Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 19/01/2025 10:29 (GMT +7)
Cộng đồng tham gia bảo tồn các giá trị văn hoá
Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:14:01 [GMT +7] A A
Chủ thể của lễ hội là cộng đồng, cộng đồng làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng, cộng đồng thị dân và lớn hơn cả là cộng đồng quốc gia dân tộc. Cộng đồng chính là chủ thể sáng tạo, hoạt động, hưởng thụ và bảo tồn các giá trị văn hóa của lễ hội.
Từ bao đời nay, cộng đồng dân cư ở Quảng Ninh sống quần cư với tinh thần đoàn kết, trọng tình, trọng nghĩa. Truyền thống này thể hiện ở chữ hiếu với cha mẹ, ông bà, tôn sư trọng đạo, tôn vinh các bậc tiền bối có công khai khẩn mở mang quê hương. Nhiều nơi ở Quảng Ninh có tục tế tổ, chạp tổ, tảo mộ, có miếu thờ Tiên Công.
Người Quảng Ninh cũng phóng khoáng và tự do trong tư duy nên đây là miền đất có nhiều lễ hội dân gian mang tính xã hội và tính nhân văn cao, là thông điệp nối kết quá khứ và hiện tại. Các lễ hội có phần nghi lễ nghiêm trang, phần hội phóng khoáng, vui vẻ giúp con người gắn kết lại với nhau.
Tại Quảng Ninh, cộng đồng tham gia lễ hội còn bao gồm đông đảo khách du lịch. Theo cách hiểu đó, sinh hoạt lễ hội là sinh hoạt văn hoá cộng đồng không chỉ là sinh hoạt cộng đồng của dân cư bản địa mà còn của du khách đến từ nhiều vùng khác. Do đó, hoà mình vào không khí lễ hội, nghĩa là du khách đã được trải nghiệm, được trao truyền các giá trị văn hoá. Do vậy, tính chất bảo tồn đã có sẵn ở hoạt động đó.
Tại các lễ hội ở Quảng Ninh, những trò chơi truyền thống như đua thuyền, các đám rước, các tập tục dân gian gắn với lễ hội cũng cần được lan tỏa, để du khách có thể trực tiếp trải nghiệm. Nhập vai vào các hình thức diễn xướng đó, người trải nghiệm không chỉ là du khách, mà còn như một người dân thực thụ, một thành viên trong cộng đồng có lễ hội... Điều này sẽ kích thích và tạo ra sức hút đối với du khách khi hòa mình vào không khí lễ hội.
Sự tham gia của cộng đồng du khách cũng sẽ tạo ra sự kết nối các lễ hội, trong đó có lễ hội ở vùng Yên Tử. GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng, lễ hội dân gian nói lên sự phong phú của không gian văn hóa Yên Tử. Theo không gian của dãy Yên Tử thì lễ hội dân gian trong khu vực này không chỉ thuộc khu vực Yên Tử, mà còn là một hệ thống chuỗi lễ hội suốt dãy Yên Tử trải qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh. Vì thế, lễ hội dân gian cũng như các loại hình khác không dừng lại ở một điểm mà trải rộng trên một không gian lớn và có sự kết nối giữa các nơi để thành một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn. Hơn nữa, các lễ hội này không phải chỉ là những lễ hội tôn giáo đơn thuần mà là rất nhiều lễ hội dân gian diễn ra xung quanh khu vực, để tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng hấp dẫn. Riêng ở Quảng Ninh có thể điểm ra các lễ hội như: Lễ hội đền An Sinh, lễ hội của các làng ven dãy Yên Tử. Kết nối với các lễ hội theo dãy Yên Tử là nhiều lễ hội khác liên quan đến nhà Trần trên đất Quảng Ninh như: Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội đền Đức Ông, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Vân Đồn...
Bên cạnh việc bảo tồn lễ hội truyền thống, Quảng Ninh cũng xây dựng và duy trì nhiều lễ hội hiện đại đã được cộng đồng cư dân bản địa và du khách đón nhận. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, lễ hội hiện đại là cơ hội quảng bá tiềm năng thế mạnh những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá văn hoá con người Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung. Lễ hội Hoa anh đào hay Lễ hội Hokkaido gần đây là những ví dụ điển hình cho việc thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, trong đó có ngoại giao nhân dân, thông qua hoạt động văn hoá lễ hội. Đây sẽ là mẫu hình tương lai cho nhiều hoạt động văn hoá tương tự, cho thấy vị trí kết nối hội tụ và lan toả của Quảng Ninh. Không chỉ kết nối với Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, mà còn ra các vùng khác trong nước và vượt ra ngoài biên giới.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()