Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 17:48 (GMT +7)
Khát vọng phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân
Thứ 7, 22/04/2023 | 06:21:52 [GMT +7] A A
Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với nâng cao đời sống người dân. Bám sát chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, tỉnh tiếp tục xác định mục tiêu “Lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; bảo đảm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người” từ đó triển khai nhiều chương trình, giải pháp cụ thể hóa từng mục tiêu, nhiệm vụ.
Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Hơn 3 năm qua, Quảng Ninh cũng như các địa phương trong cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Với chủ trương đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực để doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã lãnh đạo triển khai thực chất hơn nữa công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào địa bàn.
Đặc biệt, UBND tỉnh ban hành chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023, trong đó chú trọng thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị nhằm chuyển dịch cơ cấu KT-XH. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động xúc tiến, quản lý đầu tư và hỗ trợ đầu tư tại chỗ; thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam, như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... và ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với các doanh nghiệp trong nước hình thành, phát triển cụm liên kết theo từng chuỗi giá trị...
Tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư, trong đó quan tâm tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp trong KCN, KKT để giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ đầu tư hạ tầng KCN, CCN trên địa bàn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng sạch, kết nối giao thông và đào tạo nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở công nhân, chuyên gia KCN, khu chế xuất khu công nghệ cao...
Trong quý I/2023, tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với các nhà đầu tư quốc tế đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó tập trung kết nối hợp tác xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực mà tỉnh Quảng Ninh có lợi thế cạnh tranh nổi trội, ưu tiên thu hút đầu tư, như: Sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử; cảng biển và dịch vụ cảng biển; nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản; dịch vụ logistics... Đại diện Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA) cũng làm việc với đại diện Công ty Mastern Investment Management (Hàn Quốc) tại TP Hà Nội; tham dự buổi gặp gỡ giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đoàn 60 doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc); tham dự buổi làm việc VCCI và Phòng Thương mại và Công nghiệp Seoul (Seoul CCI) cùng 20 doanh nghiệp Hàn Quốc.
Cũng trong quý I/2023, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và xúc tiến đầu tư vùng. Đây là sự kiện lớn, thu hút trên 1.000 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; 11 địa phương thuộc ĐBSH; tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước... Bên lề hội nghị, tỉnh Quảng Ninh có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư. Qua đó, đã có 2 dự án được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Dự án Công ty TNHH Autoliv Việt Nam tại KCN Sông Khoai và Dự án sản xuất sản phẩm khóa chốt và dập định hình Boltun Việt Nam tại KCN Bắc Tiền Phong, TX Quảng Yên).
Ngoài ra, tỉnh cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thành công Hội nghị phát triển dịch vụ logistics Quảng Ninh. Sự kiện đã nhận được nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp về phát triển dịch vụ logistics, với những giải pháp thiết thực. Tại đây, đã diễn ra ký kết 5 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các sở của tỉnh và hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp.
Để tạo hấp dẫn và thuận lợi cho các nhà đầu tư, thời gian qua tỉnh quan tâm công tác quản lý, quy hoạch đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành kế hoạch sử dụng đất 2023 của 13 địa phương; rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao chỉ tiêu phân bổ cho các địa phương để chuẩn bị ít nhất 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, phê duyệt giá đất cụ thể đối với dự án Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng (TP Hạ Long); dự án Khu nhà ở thương mại khu phố 4 (TP Hạ Long); dự án Công viên nghĩa trang Thiên Phúc Vĩnh Hằng Viên (TP Uông Bí)... Đồng thời, tăng cường giải quyết vướng mắc về bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất để thực hiện dự án mở rộng mặt bằng trạm biến áp 110kV Chợ Rộc (TX Quảng Yên); vướng mắc về giá tái định cư đối với dự án tuyến đường kết nối từ điểm cầu Cửa Lục 1 đến ngã ba Kênh Đồng thuộc phường Giếng Đáy (TP Hạ Long).
Tỉnh cũng đã báo cáo Bộ TN&MT về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thời gian thuê đất, cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khoáng sản; triển khai phương án thu hồi và sử dụng đất, đá thải tại bãi thải mỏ than Nam Tràng Bạch làm vật liệu san lấp; xây dựng dự thảo và thông qua đề cương Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp tỉnh giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030...
Quý I/2023, tổng vốn thu hút vào các KCN, KKT khoảng 493,8 triệu USD. Tổng vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh đạt 10.750 tỷ đồng, trong đó cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 8.038 tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 11 dự án vốn trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 2.712 tỷ đồng. Cũng trong quý I, có 503 đơn vị thành lập mới. Quảng Ninh đứng thứ 4 trong vùng ĐBSH và đứng thứ 12 cả nước với số vốn đăng ký đạt 2.546 tỷ đồng. Số lao động tại các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 3.846 người, tăng 69,5% cùng kỳ 2022.
Với những giải pháp cụ thể trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Ninh đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân khi vinh dự nhận danh hiệu danh giá: Quán quân Chỉ số PCI 2022, dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ 6 liên tiếp; đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng PAPI năm 2022; dẫn đầu xếp hạng Chỉ số SIPAS và PAR INDEX năm 2022. Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nỗ lực phát triển KT-XH; khẳng định sự quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả; tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh...
Vì hạnh phúc nhân dân
“Nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân” là nhiệm vụ được tỉnh đề cập trong nhiều nghị quyết, chương trình hành động với nhiều giải pháp cụ thể. Đặc biệt, chủ đề công tác năm 2023, tỉnh tiếp tục xác định nâng cao chất lượng đời sống nhân dân để tập trung triển khai. Đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của tỉnh trong phát triển KT-XH với quyết tâm, nỗ lực thực hiện mục tiêu cao nhất vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân - nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt, bao trùm, nhằm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy và các nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030... Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế, cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn; giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và điều kiện KT-XH địa phương; người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Trong quý I/2023, tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời trợ cấp xã hội hằng tháng đối với 156 hộ nghèo không có khả năng lao động theo Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; ban hành quy định phân cấp thẩm quyền quyết định cho phép miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách người có công và trợ giúp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng. Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai hỗ trợ giải quyết việc làm cho 39.600 lượt lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 13.200 lao động.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, năm học 2023-2024; hoàn thành rà soát quỹ đất phục vụ cho phát triển giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đến từng thôn, bản, khu phố với mục tiêu phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 1 trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao trong năm 2023...
Các địa phương, cơ sở y tế trong tỉnh cũng dành nhiều nguồn lực để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Trong đó, chú trọng phân luồng, phân loại bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo an toàn trong các cơ sở y tế. Tỉnh phê duyệt Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực cơ sở y tế toàn tỉnh năm 2023; tiếp tục hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh triển khai Đề án “Phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành Than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh”. Trong đó, quan tâm hoàn thiện thủ tục để khởi công các dự án: Làng văn hóa công nhân Vùng mỏ tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả); Nhà ở xã hội công nhân, người lao động tại KCN cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà); Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà); khởi công Dự án Nhà ở xã hội và Dự án Đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi (TP Hạ Long).
Với nhiều giải pháp được cụ thể hóa góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH. Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm theo tiêu chí của trung ương. Quảng Ninh hiện không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, cận nghèo; 3/13 địa phương (Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn) không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()