Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:43 (GMT +7)
Khi đánh cá, đi rừng... thành sản phẩm du lịch
Chủ nhật, 31/03/2024 | 12:58:42 [GMT +7] A A
Ra khơi rải lưới, khua chèo, đánh cá hay đi rừng hái măng, tham gia đá bóng như những cô gái Sán Chỉ… vốn là hoạt động, sinh hoạt thường ngày của người dân vùng biển, miền núi, nay được quan tâm phát huy thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Những trải nghiệm thú vị
Theo các chuyên gia đánh giá, du lịch truyền thống tham quan cảnh đẹp, lưu trú khách sạn… là sản phẩm truyền thống, có xu hướng bão hòa, giảm sức hút. Ngày nay, du lịch khám phá nét mới lạ, đặc sắc từ chính sinh hoạt, cuộc sống đời thường của người dân bản địa ngày càng cho thấy sức hấp dẫn lớn.
Có lẽ chính vì thế, nhiều sinh hoạt của ngư dân dưới biển, bà con dân tộc trên vùng núi, như: đánh cá, đi rừng... bỗng trở thành điểm nhấn, để phát triển thành các sản phẩm du lịch. Nhắc tới đánh cá, tôi nhớ dịp đi thực tế cùng đoàn của Công ty Du lịch Đất mỏ ở Vung Viêng cách đây gần chục năm.
Sau hành trình ngắn thăm cảnh đẹp, vẻ yên bình của làng chài, chúng tôi được chuyển từ tàu to sang những thuyền nan nhỏ, bắt đầu hành trình đi đánh cá. Chiếc thuyền nan nhỏ tròng trành, chở được chừng 5-6 người. Ngoài áo phao, chúng tôi được ngư dân dạy cách đứng thăng bằng, ngồi cân ở 2 đầu thuyền, gõ thuyền, thả lưới. Thuyền tiến vào vụng Hà, hang Thầy và những vùng nước nhiều cá quanh làng chài.
Ngồi đầu thuyền, chúng tôi được “cầm tay chỉ việc” thả lưới quanh vụng. Kết thúc, các thuyền nan chạy vòng quanh, dùng mái chèo đập mạnh xuống nước. Người thì dùng gậy gõ vào mạn thuyền, tạo tiếng động. Tất cả nhằm xua đuổi cá mắc lưới. Thành quả là hàng kg cá mòi, ót, dìa… tươi rói mắc lưới. Tuy bị bắn ướt, nhưng thật vui. Chúng tôi cũng hiểu hơn về cách gõ mạn thuyền, khua chèo đuổi cá, gỡ cá… Kết thúc hành trình là những món cá rán, cá luộc theo đúng phong cách thuyền chài…
Quả thật, dù là người bản địa nhưng đây là lần đầu chúng tôi được “mục sở thị” cách thả lưới đánh cá và niềm vui thu hoạch thành quả. Có lẽ cũng chính vì thế mà theo đại diện Công ty Du lịch Đất mỏ cho hay, nhiều khách Việt đặc biệt là khách quốc tế rất hào hứng, thích thú với tour Một ngày làm ngư dân này. Nhiều người đăng ký 2-3 lượt để trải nghiệm.
Sau đó, sản phẩm du lịch Một ngày làm ngư dân ở Vung Viêng đã được một số doanh nghiệp khai thác hiệu quả, tạo ấn tượng, thu hút cả ngàn lượt khách trong nước và quốc tế. Và có lẽ từ đây, rất nhiều sản phẩm du lịch học làm ngư dân ở các địa phương như Vân Đồn, Cô Tô… được khai sinh với nhiều sáng tạo bổ sung, như: đi bắt còng gió, câu cá, câu mực, xem ngư dân nuôi ngọc trai…
Không chỉ đánh bắt cá ở Vịnh Hạ Long, rất nhiều sinh hoạt đời thường của bà con, người dân vùng cao cũng đang được thiết kế thành các trải nghiệm cho du khách. Đơn cử là việc đi rừng hái măng, rau rừng ở các khu rừng tre, trúc đẹp; tham quan tắm thác Khe Tiền 2 (thôn Khe Tiền, Đồng Văn, Bình Liêu). Theo ông Dường Phúc Thím, Trưởng thôn Khe Tiền, chia sẻ: Đầu năm là mùa măng rừng nên nhiều bà con thôn bản thường theo đường mòn vào rừng hái măng. Lên đây mùa này, chúng tôi sẽ dẫn bạn đi rừng, trải nghiệm cách hái măng, cách làm những món ngon tuyệt từ măng tươi.
Từ lợi thế cảnh quan, trải nghiệm thú vị này, Bình Liêu đang phát triển loại hình du lịch thể thao, trải nghiệm đi bộ qua rừng quế, hồi; rừng tự nhiên, đi rừng trúc hái măng qua các bản làng người Tày, Dao, Sán Chỉ. Đây là sản phẩm đang được hiện thực hóa đón khách trong nước và quốc tế về trải nghiệm.
Không chỉ vậy, nhiều hoạt động, sinh hoạt đời thường thú vị đang được quan tâm phát triển, như: Bắt ốc, đào bông thùa ở Cái Chiên, hái chè ở Hải Hà, đào sá sùng ở Quan Lạn, tham gia các trận bóng đá nữ cho tới trải nghiệm đi phiên chợ vùng cao Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ… đang được các địa phương xây dựng, phát triển thành sản phẩm du lịch sớm đưa vào khai thác. Đây là các sản phẩm du lịch mới được các địa phương phát triển dựa trên đặc trưng, nét đẹp sinh hoạt thường ngày ở địa phương.
Để sớm hiện thực hoá
Quả thật dễ thấy, các hoạt động tưởng chừng đơn giản này nhưng lại có sức hấp dẫn, giá trị kiến thức, trải nghiệm vô cùng lớn đối với du khách phương xa, du khách quốc tế.
Theo ông Trần Đăng An, Giám đốc Halotour (TP Hạ Long) lý giải thì sở dĩ các hoạt động trên trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn bởi nhiều du khách tò mò, thích tìm hiểu và trải nghiệm thực tế những hoạt động đi biển, lên rừng, đặc biệt là các hoạt động mới lạ, là nét riêng vùng miền.
Đơn cử, dù là người bản địa nhưng chúng tôi mới chỉ được xem đánh cá trên biển, chưa tự tay được rải lưới, đuổi cá, gỡ cá... như một ngư dân. Còn du khách quốc tế thì qua đó lại hiểu hơn về văn hóa địa phương, cách đánh cá bằng lưới của ngư dân, được thưởng thức chính thành quả của mình. Đó là những điều mới lạ mà cả du khách trong nước và quốc tế đều tò mò, thích thú.
Điều đó cho thấy, sức hấp dẫn lớn từ các sản phẩm được lựa chọn. Các sinh hoạt, hoạt động hoặc phong tục trong đời sống, lao động của người dân những vùng, miền trong tỉnh... để phát triển thành sản phẩm du lịch cần sự chọn lựa kỹ lưỡng. Đây là điều rất cần thiết bởi thực tế sản phẩm dạng này gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai, hiện thực hóa.
Đơn cử như sản phẩm Một ngày làm ngư dân ở Vung Viêng sau khi được phát triển, được Công ty CP Du lịch Đất Mỏ, Du thuyền Đông Dương khai thác rất hút khách. Thế nhưng do nhiều lý do, hiện sản phẩm không hoạt động hiệu quả và bị lãng quên. Trong khi đó, rất nhiều sản phẩm tương tự cũng phát triển theo và tạo sức thu hút lớn, như đánh cá, câu cá, câu mực... ở Cô Tô, Minh Châu đều là các sản phẩm tự phát, phát sinh do nhu cầu của du khách. Vì thế, các sản phẩm này khi sử dụng không có gì chắc chắn, đảm bảo an toàn về phương tiện, hành trình và các yếu tố an toàn khác, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.
Trong khi đó, sản phẩm được công nhận, như: Một ngày làm ngư dân ở Quan Lan thì lại chịu sự cạnh tranh lớn từ chính các tour tương tự tự phát mà không được quan tâm dẹp bỏ. Điều này khiến sản phẩm chính thống chịu nhiều bất lợi từ chính các sản phẩm phát sinh, không quy chuẩn. Vì thế, rất cần thiết việc hệ thống lại, chuẩn hóa để đảm bảo các yếu tố an toàn, đưa vào hoạt động thực tế là rất cần thiết.
Mặt khác, việc đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động, rất cần các địa phương quan tâm rà soát bố trí hành trình, tour tuyến sát với thực tế. Các địa phương cũng cần quan tâm đào tạo nhân lực, lực lượng hướng dẫn viên tại điểm kết hợp việc tìm kiếm một số người hướng dẫn bản địa để dẫn đường, đảm bảo an toàn.
Bởi lẽ, các hành trình đi rừng hay đi biển đánh bắt hải sản cần có người biết chỗ, dẫn đường tránh bị lạc và đảm bảo an toàn cho du khách. Thực tế hiện nay, hệ thống hướng dẫn viên tại điểm ở nhiều địa phương còn thiếu và yếu. Ngoài ra, các địa phương cũng cần quan tâm tới các yếu tố như điểm dừng chân, nơi lưu trú, y tế, cứu hộ... để đảm bảo cho tour hoạt động, vận hành thuận lợi.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()