Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:09 (GMT +7)
Phát huy dân chủ, củng cố sự đồng thuận xã hội Bài 1: Khi người dân làm chủ
Thứ 4, 02/08/2023 | 08:04:28 [GMT +7] A A
Sau 12 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bức tranh nông thôn Quảng Ninh đã bừng dậy sức sống mới với nhiều thành tựu. Bằng những sáng tạo từ nhận thức đến hành động, năm 2022, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn được nâng cao, tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức, khơi dậy nguồn lực và sự chủ động tham gia của người dân để kiến thiết, xây dựng nên những vùng quê đáng sống. Thành quả của chặng đường xây dựng NTM của Quảng Ninh là minh chứng cụ thể, sống động và đầy sức thuyết phục cho bài học về sức mạnh của nhân dân.
Khi “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
Trong bất cứ hành trình nào của chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, xã Liên Hòa (TX Quảng Yên) luôn kiên trì với phương châm đây phải là chương trình mà “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, có như vậy mới thay đổi được về “chất” của nông thôn. Từ đó, trong các buổi họp bàn trước nhân dân, cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể trong xã đều công khai để tất cả nhân dân hiểu và nhận thức rõ ràng về lợi ích của xây dựng NTM. Xã đã đẩy mạnh đa dạng hoá các hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, nhất là các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng NTM trên đài truyền thanh, qua các buổi sinh hoạt chi bộ, qua các hội nghị.
Yếu tố tiên quyết tạo nên thành công chính là từ cách làm minh bạch, công khai, quy chế dân chủ luôn được đề cao. Bất cứ một nội dung nào được triển khai tại xã, chính quyền địa phương đều có khảo sát đánh giá, xây dựng kế hoạch đầu tư từng giai đoạn. Việc chọn lựa việc gì làm trước, việc gì làm sau được lấy ý kiến rộng rãi. Tất cả các công trình, dự án được đầu tư đều được công khai, minh bạch, người dân tham gia từ khâu chuẩn bị dự án đến hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Từ đó, khơi dậy phát huy tình đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh toàn dân để đẩy mạnh xây dựng NTM. Tiêu biểu như việc, đã có hàng nghìn m2 đất được người dân trong xã tự nguyện đóng góp để xây dựng các tuyến đường, nhà văn hóa...
Ông Tống Tiến Tiếu, thôn 1, xã Liên Hòa, chia sẻ: “Đúng là “tấc đất, tấc vàng”. Thế nhưng từ sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi hiểu được rằng chính chúng tôi, người dân hai bên tuyến đường và cả con cháu sẽ là người được hưởng lợi đầu tiên khi có con đường khang trang, đi lại được thuận tiện hơn, chất lượng cuộc sống nâng lên. Bên cạnh đó, từ chủ trương đầu tư, quy hoạch, tiến độ, kinh phí, diện tích đất bị ảnh hưởng... khi thi công mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên thôn 1 và 2 của xã, chúng tôi đều được tuyên truyền, phổ biến, nắm rõ và lấy ý kiến công khai. Vì vậy, tôi đã tự nguyện hiến toàn bộ khu vực nhà kho và tường rào của gia đình với diện tích 24m2 đất thổ cư có trị giá khoảng 240 triệu đồng cho địa phương để mở rộng tuyến đường giao thông liên thôn. Hầu hết các hộ khác trong thôn cũng đều đồng tình ủng hộ, tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, dịch tường rào, hiến đất...”.
Câu chuyện hiến đất như ở xã Liên Hòa ngày càng trở nên phổ biến trong toàn tỉnh là minh chứng cho sự tin tưởng, đồng lòng, nhiệt tình tham gia xây dựng NTM của nhân dân. Vì thế, đã có hàng trăm nghìn mét vuông đất đã được nhân dân hiến tặng để làm chỉnh trang diện mạo nông thôn; hàng trăm nghìn ngày công nhân dân tự nguyện hồ hởi tham gia; hàng trăm tỷ đồng đã được các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, đoàn thể, cùng nhân dân đóng góp để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, nâng cấp đường liên thôn liên xã, cải tạo kênh mương nội đồng, tu sửa nhà văn hoá, sân chơi trẻ em, trạm y tế...
Vai trò chủ thể người dân không chỉ được phát huy hiệu quả, tích cực và đầy trách nhiệm trong các phong trào, cuộc vận động như: Hiến đất, toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh; đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng; thắp sáng đường quê; xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; ngày chủ nhật xanh… mà quan trọng hơn cả đó chính là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của chính mình.
Vài năm về trước, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) là địa phương có số hộ nghèo cao nhất huyện và tỉnh. Khi đó, làm thế nào để người dân thay đổi nhận thức, làm thế nào để phát triển kinh tế, làm thế nào vươn lên thoát nghèo... là những câu chuyện thường thấy trong cuộc họp của cấp ủy, chính quyền từ huyện tới xã, thôn và từng hộ dân. Công tác tuyên truyền được xác định phải đi đầu, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người dân, loại bỏ tư duy trông chờ, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại đều được chính quyền từ xã tới thôn thực hiện triệt để. Đồng thời, xã cũng tập trung nâng cao các chỉ tiêu đa chiều, nhất là tiêu chí về nhà ở, vệ sinh, với việc gắn bắt buộc xây dựng nhà ở phải có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà ở đảm bảo đạt chuẩn. Việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo được gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ phụ trách, yêu cầu thực hiện khách quan, khắc phục tình trạng nể nang, sai sót.
Năm 2018, 44 lá đơn xin thoát nghèo đầu tiên được gửi lên UBND xã Đồn Đạc. Người dân và chính quyền xã gọi đó là "những lá đơn của lòng tự trọng". Năm đó, toàn huyện Ba Chẽ có 104 hộ nghèo ở xã, thị trấn tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, tiếp đó phong trào này đã tạo sức lan toả rộng khắp trong toàn tỉnh. Lần lượt, hàng trăm hộ dân tại các huyện: Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Ông Triệu Cắm Thành, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, nhớ lại: “Đầu năm 2018, tôi viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Tôi lên xã nộp đơn với quyết tâm tìm cách làm ăn cho khấm khá chứ không muốn cảm thấy xấu hổ vì đi nhận gạo Nhà nước hỗ trợ. Hơn nữa, phải thoát nghèo mới có động lực làm kinh tế. Sức khỏe có, nhà cửa cũng đã kiên cố, đất rừng cũng có. Cuộc sống gia đình giờ đây khấm khá hơn rồi. Với 7ha đất rừng trồng cây quế, trà hoa vàng, mía tím..., mỗi năm thu nhập của gia đình được hơn 100 triệu đồng”.
Từ xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất tỉnh với khoảng 70% vào năm 2015 đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Đồn Đạc chỉ còn gần 1%, hộ cận nghèo hơn 1,5%. Kết quả này có được là từ chính bàn tay, khối óc và tư duy của những người dân. Có thể thấy rằng, chính sự tham gia đầy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đã giúp cho chương trình xây dựng NTM của toàn tỉnh được triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, bền vững.
Trao niềm tin cho nhân dân
Năm 2010, khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM Quảng Ninh lúc đó có tới 53 xã khó khăn, trong đó, 22 xã ĐBKK. Tỷ lệ hộ nghèo gần 7,7%. Hiện trạng các xã so với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM đạt thấp. Nhiệm vụ xây dựng NTM thời điểm đó đối diện với hàng loạt “rào cản”. Đó là sự chệnh lệch giữa miền núi và đồng bằng, tỷ lệ hộ nghèo cao, chất lượng giảm nghèo không bền vững, hạ tầng giao thông nông thôn phát triển thiếu quy hoạch... Song, thách thức lớn nhất vẫn là tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân vẫn còn “bám rễ” trong cách nghĩ, cách làm.
Với quyết tâm cao nhất đổi mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-TU ngày 27/10/2010 về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Đây cũng là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên nhiệm kỳ 2010-2015. Trong đó, thống nhất quan điểm xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cuộc vận động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chủ thể chính xây dựng NTM là nông hộ, xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ.
Bám sát quan điểm đó, trong từng giai đoạn, công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của quá trình triển khai song đều “lấy dân làm gốc”.
Để huy động hiệu quả nguồn lực từ nhân dân, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM” phù hợp với từng giai đoạn. Trên cơ sở, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương xây dựng, ban hành và triển khai phong trào thi đua với những giải pháp cụ thể. Trong đó, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào. Riêng trong 2 năm (2021-2022), lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tiếp tục tham gia hơn 44 ngàn ngày công, hỗ trợ gần 50 tỷ đồng ủng hộ vào các quỹ, xây mới 28 nhà vệ sinh, hỗ trợ xây 105 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà tình thương, hộ nghèo, tu sửa 276km kênh mương nội đồng, đổ 125,5km đường bê tông liên thôn; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 2.466 đối tượng chính sách.
Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, cả giai đoạn năm 2010-2022 đạt 233.652 tỷ đồng. Riêng năm 2022 là trên 32.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 6,56%, ngân sách lồng ghép 964,6 tỷ đồng, chiếm 3%, còn lại chiếm trên 90% là nguồn huy động ngoài ngân sách với gần 29.000 tỷ đồng.
Những năm qua, phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM” đã thực sự là động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình xây dựng NTM đã đề ra.
Không cho không, không làm thay, làm hộ, ngân sách sẽ chỉ hỗ trợ khi các địa phương có giải pháp cụ thể, sát thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân. Đó chính là phương châm của Quảng Ninh để thổi bùng khát vọng làm giàu với người dân. Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết như: Nghị quyết 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết 111/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 về quy định mức chi hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2018-2020; Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Thực hiện Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND, tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh thực hiện cho vay tại 65 xã theo Nghị quyết. Qua đó, tính đến 30/6/2023, toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Cùng với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh cũng bố trí từ ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Anh Phùn Quay Sường, dân tộc Tày, thôn Cầu Sắt, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu chia sẻ: Trước đây, tôi chủ yếu đi rừng kiếm củi, cây thuốc, hoa hồi về bán. Năm 2022, được sự hướng dẫn của xã, trực tiếp là Đoàn Thanh niên, tôi được vay 100 triệu đồng chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng ở đây phù hợp với chăn nuôi dê nên tôi đã đầu tư chuồng trại, thức ăn và con giống chăn nuôi dê theo hình thức chăn thả tự nhiên. Hiện, đàn dê đã phát triển lên tới 50 con, phát triển từng ngày, tạo việc làm ổn định cho tôi.
Từ việc "trao cần câu" cho người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình thoát nghèo, đã góp phần khơi dậy sức sáng tạo trong nhân dân, thúc đẩy ý chí thoát nghèo, nhân lên tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 54,4 triệu đồng/người/năm. Quảng Ninh cũng đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Và điều quan trọng hơn là sau 12 năm xây dựng NTM, nhận thức của nhân dân đã chuyển đổi theo hướng từ tư duy coi chương trình là một dự án đầu tư của Nhà nước sang tư duy nội sinh lấy sức dân là chính, chủ thể của chương trình là người dân nông thôn, khơi dậy nguồn lực và sự chủ động tham gia của người dân vào việc kiến thiết, xây dựng quê hương.
Cao Quỳnh - Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()