Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 15:38 (GMT +7)
Khát vọng giá trị nông sản Việt
Thứ 2, 20/02/2023 | 20:33:02 [GMT +7] A A
“Mình sinh ra và lớn lên trên vùng đất nông nghiệp của tỉnh Bình Phước. Cầm tiền đi mua mớ rau, trái cà mà không biết nó có sạch, có đảm bảo cho sức khỏe của mình không. Tại sao mình không làm ra nó để phục vụ gia đình và người thân trước khi nghĩ đến chuyện xuất khẩu”. Những trăn trở đó đã dẫn lối cho nhà nông trẻ Trần Thị Ninh ở khu phố 12, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, khởi nghiệp trồng dưa lưới hữu cơ.
Muôn cách tiếp thị
Khi bán một món hàng là trao cho người tiêu dùng một cảm xúc để nhận về một niềm tin. Niềm tin và cảm xúc tốt sẽ gắn kết người làm ra sản phẩm với người tiêu dùng. Hay nói cách khác là người nông dân không còn phải đau đáu đầu ra cho nông sản khi đã có uy tín, chất lượng trên thương trường.
Trở lại những tháng năm đầu thế kỷ, mỗi người trong chúng ta hẳn còn nhớ tiếng rao lốc cốc, leng keng đầu hẻm hay cuối xóm của người bán hàng rong. Khi thì bánh bột lọc, khi thì hủ tíu, bún, phở hay một loại bánh dân gian nào đó để lót dạ buổi sớm mai, trưa dài hay đêm muộn. Những tiếng rao bán hàng đầy cảm xúc ngày ấy được xem là cách tiếp thị cơ bản nhất của thời kỳ trước 4.0, với mục đích đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Còn bây giờ, đã có những sàn giao dịch điện tử, những buổi online, livestream trực tiếp trên không gian mạng được xem là cách bán hàng của thời đại công nghệ 4.0.
Nhờ cách làm này mà chị Nguyễn Kiều Giang ở thôn 7, xã Long Tân, huyện Phú Riềng mỗi ngày bán cả tấn bưởi, cả tạ vú sữa hoàng kim. Người tiêu dùng không cần ra chợ hay đến tận vườn mà vẫn mua được nông sản sạch, đảm bảo chất lượng từ người sản xuất. Những năm trước, 2 ha bưởi da xanh và 3 ha vú sữa hoàng kim đến mùa thu hoạch, chị Giang đều gọi thương lái đến tận vườn để bán. Giá cả do thương lái định đoạt theo kiểu thuận mua, vừa bán. Còn hiện tại, chị ở nhà livestream vẫn bán hết sản phẩm của vụ mùa, giá bán do chị quyết định và dĩ nhiên cao hơn khi bán qua thương lái. Số tiền chênh lệch chị mang đi giúp đỡ người nghèo và cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội. Công nghệ 4.0 đã và đang kết nối người bán với người mua, người sản xuất với người tiêu dùng. Nhà nông thời hiện đại cũng nhờ đó không còn canh cánh nỗi lo đầu ra cho nông sản.
Ngày ấy, sống trong không gian nhỏ hẹp, chỉ cần một tiếng rao, tiếng gõ đã ngân vang cả làng và đi thẳng vào tâm thức của mọi người. Bây giờ, sống trong không gian của phố phường, nhịp sống tất bật, hối hả, mật độ dân cư đông khiến tiếng rao, tiếng gõ lọt thỏm trong thanh âm của phố thị. Ngày ấy, người nông dân bán cái mình có, cái mình làm ra để đổi lấy những cái mình chưa có nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Mọi thứ người nông dân làm ra đều cho vào thúng, mẹt, rổ mang ra chợ quê bán. Giá bao nhiêu cũng bán để còn kịp về lo việc nhà. Người tiêu dùng ngày ấy chỉ mua những thứ mình cần để no cái bụng, ấm đôi chân, tránh được mưa, nắng. Bây giờ, người nông dân đã biết làm ra sản phẩm thị trường cần, người tiêu dùng muốn. Sản phẩm ấy không chỉ sạch mà còn phải có thương hiệu, có nhãn mác, thậm chí tinh tế trong thiết kế để bán vào siêu thị, trên không gian mạng và xuất khẩu. Nhu cầu của người tiêu dùng bây giờ cũng khác, đâu chỉ để no cái bụng mà còn phải ngon, đẹp, bắt mắt. Thậm chí có không ít món hàng người tiêu dùng dù chưa cần đến nhưng sẵn sàng “móc hầu bao” chọn mua vì thích, vì đẹp, vì trông quá đáng yêu. Có cầu ắt có cung. Các sản phẩm nông nghiệp cũng vì đó mà phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã để khách hàng lựa chọn.
Nắm bắt nhu cầu tâm lý khách hàng, nhà nông trẻ Trần Thị Ninh ở khu phố 12, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành đã đầu tư cả tỷ đồng để xây dựng mô hình trồng dưa lưới theo quy trình chuẩn hữu cơ. Luôn đảm bảo chất lượng, uy tín nên sản phẩm của chị được doanh nghiệp, người tiêu dùng thu mua tại vườn cao hơn giá thị trường từ 10-20%. Thậm chí có thời điểm không có sản phẩm để bán. Tất cả nguồn nông sản của chị được sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, theo nhu cầu người tiêu dùng. Nhờ vậy mà dưa lưới chị làm ra không phải lo đầu ra và giá cả.
Thời buổi truyền thông đa phương tiện, sản phẩm nông nghiệp đâu chỉ đánh vào tâm thức người tiêu dùng bằng âm thanh lốc cốc, leng keng mà còn thu hút người tiêu dùng từ màu sắc, biểu tượng, thương hiệu. Chất lượng sản phẩm phải uy tín. Nông dân bây giờ không chỉ biết làm ra sản phẩm mà còn phải biết tiếp thị, bán hàng để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp mình đã “một nắng hai sương” làm ra.
Khát vọng của những giá trị
Sau 20 năm gắn bó với cây sầu riêng trên vùng đất biên giới thuộc ấp 6, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, năm 2022, sầu riêng của nhà nông Phạm Quốc Thanh đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Là chủ thể của sản phẩm OCOP địa phương, nhà nông Phạm Quốc Thanh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm của mình cho những ai đam mê loài cây ăn trái đang “làm mưa, làm gió” trong lĩnh vực cây trồng hiện nay. Với ông, thế giới đã thay đổi, thị trường đang cần nông sản sạch, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ thì nông dân phải biết cách làm để đáp ứng nhu cầu đó. Sự đòi hỏi khắt khe của thị trường, của người tiêu dùng buộc người nông dân phải thay đổi theo hướng chuyên nghiệp để thích nghi và tạo ra những giá trị cho mặt hàng nông sản. Bình Phước hiện có 96 sản phẩm OCOP đồng nghĩa với 96 câu chuyện văn hóa về nông sản hết sức đặc sắc, khác biệt của từng thôn, ấp, làng quê. Đó cũng là 96 niềm tự hào của những chủ thể OCOP, của người dân và chính quyền địa phương nơi sản phẩm mang thương hiệu OCOP đang hiện diện.
Tự hào vì các sản phẩm OCOP đã giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Tự hào vì đã giúp bao người lao động từ vùng quê đến thành thị có việc làm. Tự hào vì thông qua sản phẩm OCOP đã góp phần đưa hình ảnh địa phương, đất nước vượt qua ranh giới hành chính để đi đến muôn phương. Nhìn vào chiều sâu của nông sản, cách bán một sản phẩm, một dịch vụ cũng là cách để giới thiệu, quảng bá hình ảnh gia đình, người thân, địa phương, đất nước mình với bạn bè khắp năm châu.
Không biết do vô tình hay cố ý của tạo hóa mà những ngày tết cổ truyền của dân tộc lại rơi đúng vào thời điểm trăm hoa đua nở, trăm cây thay lá mới. Đặc biệt với Bình Phước, là thời điểm những cây công nghiệp dài ngày như điều, cao su và các loại cây ăn trái như sầu riêng, bưởi, xoài… đua nhau đâm chồi, nảy lộc, khoe sắc cùng muôn hoa. Những nhà nông bây giờ không còn canh tác, trồng trọt theo kiểu một luống cho gia đình, một luống để bán. Không còn cảnh “đèn nhà ai nấy tỏ” mà họ đã biết đoàn kết, cùng nhau xây dựng, làm nên sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu cho cả làng, cả xã, cả huyện và xa hơn là cho cả tỉnh và đất nước. 9.710 ha đất canh tác nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ của Bình Phước đã và đang nói lên điều đó.
Tiếp nối thành quả của những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Bình Phước, vụ mùa này còn có 500 ha sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng của tỉnh Bình Phước lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch. Hàng trăm nhà nông đang háo hức, kỳ vọng, đặt trọn niềm tin vào giá trị của trái sầu riêng mang thương hiệu Bình Phước cạnh tranh sòng phẳng với thị trường trái cây của thế giới. Thành quả ấy là cả một quá trình của nhà nông cùng với các cơ quan chức năng Bình Phước dày công “vun xới” bằng niềm tin mãnh liệt vào nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn đa giá trị cho mỗi sản phẩm nông nghiệp.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()