Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:18 (GMT +7)
Khi giới trẻ tiếp nối mạch nguồn văn hóa
Chủ nhật, 14/04/2024 | 15:24:45 [GMT +7] A A
Những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống vẫn luôn được coi là hồn cốt của mỗi quốc gia, dân tộc. Yêu mến, trân trọng và tự hào về những giá trị truyền thống, tuổi trẻ Quảng Ninh đã không ngừng sáng tạo để tiếp nối mạch nguồn, vun đắp những giá trị văn hóa ngàn đời của cha ông.
Sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh, nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Bùi Tuấn Ngọc (hiện đang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) đã sớm khẳng định tài năng qua nhiều sáng tác hay về người lính, gia đình, quê hương. Đặc biệt, dành tình yêu thiết tha, niềm tự hào sâu sắc về văn hóa dân tộc, anh đã mạnh dạn thử sức với các sáng tác mang âm hưởng dân gian cũng như tái hiện những giá trị di sản quý báu của Việt Nam.
Theo đó, “Lạy Mẫu anh linh” là ca khúc mở màn cho album “Ngọc” của Bùi Tuấn Ngọc với loạt các sáng tác lấy cảm hứng từ chất liệu văn hóa dân gian gợi nhắc về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với một nghệ sĩ trẻ như Bùi Tuấn Ngọc, việc dấn thân vào kho tàng văn hóa dân tộc, tìm tòi những chất liệu nghệ thuật đặc sắc, đưa những giá trị văn hóa, di sản đến gần hơn với giới trẻ bằng âm nhạc thật sự là một điều đáng quý và đáng được khích lệ.
Ca sĩ Bùi Tuấn Ngọc chia sẻ: Kho tàng văn hóa của Việt Nam vô cùng phong phú và tôi muốn thông qua âm nhạc, qua những sáng tác của mình đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Hy vọng đây là một phương thức mới để mỗi người trẻ thêm trân trọng, khơi dậy tình yêu và cả sự sáng tạo trong việc phát huy các giá trị di sản khi các bạn tìm hiểu sâu hơn về tín ngưỡng nói riêng và văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Không riêng Bùi Tuấn Ngọc, gần đây, nhiều người trẻ yêu văn hóa Việt đã quan tâm sáng tạo, tìm tòi phát huy các giá trị di sản, nhằm giới thiệu lan tỏa rộng rãi hơn về văn hóa truyền thống quê hương. Dù mới thành lập và đi vào hoạt động được hơn một tháng nay, song CLB thanh niên với hát Soóng cọ của huyện Bình Liêu luôn rộn ràng không khí tập luyện vào những ngày cuối tuần.
Chị Vi Thị Đẹp, Phó Bí thư Huyện Đoàn Bình Liêu, cho biết: Trước khi tham gia CLB thanh niên với hát Soóng cọ, các thành viên của CLB đã tham gia sinh hoạt tại các đội văn nghệ của thôn, xã, thường được các bà, các mẹ dạy hát, tham gia biểu diễn các dịp lễ hội truyền thống của huyện. Song việc thành lập CLB thanh niên với thành viên đều là các bạn trẻ sẽ tạo được không khí học tập, giao lưu sôi nổi hơn. Huyện Đoàn dự kiến sẽ kết nối với các đơn vị du lịch tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ trong các tour du lịch tại Bình Liêu để các bạn trẻ có cơ hội giới thiệu, lan tỏa đến du khách làn điệu Soóng cọ, chung sức gìn giữ và phát huy làn điệu dân ca của người Sán Chỉ Quảng Ninh.
Nhanh nhạy, nắm bắt xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, thanh niên Quảng Ninh nhanh chóng tận dụng các trào lưu, xu hướng mới, tích cực của giới trẻ trên mạng xã hội để quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, của tỉnh. Trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã xây dựng và ra mắt công trình thanh niên cấp tỉnh “Bản đồ các địa chỉ đỏ - ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng cách mạng và phát triển du lịch tỉnh”. Hết năm 2023, toàn Đoàn đã triển khai gắn mã QR Code được gần 300 địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tổ chức được 450 hành trình về nguồn đến với các địa chỉ đỏ, khu di tích lịch sử, văn hoá ở cả trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần thiết thực giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, của tỉnh cho thế hệ trẻ, không ngừng giới thiệu, quảng bá sâu rộng văn hóa Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung đến với du khách bốn phương.
Cùng với việc sáng tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa thì ngày nay, giới trẻ cũng có nhiều hình thức để tiếp cận lịch sử và văn hóa như truyền thông, văn nghệ, phim ảnh, hội họa… để có thêm kiến thức, kỹ năng, tình yêu và tôn trọng đối với lịch sử và văn hóa mà còn giúp họ truyền bá, lan tỏa những giá trị này đến sâu rộng trong cộng đồng, xã hội.
Theo đó, không ít các hoạt động trải nghiệm văn hóa được tổ chức luôn thu hút các bạn trẻ tham gia, như: Trải nghiệm nghề truyền thống (làm gốm, đan lát, thêu thổ cẩm…) tại một số địa phương; các hoạt động triển lãm văn hóa, lịch sử tại Bảo tàng Quảng Ninh; trải nghiệm văn hóa ngày Tết cổ truyền (đi chợ Tết, viết thư pháp, gói bánh chưng…) tại Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh… Dù bằng cách này hay cách khác, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc vẫn là cội nguồn để thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()