Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:03 (GMT +7)
Khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP
Thứ 6, 21/10/2022 | 18:28:23 [GMT +7] A A
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, Hớn Quản đã nỗ lực tạo mọi điều kiện để các địa phương từng bước đạt mục tiêu chương trình đề ra. Theo đó, trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và tập thể thực hiện.
Tạo động lực xây dựng sản phẩm
Cũng như các địa phương khác, việc thực hiện chương trình OCOP ở Hớn Quản gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh vận động, tuyên truyền với nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ và toàn diện, Hớn Quản đã có những sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận OCOP như: Cà phê nguyên chất Nhâm Nhung ở xã Thanh An đạt chứng nhận 3 sao; hạt điều rang muối Hoa Sen Việt của Công ty TNHH xuất nhập khẩu - thương mại Nam Hoa Thành ở xã Tân Lợi đạt chứng nhận 4 sao. Huyện có 2 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận vào cuối năm 2022 là gạo ruộng An Khương và hạt điều rang muối của Công ty TNHH MTV sản xuất - thương mại Nhân Sang ở xã Thanh An.
Đặc biệt, việc thực hiện chương trình OCOP ở Hớn Quản luôn có sự hưởng ứng tích cực của các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã. Hợp tác xã chăn nuôi - dịch vụ xã Thanh An của hộ anh Nguyễn Văn Hà ở ấp An Hòa là một trong những đơn vị được Hội Nông dân xã định hướng xây dựng sản phẩm OCOP gà Ai Cập đẻ trứng, một sản phẩm đang là thế mạnh của địa phương.
Chia sẻ về định hướng phát triển sản phẩm OCOP, ông Cao Cự Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An cho biết: Hội thường xuyên thăm mô hình chăn nuôi của anh Hà và thực hiện quảng bá trên các trang thông tin điện tử của xã, huyện, hướng mô hình theo tiêu chuẩn OCOP để nâng cao chất lượng sản phẩm riêng của địa phương.
Với 20 ha sầu riêng cho năng suất bình quân khoảng 11 tấn/ha, sản phẩm sầu riêng của THT sầu riêng xã Minh Tâm đã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Xã Minh Tâm đang định hướng xây dựng sầu riêng trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Ông Trương Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tâm cho biết: “Chúng tôi đã có hướng đi riêng cho sản phẩm sầu riêng Minh Tâm. Tuy nhiên, để tạo thương hiệu cho sầu riêng cần sự hỗ trợ của huyện trong việc xây dựng sản phẩm OCOP. Khi sản phẩm được công nhận thì các thành viên THT mới yên tâm canh tác, không lo được mùa, mất giá - được giá, mất mùa”.
THT mít Thái lá bàng hữu cơ xã An Phú có 18 ha, đem lại thu nhập đáng kể cho các thành viên. Việc kết hợp trồng mít Thái lá bàng với chăn nuôi, trong đó chủ yếu nuôi heo, bò, dê đã tận dụng tối ưu lợi thế vốn có của địa phương. Với định hướng xây dựng sản phẩm OCOP, THT dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Ông Bùi Văn Ngoạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú cho biết: “THT mít Thái lá bàng hữu cơ xã An Phú mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để đăng ký chất lượng sản phẩm. Hội Nông dân xã đã thống nhất với UBND xã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP đối với sản phẩm mít Thái lá bàng hữu cơ”.
Cần cơ chế hỗ trợ lâu dài
Những năm qua, để nâng cao khả năng tìm tòi, nghiên cứu, chế biến sâu, mang đặc trưng riêng cho từng địa phương, doanh nghiệp, huyện Hớn Quản đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 6 sản phẩm đã gửi hồ sơ đề nghị chứng nhận sản phẩm OCOP. Huyện Hớn Quản còn có một số sản phẩm như: nấm bào ngư, chuối… là những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thể sẽ được công nhận sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Để được công nhận sản phẩm OCOP và nhân rộng mô hình này phải xây dựng được cơ chế, chính sách hỗ trợ bài bản, lâu dài. Hội Nông dân xã cần phối hợp các ban, ngành liên quan cùng chính quyền xây dựng chương trình cụ thể cho các địa phương, chủ thể thực hiện. Trong đó, chú trọng hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhất là quảng bá sản phẩm qua các trang thông tin điện tử.
Theo Thanh Mai/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()