoàng Nga (37 tuổi) “bén duyên” với du lịch một cách tình cờ khi tham gia lớp đào tạo Thuyết minh viên của Dự án “Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam” do EU tài trợ (VTOS) từ năm 2016. Từ một cô giáo dạy Văn, chị trở thành cán bộ Văn phòng Du lịch (Phòng Văn hoá - thông tin huyện Bình Liêu), đồng thời là hướng dẫn viên du lịch. 7 năm là người dẫn đường cho du khách, chị ghi dấu ấn với những đoàn khách bởi sự thật thà, mộc mạc, dung dị. Qua những chuyến đi dẫn đoàn, chị đã giới thiệu đến du khách những vẻ đẹp về thiên nhiên, văn hoá đặc trưng của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ trên địa bàn huyện.
Chị Nga chia sẻ: Tôi vô cùng trân trọng và biết ơn những cơ hội khi hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã cho tôi được gặp gỡ nhiều con người, nhiều lứa tuổi từ mọi miền đất nước, học hỏi và trưởng thành dần sau những chuyến đi. Đặc biệt, chuyến công tác theo lớp bồi dưỡng chuyên đề hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên điểm đến tại Trường Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand) năm 2017 do tỉnh tổ chức trong 15 ngày đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và bài học sâu sắc khi làm du lịch. Tôi nhận ra điều mà du khách cần ở mình không phải những tòa nhà chọc trời hay đô thị sầm uất mà chính là vẻ đẹp của màu sắc dân tộc, của những phong tục độc đáo, những giá trị văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác, giản dị mà vô cùng tinh tế, được nâng niu và gìn giữ trân trọng. Điều níu kéo và ghi dấu ấn trong lòng du khách chính là những trải nghiệm riêng biệt, là bầu không khí trong lành đượm mùi lúa mới và rừng ngàn quế hồi, là tiếng suối róc rách bên tai, là sắc đỏ rực rỡ của dong riềng, của sắc phục bà con dân tộc Dao Thanh Phán ghi dấu trên những hành trình dọc tuyến đường khám phá bản làng hay những nếp nhà nghi ngút khói…
Bằng những kiến thức “đi một ngày đàng học một sàng khôn” ấy, chị đã truyền cảm hứng cho người trẻ trong thôn bản, cùng chung tay làm du lịch. Chị xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên là những học sinh, sinh viên và thanh niên trên địa bàn, đào tạo nghiệp vụ, cung cấp thông tin các điểm du lịch để thuyết minh, giới thiệu cho du khách. Trong mỗi hành trình, các hướng dẫn viên đều không quên lưu lại những hình ảnh đẹp và ấn tượng của du khách để làm tư liệu quảng bá cho du lịch huyện. Những bức ảnh đẹp được lựa chọn để đăng trên trang Du lịch Bình Liêu, fanpage chính thức do Phòng Văn hoá và Thông tin huyện quản trị, hiện có trên 11.000 lượt thích, trên 12.000 lượt theo dõi. Không những thế, trang thông tin này còn giới thiệu những sản vật đặc trưng miền sơn cước hay những thông tin du lịch, kinh tế - xã hội, sự kiện nổi bật của huyện. Qua đó, mở ra một cánh cửa mới đưa Bình Liêu vượt ngàn dặm đến với du khách trong và ngoài nước. Du lịch Bình Liêu được biết đến nhiều hơn với những mùa du lịch liên tiếp mời gọi du khách như: Mùa hoa lau tháng 10, mùa lúa vàng tháng 11, mùa hoa sở tháng 12…
Phát triển du lịch gắn với văn hoá cộng đồng
Khó mà ai hiểu được văn hóa và đời sống một cộng đồng bằng chính các thành viên đang sinh sống trong cộng đồng ấy. Bởi vậy, vài năm trở lại đây nhiều người trẻ lựa chọn gắn bó với bản làng, ngày đêm miệt mài thực hiện khát vọng gìn giữ, thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc mình và quảng bá, mang những giá trị đó đến với du khách. Ở vùng núi cao Kỳ Thượng, cách trung tâm TP Hạ Long khoảng 60km, anh Lý Tài Ngân (39 tuổi), Giám đốc Công ty CP Am Váp farm, lựa chọn du lịch để giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến du khách và tạo sinh kế cho chính người dân nơi đây.
Anh Ngân nguyên là Trưởng thôn Khe Phương, địa bàn xa nhất của xã Kỳ Thượng. Chỉ gần 10 năm trước, Kỳ Thượng là một vùng lõm sóng heo hút, người dân phải buộc điện thoại lên cành cây cao để bắt sóng. Nhưng sự đầu tư và quyết tâm của chính quyền thông qua những tuyến đường kết nối bản làng, những dự án điện, đường, trường, trạm, nguồn vốn vay kịp thời đã mang Khe Phương nói riêng và Kỳ Thượng nói chung về gần hơn với vùng trung tâm. Nhờ vậy, người dân đi lại dễ dàng, thuận lợi hơn, việc giao thương phát triển từ đó cũng giúp người dân nơi đây dần thoát nghèo.
Khi còn làm Trưởng thôn Khe Phương, anh Ngân có điều kiện được tham quan học tập các mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi như Đà Lạt, Sa Pa... Trở về, anh thành lập HTX để trồng cây dược liệu như atiso, sachi, bồ công anh… Kinh nghiệm từ những dự án kinh doanh giúp anh tự tin hơn khi tham gia làm du lịch. Nhưng đến khi gặp người cộng sự là anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Am Váp farm, người “bỏ phố về rừng”, từ bỏ việc phát triển công ty chuyên về quảng cáo để lên Kỳ Thượng làm du lịch, anh Ngân như “cá gặp nước”, gửi gắm mọi tâm huyết và ý tưởng vào khu du lịch sinh thái đầy mới mẻ.
Người xưa đã dạy: “Một cây làm chẳng nên non”, không chọn cách làm một mình, anh Ngân, anh Kiên cùng nhiều người trẻ trong thôn cùng nhau xây dựng ý tưởng, mong muốn xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng để mang đến một góc nhìn mới mẻ, đa dạng hơn về du lịch Hạ Long thay vì chỉ là du lịch biển đảo, góp phần đưa Hạ Long trở thành điểm đến bốn mùa.
Anh Ngân chia sẻ: Quá trình hiện thực hóa từ ý tưởng đến thực tế không dễ dàng, là cả một chặng đường dài vô cùng gian nan, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, khó khăn chồng chất khó khăn. Không chỉ tính toán chi tiết từng thiết kế của khu du lịch đảm bảo hài hòa với thiên nhiên và thể hiện được dấu ấn, đặc trưng văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao, mọi công đoạn đều được chính những người dân bản địa tự tay thực hiện.
Không phụ công anh Ngân, những ngôi nhà sàn với 4 phòng lưu trú tập thể, có sức chứa tối đa khoảng 40 người, nhà hàng lần lượt ra đời mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Dao đã dần hoàn thiện. Anh Ngân còn xây dựng vườn hoa rực rỡ sắc màu để thành điểm check-in, mở ra những tour tham quan trải nghiệm trong rừng trúc, lội suối, chèo thuyền… Tuy nhiên, đó chưa phải là thành quả cuối cùng. Điều anh Ngân tâm đắc chính là sự thay đổi trong tư duy của chính người dân nơi đây.
Anh chia sẻ: Chúng tôi mong muốn tạo nên một khu du lịch cộng đồng, nhưng nếu người dân không ủng hộ thì dù có xây dựng đến đâu cũng trở nên vô nghĩa. Với kinh nghiệm khi còn là trưởng thôn, tôi và anh em cộng sự đã đi vận động từng gia đình, tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm du lịch cho người dân, hướng dẫn người dân thay đổi nếp sinh hoạt gọn gàng, tập huấn để phục vụ, giao tiếp với du khách chuyên nghiệp hơn. Có du khách, bà con còn bán được khoai sọ nương, rau cải, mật ong, lá thuốc…, đời sống người dân cải thiện nên ai cũng đều cố gắng để mang đến một môi trường du lịch thân thiện, văn minh nhất. Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi và hướng dẫn những người trẻ trong thôn, trong xã đến làm du lịch. Nhiều học sinh, sinh viên được đào tạo trực tiếp, là một đại sứ du lịch đúng nghĩa. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nhiệt huyết quảng bá du lịch địa phương, từ năm 2022, Kỳ Thượng Am Váp Farm bắt đầu trở thành điểm đến yêu thích của du khách. Nhất là vào dịp cuối tuần, nơi đây luôn rộn ràng tiếng nói cười của du khách thập phương.
Hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của dân tộc thiểu số đến với đông đảo du khách. Đặc biệt, loại hình du lịch này đã giúp người dân nhận ra nhiều giá trị, phát huy ý chí tự chủ, tự vươn lên. Số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở Khe Phương giảm mạnh, chỉ còn dưới 10%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 55 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Những người trẻ dám nghĩ, dám làm, luôn sáng tạo, đầy ắp ý tưởng như anh Đức, chị Nga, anh Ngân hay rất nhiều bạn trẻ khác đang nỗ lực từng ngày để đưa du lịch Quảng Ninh trở thành dấu chấm đỏ đậm đà, đặc sắc trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Những trái tim nhiệt huyết, khát khao cháy bỏng ấy hàng ngày, hàng giờ không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến cho du khách hình ảnh một Quảng Ninh trọn vẹn trong từng trải nghiệm, đáng đến và đáng nhớ.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()