Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:42 (GMT +7)
Khi điện ảnh Việt kể truyện cổ tích
Thứ 6, 27/09/2024 | 08:55:09 [GMT +7] A A
Hàng loạt phim điện ảnh lấy chủ đề từ những truyện cổ tích, dân gian Việt Nam thổi làn gió mới cho phòng vé Việt, cho thấy, chất liệu quen thuộc với khán giả có thể biến hóa và mở ra hướng đi mới.
Khai thác kho tàng cổ tích dân gian
Phim điện ảnh “Cám” trở thành phim kinh dị nội địa có doanh thu mở màn cao nhất lịch sử màn ảnh Việt. Bộ phim đánh dấu lần thứ 2 truyện cổ tích Tấm Cám được kể với ngôn ngữ điện ảnh. “Cám” với màu sắc nhuốm màu kinh dị được sắp xếp khoảng 5.000 suất chiếu mỗi ngày, tiến nhanh đến cột mốc 100 tỉ đồng và trở thành một hiện tượng được bàn luận sôi nổi.
Thực chất, màn ảnh Việt đã có nhiều phim chuyển thể từ truyện cổ tích, truyện dân gian. Một trong những phim điện ảnh đầu tiên sử dụng chất liệu này là “Dã Tràng xe cát Biển Đông” ra mắt năm 1995. Từ đó đến nay, nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ truyện cổ tích như Thạch Sanh, Sơn Tinh Thủy Tinh, Trạng Quỳnh, thằng Bờm, Bắc Kim Thang... nhưng chưa để lại dấu ấn.
Câu chuyện dân gian có lợi thế là đã có vị thế trong đời sống tinh thần của người Việt, nhưng lợi thế đó cũng là thách thức.
Trước “Cám”, dòng phim cải biên từ truyện cổ tích nổi bật bậc nhất có thể kể đến “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”. Phim thu hút dàn sao hùng hậu như Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc hay Isaac, nhưng bị chê cải biên quá đà, rời xa bản gốc. Làm sao để giữ được giá trị của câu chuyện gốc nhưng vẫn xây dựng được cốt truyện mới lạ, hấp dẫn cho phim điện ảnh là bài toán khó giải.
Hướng đi mới cho phim Việt
Một trong những hạn chế của thể loại phim chuyển thể từ cổ tích phải kể đến chất lượng kỹ xảo và mức độ đầu tư về bối cảnh, trang phục...
Trao đổi về câu chuyện này, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận định, nếu bỏ ra ít nhưng muốn thu lời nhiều là câu chuyện không thể vào thời điểm này. Với kinh phí thực hiện 24 tỉ đồng, phần kỹ xảo, hậu kỳ, hóa trang của “Cám” đã có sự đầu tư đáng ghi nhận. So với trước đây, cảnh Thái tử đánh nhau với yêu quái trong “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” hay cảnh Thạch Sanh đánh nhau với chằn tinh trong “Cuộc chiến với chằn tinh” sử dụng VFX (hiệu ứng đồ họa) giả trân, được ví như trò chơi điện tử thời xưa.
Ông Nguyễn Phong Việt đánh giá: “Phim “Cám” là ví dụ cho thấy mức độ đầu tư của dòng phim kinh dị Việt Nam không còn giống như ngày xưa, theo kiểu ít tiền, ít bối cảnh, ít diễn viên… để đảm bảo khả năng thu hồi vốn cao. Sự tương xứng về mức độ đầu tư cho bộ phim sẽ quyết định rất nhiều đến chất lượng khi ra rạp. Chi gần 1 tỉ đồng cho số mặt nạ để hóa trang cho Cám, hay đầu tư hợp lý vào khâu phục trang cho dàn diễn viên trong phim “Cám” cho thấy nhà sản xuất đã bám rất sát thị hiếu thị trường. Một cuộc chơi lớn khó thành công nếu những toan tính ban đầu là vụn vặt”.
Đằng sau cuộc chạy đua doanh thu là câu chuyện không hồi kết về chị em Tấm Cám, dưới mỗi góc nhìn, cái thiện cái ác lại được nhìn nhận ở một góc độ khác nhau. Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho hay, “Cám” chọn một góc nhìn khác để kể lại câu chuyện khán giả đã thuộc lòng.
“Không có gì đúng, không có gì sai, không có ai tốt và cũng không có ai xấu hoàn toàn. Cũng giống như khi tôi đọc câu chuyện Tấm Cám những ngày đầu tiên, tôi đã từng có chút phân vân, rốt cuộc thì Tấm hay Cám mới là người đáng sợ nhất trong câu chuyện ấy? Và khi bạn chọn Tấm hoặc Cám, bạn không đại diện cho việc đúng hay sai, tốt hay xấu, mà lựa chọn ấy chỉ lý giải được một điều, ngay khoảnh khắc ấy, khi bạn chọn, tâm thức của bạn đang ngả theo hướng nào mà thôi”.
Nhìn từ thành công bước đầu của “Cám”, có thể thấy việc khai thác truyện cổ tích, truyện dân gian trong điện ảnh Việt Nam là một xu hướng đầy tiềm năng. Tuy nhiên, để chinh phục khán giả, các tác phẩm cần có tầm nhìn sáng tạo, cân bằng giữa việc giữ gìn màu sắc cổ tích của văn hóa dân gian và tìm cách kể để có được chỗ đứng trên thị trường điện ảnh Việt đang cạnh tranh khốc liệt.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()