Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:38 (GMT +7)
Khi ca sĩ Việt hợp tác cùng sao quốc tế
Thứ 3, 21/02/2023 | 14:14:21 [GMT +7] A A
Gần đây, một số nghệ sĩ Việt mạnh dạn hợp tác với sao quốc tế cho ra những sản phẩm âm nhạc ấn tượng. Không thể phủ nhận những màn kết hợp như vậy luôn có sức hút đặc biệt, song nghệ sĩ phải có sự mạnh dạn nhất định, nếu chưa muốn nói là mạo hiểm.
Xu hướng mới
Những năm gần đây, nhạc Việt có nhiều cơ hội đến với khán giả quốc tế. Không chỉ là những ca khúc nổi lên, được nhiều người nổi tiếng sử dụng như See tình, Hai phút hơn (Kaiz remix), Dễ đến dễ đi, Ngây thơ... thị trường âm nhạc Việt Nam cũng tạo dấu ấn khi nghệ sĩ Việt có sản phẩm kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài.
Đầu năm 2023, Đức Phúc ra mắt ca khúc Em đồng ý (I Do) kết hợp cùng nhóm nhạc quốc tế 911. Chỉ sau vài ngày công bố, MV đã vượt hơn 10 triệu lượt xem. Trước đó, năm 2019, Sơn Tùng M-TP có màn kết hợp với nam rapper nổi tiếng thế giới - Snoop Dogg trong ca khúc Hãy trao cho anh. Sau khi phát hành, ca khúc nhanh chóng thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc và đạt nhiều thành tích đáng kể. Hãy trao cho anh nhận 1 triệu lượt xem trong vòng 8 phút và 4,7 triệu người xem trong vòng 50 phút kể từ lúc ra mắt. Với những thành tích đó, ca khúc này đã trở thành MV của VPop đạt 100 triệu lượt xem nhanh nhất.
Ngoài ra, một số nghệ sĩ Việt khác từng có tác phẩm âm nhạc kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài như K-ICM (với Plastik Funk, Polmoya và 9tySlac), Soobin (với Ji Yeon của nhóm T-ara), Thanh Bùi (với Tata Young), Vũ (Lukas Graham)...
Nhạc sĩ Đỗ Phương, Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đánh giá cao những nghệ sĩ đã dũng cảm bước những bước đầu tiên của trong việc kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài. Thành quả đem lại là những sản phẩm được đầu tư, trau chuốt. “Việc hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài là sự giao thoa giữa âm nhạc Việt Nam và thế giới. Sự kết hợp này đột phá, tạo ra sức thu hút của các tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Tôi cho rằng chúng ta đều ủng hộ những sự đột phá, sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ”, nhạc sĩ Đỗ Phương nói.
Nam nhạc sĩ cho rằng khi hợp tác với nghệ sĩ nước ngoài nghệ sĩ Việt có cơ hội học tập từ tiết tấu nhạc, phong cách biểu diễn đến sự sáng tạo trong từng tác phẩm. “Tôi hy vọng được thấy nhiều sự hợp tác hơn giữa nghệ sĩ nước ngoài và Việt Nam. Điều này giúp nâng tầm, đa dạng hoá phong cách biểu diễn, phong cách sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam”, Đỗ Phương chia sẻ.
Nhạc sĩ Cát Vận nhận định, trong thời kỳ hội nhập những người làm nghề có nhiều cơ hội để quảng bá âm nhạc Việt. “Việc nghệ sĩ Việt Nam kết hợp với các nghệ sĩ nước ngoài trong biểu diễn là một phương thức để hội nhập với quốc tế và hoàn toàn phù hợp với chủ trương hội nhập của đất nước”, nhạc sĩ Cát Vận cho biết.
Ông nhận định việc hội nhập cần được thực hiện trên mọi thể loại âm nhạc từ âm nhạc truyền thống cho đến nhạc nhẹ, nhạc đại chúng... “Nhạc đại chúng dẫn đầu trong hội nhập âm nhạc là khuynh hướng tất yếu. Chúng ta cần tranh thủ để đưa âm hưởng dân tộc, phong cách âm nhạc Việt Nam ra thế giới”, nhạc sĩ Cát Vận nêu.
Không dễ thành công
Sự hợp tác giữa nghệ sĩ Việt với nghệ sĩ quốc tế luôn thu hút truyền thông, song không dễ có được sản phẩm âm nhạc thực sự chất lượng. Nhạc sĩ Đỗ Phương bày tỏ sự băn khoăn liệu việc hợp tác này có được duy trì khi còn nhiều yếu tố cản trở. Bởi để có thể hợp tác được với các nghệ sĩ nổi tiếng, nghệ sĩ Việt phải có năng lực đáp ứng với yêu cầu khắt khe của nghệ sĩ quốc tế. Bên cạnh đó, kinh phí cũng là một bài toán đáng lo ngại.
Nhạc sĩ Trần Minh Phi cho rằng, bất cứ nền nghệ thuật nào đều có xu hướng hội nhập và tương tác, nhất là trong bối cảnh hiện đại - khi nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nghệ thuật tăng cao. Âm nhạc cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, âm nhạc càng có nhu cầu kết hợp cao hơn. “Âm nhạc có một ngôn ngữ đặc thù là giai điệu, nhịp điệu, hoà âm mà bất kỳ dân tộc nào cũng có thể tiếp cận được dễ dàng. Chẳng hạn, chúng ta có thể nghe một bài hát nước ngoài không cần hiểu ngoại ngữ, chỉ nghe nhạc thôi là đủ thấy thích hay không thích, cảm hay không cảm”, nhạc sĩ Trần Minh Phi phân tích.
Tuy vậy, sản phẩm âm nhạc hợp tác với quốc tế không tránh khỏi độ lệch nhất định về kỹ năng trình diễn. Điều này phản ánh thực tế nền âm nhạc nước ngoài phát triển hơn Việt Nam ở tính chuyên nghiệp và chuyên môn. Nhạc sĩ Trần Minh Phi nhận định, sự kết hợp này có thể như con dao hai lưỡi. Trong tư duy của số đông, người ta thường mượn sự xuất hiện các nghệ sĩ tên tuổi nước ngoài như một cách quảng bá cho các sản phẩm âm nhạc.
Để sản phẩm âm nhạc hợp tác với quốc tế tạo dấu ấn, nhạc sĩ Trần Minh Phi cho biết yếu tố quan trọng nhất là phối hợp nhịp nhàng giữa sự khác biệt của hai bên để tạo nên một sản phẩm hài hoà ở chiều sâu chứ không phải ở bề nổi. “Để làm được điều này, độ lệch về kỹ năng của nghệ sĩ kết hợp không nên quá rộng. Nói như vậy có thể hiểu rằng, nghệ sĩ Việt phải biết người biết ta khi quyết định có một sự kết hợp nào đó với nghệ sĩ quốc tế. Nếu không, đó chỉ là sự ăn theo và giá trị sản phẩm chỉ như một hiệu ứng quảng cáo loàng xoàng”, anh nhận định.
Thực tế, không phải ca sĩ Việt nào cũng có được thành công như sự hợp tác giữa Vũ và Lukas Graham hay Sơn Tùng M-TP với Snoop Dogg. Năm 2021, ca khúc Đôi ta của Jang Mi (Bảo Trang) kết hợp cùng rapper Jung Min Hyuk ra mắt nhưng không được khán giả đánh giá cao. Sự đầu tư về bối cảnh, phục trang… cũng ở mức hạn chế. Trước đó, Soobin Hoàng Sơn và sao nữ đình đám xứ Hàn là Jiyeon (nhóm T-Ara) cho ra đời ca khúc Đẹp nhất là em, được kỳ vọng sẽ tạo hit trong thị trường âm nhạc Việt Nam, Hàn Quốc và khu vực. Tuy vậy, sau vài năm, MV ca khúc chỉ thu được hơn 14 triệu lượt xem trên YouTube. Con số này là quá thấp so với tên tuổi của Soobin và Jiyeon.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()