Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:21 (GMT +7)
Khát vọng du lịch vươn tầm
Chủ nhật, 28/01/2024 | 07:41:07 [GMT +7] A A
Với định hướng chiến lược Phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế, tỉnh đã giao Sở Du lịch xây dựng Đề án này. Theo đó, xác định phát triển Quảng Ninh trở thành cửa ngõ hàng đầu kết nối với khu vực, trung tâm sự kiện, lễ hội mới hàng đầu cũng như đi đầu trong chuyển đổi số ngành du lịch. Đồng thời, xây dựng hệ thống hạ tầng, kết nối không gian đồng bộ, sử dụng tối ưu tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an ninh quốc phòng.
Các mục tiêu cụ thể về số lượng khách thực hiện bằng hoặc vượt mục tiêu phát triển du lịch đã đề ra theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, dựa trên định hướng phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Đó là đến năm 2025, du lịch Quảng Ninh phấn đấu đón khoảng 18-20 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5-5 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 11-12%.
Đến năm 2030, du lịch Quảng Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón 25,4 triệu lượt khách, trong đó có 8,7 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 15-16%.
Để trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, Quảng Ninh có những điểm mạnh về vị trí địa lý, địa chính trị và đối ngoại quan trọng, là cửa ngõ kết nối liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là với các nước trong khu vực; có tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, có giá trị nổi bật; hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và đang phát triển vượt trội; môi trường điểm đến an toàn, an ninh, trật tự và vệ sinh…
Tham gia tại Hội nghị tham vấn Đề án Phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế, do ngành du lịch tổ chức ngày 23/1 vừa qua, đông đảo các chuyên gia, diễn giả về du lịch, văn hoá, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đều đánh giá Quảng Ninh là vùng đất giàu tiềm năng, cơ bản có những điều kiện, nguồn lực để có thể phát triển trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.
Dù vậy, để hiện thực hoá mục tiêu này còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, khẳng định: Vai trò của chính quyền là rất quan trọng trong việc đồng hành với doanh nghiệp, có sự định hướng, cải thiện về thủ tục hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thoả sức sáng tạo để xây dựng sản phẩm du lịch.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ có nguồn lực, tâm huyết, sẵn sàng làm nhưng thủ tục nhiều quá gây khó, họ không biết làm thế nào. Vậy nên, thủ tục về vấn đề khai thác tài nguyên du lịch phải rất rõ ràng, đơn giản, miễn làm sao đúng định hướng, gìn giữ, bảo vệ được tài nguyên, tránh thủ tục, quy trình qua nhiều cấp, nhiều ngành. Vướng mắc được giải quyết nhanh, thoả đáng sẽ tạo cơ sở cho du lịch phát triển với sự hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân…
Việc đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra được những tồn tại, cản trở, những điểm nghẽn của du lịch Quảng Ninh được nhiều người quan tâm. PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích: Xác định được những điểm nghẽn, chúng ta sẽ có được kế hoạch, chiến lược phát triển bài bản hơn gắn với quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Ninh cũng như các quy hoạch phát triển vùng.
Mục tiêu của trung tâm kết nối là dịch vụ chất lượng cao. Chất lượng du lịch của tỉnh những năm qua chưa được cải thiện nhiều, nhất là du lịch chất lượng cao còn hạn chế. Rồi nguồn nhân lực dịch vụ, du lịch từ quản lý, điều hành cho tới những lao động phục vụ trực tiếp cần đào tạo sẵn sàng đáp ứng với mục tiêu trở thành trung tâm kết nối của quốc tế. Chúng ta phát triển nóng thì đi kèm với đó là áp lực lên môi trường, còn nhiều vấn đề cần giải quyết về nước thải, rác thải, sự bồi lắng trên Vịnh Hạ Long, vấn đề bảo tồn giá trị di sản và bảo vệ đa dạng sinh học…
Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, một trung tâm du lịch kết nối vùng, khu vực và thế giới đòi hỏi phải hội tụ được các yếu tố về chất lượng du lịch cao cũng như là hạt nhân, điểm tựa, giữ vai trò là trục nối của cả khu vực nội địa và thế giới. Quảng Ninh để đạt tới mục tiêu này cần bám sát các quy hoạch của tỉnh, của vùng và cả nước cũng như xu hướng của du lịch thế giới, gắn với thực tế của Quảng Ninh.
Việc hiện thực hoá Đề án phải đảm bảo được tính ưu tiên, chiến lược, đặc biệt là phải có những chương trình, dự án mang tính chất lựa chọn mục tiêu, là chìa khoá, mũi nhọn để kích hoạt những chương trình, cơ chế chính sách. Đặc biệt là làm sao xác định được nguồn lực, cơ chế huy động nguồn lực. Đề án phải có sức lan toả, huy động được các ngành cùng vào cuộc. Du lịch Quảng Ninh phải làm sao đạt được đẳng cấp quốc tế, huy động được những thương hiệu quốc tế nhận diện ở Quảng Ninh càng nhiều thì càng có giá trị của trung tâm kết nối vùng, quốc tế. Làm sao biến thành điểm đến du lịch đặc sắc, chất lượng, có giá trị bền vững trên cơ sở nền tảng di sản và môi trường bền vững…
Không chỉ quốc tế mà gần hơn là tạo sự kết nối ngay trong vùng đồng bằng sông Hồng. Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, chia sẻ: Sự kết nối Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình - Bắc Giang có từ thuở xa xưa trong lịch sử. Mỗi địa phương có một thế mạnh riêng, như Quảng Ninh cứ bão gió cấp 6, 7 là khách lại về Ninh Bình. Người ta “bẻ ghi” rất nhanh như thế thì cái tính liên kết, hỗ trợ nhau cho những sản phẩm du lịch cần mạnh hơn, mỗi địa phương cần có sản phẩm riêng hỗ trợ cho nhau để đạt được tính liên kết, phát triển tốt hơn theo tam giác rồng giữa Hoàng Long (Ninh Bình) - Thăng Long (Hà Nội) và Hạ Long (Quảng Ninh).
Ông Phạm Văn Hiệp, đại diện của Tập đoàn Sun Group tại Quảng Ninh, cho rằng trước tiên cần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch hàng đầu trong nước và khu vực. Song song đó, chúng ta mới trở thành điểm đến kết nối, phân bổ nguồn khách giống như là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ông thẳng thắn: Từ so sánh Quảng Ninh với các điểm đến du lịch khác trong khu vực, chúng ta nên rút ra được kinh nghiệm và kinh nghiệm đó phải khả thi, áp dụng được vào Quảng Ninh. Ví dụ như Hải Nam (Trung Quốc), kinh phí đầu tư từ ngân sách cho cơ sở hạ tầng cực kỳ lớn. Ở Quảng Ninh thì tư nhân đã đầu tư cảng, sân bay, cao tốc rồi. Đề án đưa ra kinh phí hơn 400.000 tỷ đồng, trong đó vốn tư nhân, xã hội hoá là rất lớn, Nhà nước chỉ có khoảng 5%, các tập đoàn lớn sẽ đặt dấu hỏi là thế thì tập đoàn đến đây sẽ nhận được gì để có thể tự tin đầu tư vào Quảng Ninh…
Đánh giá cao Quảng Ninh, bà Cheng Shao Hong, Trưởng đại diện China Southern Airlines (Trung Quốc), cho rằng, với những lợi thế kết nối đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, Quảng Ninh có thể tận dụng cơ hội từ việc thay đổi về địa chính trị kết hợp với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các nước châu Á khác, nhất là từ Trung Quốc đến Việt Nam để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; đồng thời là một trung tâm du lịch chất lượng cao và là điểm đến, dừng chân của khách du lịch quốc tế chất lượng cao.
Để thúc đẩy cơ hội hợp tác phát triển du lịch với Quảng Ninh và đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, bà đề xuất 5 vấn đề: Có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hãng bay đưa khách đến Quảng Ninh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Hỗ trợ hãng bay khai thác các gói chuyến bay charter từ Trung Quốc tới Vân Đồn, tạo tiền đề khai thác các đường bay thường lệ quốc tế. Quan tâm hỗ trợ truyền thông, quảng bá về đường bay và các chính sách ưu đãi cho hành khách bay đến Vân Đồn tới các công ty du lịch. Áp dụng chính sách miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế qua sân bay Vân Đồn. Quan tâm đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn, hệ thống cửa hàng mua sắm giá rẻ và miễn phí cho khách du lịch…
“Quảng Ninh tiên phong xây dựng Đề án Phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế với mục tiêu cụ thể, cho thấy khát vọng lớn của tỉnh. Để hiện thực hoá mục tiêu này cần có sự quyết tâm, kiên trì theo đuổi và có sự đồng bộ vào cuộc của cả trung ương và địa phương, của các ngành, đặc biệt là vai trò chủ trì của tỉnh” - ông Hà Văn Siêu, Cục phó Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, khẳng định.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()