Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:30 (GMT +7)
Khi đột quỵ tìm đến, cơ thể thường phát ra 4 dấu hiệu cảnh báo trước
Thứ 3, 10/05/2022 | 11:00:55 [GMT +7] A A
Đột quỵ và các triệu chứng cảnh báo đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, ngay cả những người trẻ tuổi.
Hailey Bieber, người mẫu kiêm ngôi sao truyền hình Mỹ 25 tuổi, mới đây đã phải nhập viện vì gặp phải các triệu chứng đột quỵ. Sau đó, các bác sĩ phát hiện tình trạng này có liên quan đến một cục máu đông nhỏ nằm trong não của cô.
Do đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi, nhiều chị em chủ quan và cho rằng họ sẽ không phải đối mặt với vấn đề sức khỏe này khi còn trẻ. Trên thực tế, 15% tổng số ca đột quỵ đến từ những người trong độ tuổi từ 18-55 và con số này có thể có xu hướng tăng lên. Một nghiên cứu vào năm 2019 được công bố trên Tạp chí Thần kinh học đã chỉ ra, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng tới 23% trong một thập kỷ, từ 1998-2010.
Khi chia sẻ về sức khỏe của bản thân trên Instagram, nữ người mẫu 25 tuổi vẫn cảm thấy bất ngờ trước những gì đã trải qua. Cô cho biết: “Vào sáng thứ 5, tôi đang ngồi ăn sáng với chồng thì bắt đầu gặp phải các triệu chứng giống như đột quỵ và được đưa đến bệnh viện. Bác sĩ phát hiện có một cục máu đông rất nhỏ trong não gây thiếu oxy. May thay, tôi đã hồi phục chỉ vài giờ sau đó”.
Đột quỵ là gì?
Gregory Albers, chuyên gia y khoa kiêm giáo sư về thần kinh học tại Trung tâm y tế trực thuộc Đại học Stanford cho biết, đột quỵ là một dạng tổn thương não, xảy ra khi lượng máu lưu thông đến não bị gián đoạn.
Tình trạng này giống với đau tim nhưng thay vì xảy ra tại tim, chúng lại xuất hiện ở não. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hiện nay có 2 loại đột quỵ chính là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường xảy ra nhất và chiếm đến khoảng 87% tổng số ca đột quỵ. Tình trạng này làm cho cục máu đông chặn dòng chảy của máu và oxy lên não. Sự tắc nghẽn đôi khi cũng xảy ra khi mảng bám tích tụ trên thành động mạch.
Trong khi đó, đột quỵ do xuất huyết ít phổ biến hơn và chiếm khoảng 13% tổng số trường hợp đột quỵ. Hiện nay có 2 loại đột quỵ xuất huyết chính là xuất huyết trong não và xuất huyết dưới màng nhện. Máu bị rò rỉ sẽ gây áp lực lớn lên não, từ đó làm tổn thương các tế bào trong khu vực quan trọng này.
Donald Lloyd-Jones, chuyên gia y khoa của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ kiêm trưởng khoa y tế dự phòng trực thuộc Trường y Feinberg cho biết, các yếu tố như mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, hút thuốc, béo phì và chế độ ăn uống không lành mạnh có thể góp phần dẫn tới tình trạng đột quỵ.
Làm thế nào để nhận biết đột quỵ?
Theo một cuộc khảo sát vào năm 2020 do Hiệp hội Bệnh viện Hoa Kỳ thực hiện, mặc dù tỷ lệ đột quỵ đang gia tăng ở những người trẻ tuổi, khoảng 30% người trưởng thành dưới 45 tuổi không thực sự biết về các dấu hiệu cảnh báo tình trạng này. Những người mắc đột quỵ thường gặp phải các triệu chứng cảnh báo trước đó không lâu như nhìn mờ, mặt bị chảy xệ hoặc tê một bên mặt, khó nói, yếu tay.
Trên thực tế, chuyên gia Gregory cho biết, các dấu hiệu có thể khác nhau tùy thuộc vào khu vực não chịu ảnh hưởng. Ví dụ, nếu phần sau của não không được cung cấp đủ máu, bạn có thể gặp phải các vấn đề về thị giác. Trong khi đó, nếu đột quỵ tác động đến khu vực chịu trách nhiệm cân bằng ở thân não, bạn sẽ cảm thấy quay cuồng, chóng mặt và đứng không vững.
Bán cầu não trái chứa vùng ngôn ngữ và kiểm soát phần bên phải của cơ thể. Do đó, đột nhiên gặp khó khăn khi nói chuyện hoặc tê ở bên phải cơ thể là dấu hiệu điển hình cảnh báo một cơn đột quỵ liên quan đến khu vực này.
Những người nào có nguy cơ cao mắc đột quỵ?
Mặc dù đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tình trạng này lại thường xuất hiện ở người cao tuổi trên 65 và nam giới có nguy cơ mắc cao hơn phụ nữ.
Theo chuyên gia Gregory, những người có nguy cơ mắc đột quỵ cao thường phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe như cholesterol cao, tiểu đường, béo phì và có thói quen hút thuốc. Các yếu tố này góp phần làm hình thành mảng bám, mảng xơ vữa động mạch và ngăn chặn lưu thông máu lên não như đã đề cập.
Cần làm gì để ngăn ngừa đột quỵ?
Một trong những cách chủ động nhất mọi người có thể thực hiện để duy trì sức khỏe và tránh bệnh tật là ăn uống lành mạnh. Điều này liên quan đến việc tập trung tiêu thụ thực phẩm chứa ít muối và tránh đồ ăn chế biến sẵn.
Bạn cũng nên ăn nhiều trái cây, rau và bổ sung protein. Ngoài ra, duy trì cân nặng hợp lý, tham gia các hoạt động thể chất và trang bị cho bản thân kiến thức về đột quỵ cũng là yếu tố rất cần thiết khác.
Quá trình điều trị đột quỵ phụ thuộc phần lớn vào những tác động của chúng đến sức khỏe. Nếu bạn có cục máu đông trong não, các bác sĩ có thể kê thuốc làm loãng máu. Đây là một cách hiệu quả để loại bỏ cục máu đông và khôi phục khả năng lưu thông máu lên não để cứu các mô não.
Trong khi đó, nếu bạn bị xuất huyết trong não, quá trình điều trị thường bao gồm chụp cắt lớp và có thể phẫu thuật nằm loại bỏ máu và giảm áp lực tới não.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()