Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:31 (GMT +7)
Khi nào giá điện sẽ tăng?
Chủ nhật, 05/03/2023 | 16:34:25 [GMT +7] A A
Mức giá điện có thể tăng hơn 3%
Theo Quyết định 02/2023 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký, từ ngày 3/2, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm giá trị gia tăng - GTGT) tối thiểu và tối đa từ 1.826,22 - 2.444,09 đồng/kWh. So với mức giá bình quân cũ theo Quyết định 34/2017 là từ 1.606,19 - 1.906,42 đồng/kWh, khung giá bán lẻ điện mới tăng từ 220 - 538 đồng/kWh. Như vậy, ở mức tăng tối thiểu, khung giá bán lẻ điện mới tăng khoảng 13,7%, mức tăng tối đa tăng đến 28,2%.
Hiện tại, giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân áp dụng cho người dân và doanh nghiệp là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) và được áp dụng từ năm 2019 đến nay. Trong khi đó, năm 2022, giá bán lẻ điện bình quân theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải cao hơn 2,74% so với giá bình quân được áp dụng từ 2019, từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.915,69 đồng/kWh. Dự kiến, điện thương phẩm trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 251,28 tỷ kWh, tăng 9 tỷ kWh so với năm 2022.
Theo giá bán lẻ bình quân mới, mức giá điện sinh hoạt và sản xuất có thể sẽ tăng hơn 3%. Khung giá bán lẻ điện bình quân này để tính cho giá thành sản xuất điện của EVN. Việc điều chỉnh khung giá bán lẻ điện tăng tại Quyết định 02/2023 chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đây là cơ sở quan trọng, từ khung giá sàn và trần này, Bộ Công Thương lấy đó để ban hành quyết định tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt và sản xuất trong tương lai gần.
Thông tin trên khiến không ít người dân cũng như các doanh nghiệp lo lắng bởi vật giá leo thang cũng như tình hình kinh doanh sản xuất gặp nhiều khó khăn sau dịch bệnh Covid-19. Chị Phạm Thị Nhung, 30 tuổi - công nhân may mặc KCN Thuỵ Vân (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: Sau Tết Nguyên đán, đơn hàng về chưa nhiều nên tiền lương của công nhân chỉ dao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Nghe thông tin giá điện đã cao nay lại sắp tăng thêm nên tôi rất lo, bởi ngoài tiền thuê nhà, rồi điện, nước trả khoản riêng tôi phải gửi chi phí về quê nuôi con nhỏ. Giá điện thuê phòng trọ của chúng tôi là cao hơn mức thông thường vài ngàn đồng một số. “Nếu giá điện tăng thêm cơ quan chức năng cần có những quy định để chủ nhà trọ điều chỉnh giá bán điện cho công nhân”, chị Nhung mong muốn.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thắng, 35 tuổi, công nhân phun sơn, KCN Thăng Long (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) không khỏi bất an khi nghe thông tin giá điện lại rục rịch tăng khi mùa hè đang đến gần. Vợ chồng anh Thắng thu nhập chừng 12 triệu đồng/tháng, trong đó tiền thuê phòng trọ, tiền học cho con, chi phí điện nước, sinh hoạt ngày càng tăng khiến mức lương chỉ vừa đủ sống. Tuy nhiên, những tháng nắng nóng, trẻ con không chịu được nên gia đình phải lắp thêm điều hòa để bảo vệ sức khỏe cho con. “Hai tháng 6 và 7 tiền điện của gia đình tôi lúc nào cũng hơn 1 triệu đồng, biết là cao nhưng vẫn phải chịu không trẻ con ốm còn tốn kém hơn rất nhiều”, anh Thắng than thở.
Anh Thắng bày tỏ, tăng tiền điện đồng nghĩa với việc mỗi tháng gia đình công nhân lại phải gồng gánh thêm các chi phí sinh hoạt. Nhiều năm lao động, nhưng mức lương thì làm tới đâu hết tới đó, một chốn an cư hay chỉ là việc tính giá điện theo quy định cho công nhân vẫn chỉ là giấc mơ với người lao động chúng tôi.
Không chỉ người lao động, ngay khi thông tin khung giá điện bán lẻ được điều chỉnh tăng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng không khỏi băn khoăn. Bà Huỳnh Kim Chi - Tổng giám đốc Công ty liên doanh Bột Quốc tế (Intermix) cho hay: Từ sau Tết Nguyên đán đến nay đơn vị kinh doanh rất chậm, người dân chưa mạnh tay tiêu dùng. Trong khi đó, các nhà máy lại đang sử dụng nguồn năng lượng điện rất lớn, riêng nhà máy sản xuất của tôi bình quân mỗi tháng chi trả tiền điện hàng tỷ đồng. Tất nhiên, khi chi phí sản xuất tăng thì sẽ được cơ cấu vào giá bán lẻ, người tiêu dùng cuối phải gánh chịu, nhưng trong tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay thì việc tăng giá bán là điều hết sức bất đắc dĩ. Nếu bắt buộc phải tăng giá điện thì tôi đề xuất nên điều chỉnh ở mức thấp nhất để doanh nghiệp “dễ thở”.
Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ, theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chi phí điện đang chiếm khoảng 4 - 6% trong cơ cấu giá thành sản phẩm đồ gỗ. Tăng giá điện trong thời điểm này ảnh hưởng trực tiếp đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Tình hình khó khăn cục bộ của ngành gỗ hiện nay rất cần được quan tâm, nếu có sự điều chỉnh thì cần cân đối ở mức vừa phải để các doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả.
Để người dân và doanh nghiệp “dễ thở”?
Trước dự báo giá điện có thể tăng trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng: Tăng giá điện lúc này là 3% hay 5% đều tạo áp lực kép lên nền kinh tế vốn đang không mấy khỏe mạnh. Hiện lãi suất cho vay tăng, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 93% trong hệ thống và nhiều doanh nghiệp đang gồng hết sức. Nếu giá điện tăng, đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng lúc này, thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn.
Mặt khác, ông Trinh phân tích, nên tính toán số liệu là một phần, và phần quan trọng hơn là cân đối vĩ mô thế nào để không bị ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng, lạm phát. Về vĩ mô, chưa nên tăng giá điện cho sinh hoạt và sản xuất lúc này. Chi phí của doanh nghiệp tăng thì dẫn đến giá cả hàng hóa tăng, lợi nhuận lại giảm. Như vậy, tăng giá điện lúc này, vô hình trung tạo cho chúng ta một năm 2023 khó khăn và kéo dài đến năm sau nữa.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nhận định: Thực tế, các lĩnh vực có tác động mạnh trong rổ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chi phí dịch vụ, giải trí, vật liệu và đặc biệt chi phí thuê mặt bằng hộ kinh doanh và thuê trọ, mặt bằng thương mại. Trong bối cảnh sản xuất tiêu dùng đang chững lại như hiện nay, giá cho thuê mặt bằng vẫn không tăng. Nay giá điện tăng, dịch vụ cho thuê bất động sản sẽ "leo thang". Từ đó, mọi áp lực tăng giá trực tiếp vào giá hàng hóa thiết yếu, dịch vụ sẽ tăng nhanh.
Liên quan tới việc giá điện có thể tăng trong thời gian tới, con số lỗ “khủng” của EVN cũng được xã hội quan tâm. Cụ thể, báo cáo mới nhất của EVN cho thấy, doanh nghiệp đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 còn khó khăn hơn năm qua rất nhiều. Theo đó, năm nay, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành. Trong đó, 6 tháng đầu năm EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng.
Về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá nhìn nhận: Con số lỗ lên đến mấy chục nghìn tỷ đồng cần phải được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, kiểm tra, xác định một cách khách quan, công bố công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận của người tiêu dùng trong xã hội.
Trong khi đó, cần làm rõ chi phí đầu vào - ra là gợi mở của TS Võ Nhật Vinh - chuyên viên Nghiên cứu và Phát triển tại khu công nghệ Sophia Antipolis (Pháp). TS Vinh cho rằng, để có sự đồng thuận của người dân thì cần minh bạch số liệu. Tức là cần làm rõ chi phí đầu vào và đầu ra tương ứng.
Ngoài ra, chi phí sản xuất điện phụ thuộc vào cấu trúc của ngành điện, cấu trúc sản phẩm mà ngành điện cung cấp như: thủy điện, điện khí, điện than, điện tái tạo (gió, mặt trời). Cho nên, cần phải làm rõ những chi phí đầu tư cơ bản, chi phí cố định, chi phí phụ thuộc theo sản lượng, chi phí nhập khẩu. "Nếu số liệu rõ ràng, tôi tin, người dân cũng tin tưởng vào những biến động về giá và có thể chấp nhận việc tăng giá điện", ông Vinh nói.
Theo daidoanket.vn
Liên kết website
Ý kiến ()