Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:21 (GMT +7)
Gia đình - "Thành lũy" của cuộc sống
Chủ nhật, 15/05/2022 | 19:18:14 [GMT +7] A A
Cuộc sống hiện đại, con người bị lôi cuốn vào vòng xoáy của công việc nên nhiều khi không có thời gian đúng mức dành cho gia đình. Việc tìm tiếng nói chung trong gia đình, hay khoảng cách giữa các thế hệ ông, bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn. Để gắn kết cuộc sống gia đình, nhiều địa phương đã có nhiều cách làm.
Thành phố Cẩm Phả luôn tích cực trong việc xây dựng mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Mô hình này đã được lan tỏa khắp 16 phường, xã trên địa bàn và cho được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, số lượng thành viên của các câu lạc bộ trên địa bàn Cẩm Phả đã lên đến gần nghìn người và duy trì các hoạt động sôi nổi với nhiều nội dung đa dạng.
Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ tổ chức các trò chơi, giao lưu văn nghệ nhằm tạo không khí giao lưu vui vẻ gắn kết. Các câu lạc bộ cũng lồng ghép luôn việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, nuôi dạy con cái, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình...
Các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc của các phường, xã trên địa bàn luôn duy trì các hoạt động giao lưu, chia sẻ của các thành viên nhân ngày Quốc tế gia đình (15/5), ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hàng năm và có nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội, hỗ trợ các thành viên khó khăn.
Các địa phương khó khăn khác trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều hoạt động đề cao truyền thống gia đình. Nổi bật nhất gần đây là Lễ hội Bàn Vương lần thứ II năm 2022 tại huyện Ba Chẽ. Đây là hoạt động gắn kết con cháu 12 dòng họ Dao giống như gia đình lớn cùng thờ chung thủy tổ Bàn Vương.
Cũng trong ngày lễ hội, huyện Ba Chẽ tổ chức cắt băng khai trương không gian trưng bày văn hóa Dao trong Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao. Nhà truyền thống được đưa vào sử dụng từ năm 2020 có tổng diện tích 1.600m2, trong đó, diện tích nhà 707,1m2 gồm 2 tầng được xây dựng từ nguồn vốn của tỉnh và của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Công trình được coi như nhà thờ tổ người Dao, nơi gắn kết cộng đồng người Dao cùng thờ chung một ông tổ.
Huyện Tiên Yên hàng năm cũng tổ chức các lễ hội văn hóa - thể thao người Sán Chỉ. Tại đây, du khách dễ dàng nhận thấy truyền thống gia đình của người Sán Chỉ được phát huy một cách bền chặt. Người ta dễ nhận thấy những ông chồng cần mẫn luôn sát cánh bên vợ trong các cuộc thi. Trong khi các môn thi là những công việc của phụ nữ như thi nấu xôi ngũ sắc, làm cỗ Sán Chỉ, làm bánh..., các ông chồng tỏ ra rất hoạt bát trong các công việc bếp núc không kém gì phụ nữ và tỏ ra rất hạnh phúc khi sát cánh bên vợ.
Trong thời kỳ khó khăn, bà con Sán Chỉ trong xã tự giúp nhau làm nhà. Người này làm rồi lần lượt đến người khác trong làng làm nhà, các gia đình lại bảo nhau đến giúp. Vì thế mà một thời gian khó, từ truyền thống gia đình bền chặt, bà con trong xã đều làm được nhà mà không cần phải thuê thợ từ nơi khác đến mất nhiều tiền công.
Những lúc căng thẳng nhất khi dịch Covid-19 hoành hành, thành lũy gia đình trong cả nước được phát huy một cách hiệu quả. Khi đó, “Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, sự gắn kết muôn người như một thống nhất thành một gia đình lớn, đã giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()