Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:16 (GMT +7)
Để Quảng Ninh tiếp tục là hình mẫu của sự đổi mới, phát triển toàn diện của cả nước
Thứ 7, 18/11/2023 | 16:13:59 [GMT +7] A A
Ngày 18/11, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương và Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh: Giá trị lý luận và thực tiễn”. Hội thảo đã nhận được trên 140 bài tham luận của đại biểu là những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia… ở nhiều ngành, lĩnh vực để đánh giá, nhìn nhận và khẳng định cho những tư duy đổi mới, định hướng đúng, trúng và hành động quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh dựa trên 3 trụ cột (thiên nhiên, văn hóa, con người), qua đó đã tạo nên một kỳ tích của sự đột phá trong phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tư duy đúng - hành động quyết liệt
Tham dự hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, tư duy đúng, hành động quyết liệt, đột phá đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cụ thể hóa bằng những cách làm bài bản, khoa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, xác định rõ những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, những “điểm nghẽn” cho sự phát triển của tỉnh.
Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng Khoa CNXH khoa học (Học viện Chính trị Khu vực IV), cho rằng: Ở Quảng Ninh, tư duy đột phá thể hiện năng lực lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu, có tinh thần 6 dám, nhất là dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung của cộng đồng. Đây cũng là một chủ trương lớn của Đảng ta được đưa ra ở Đại hội XIII trong bối cảnh tình trạng cán bộ né tránh trách nhiệm đang diễn ra phổ biến.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó TBT Tạp chí Cộng sản, từ tư duy đúng về mục đích lãnh đạo đã hình thành, nuôi dưỡng khát vọng phát triển và hành động quyết liệt vì sự phát triển của tỉnh trong mối tương quan với cả nước. Nhờ tư duy đúng về mục đích lãnh đạo, nên nhìn tổng thể, cấp ủy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo qua các nhiệm kỳ trong thời kỳ đổi mới ở tỉnh Quảng Ninh đã hình thành, nuôi dưỡng được khát vọng phát triển. Từ khát vọng phát triển này giúp cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ chủ chốt qua các nhiệm kỳ của tỉnh Quảng Ninh vượt qua được những cản trở đối với thay đổi, phát triển xuất phát từ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm cũng như cá nhân chủ nghĩa.
Có thể cho rằng, những đổi mới, sáng tạo có hiệu quả trong lãnh đạo xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất vẫn là khát vọng phát triển của cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ chủ chốt được bắt nguồn từ quan điểm giá trị đúng đắn trong lãnh đạo, đó là tất cả vì lợi ích chung, vì sự phát triển của địa phương. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây, tư duy lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện rất rõ, được thể hiện qua đánh giá, tổng kết cụ thể, đó là “Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển đô thị với phát triển nông thôn; giữa phát triển dịch vụ và công nghiệp; giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại khu vực biên giới trên bộ, trên biển”.
Nhiều đại biểu cho rằng: Nhờ tư duy đổi mới, tỉnh Quảng Ninh xác định được đột phá chiến lược và thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược, gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Để phục vụ việc thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, tỉnh Quảng Ninh còn đề ra nhiều đề án, chương trình, trong đó riêng nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đề ra 15 đề án, chương trình trọng điểm. Nhờ việc xác định đúng trọng tâm, trọng điểm về giải pháp phát triển cũng như thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị của tỉnh Quảng Ninh đã được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện.
Câu chuyện về phát triển hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh đã được nhiều đại biểu tại hội thảo nhắc đến với tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Bài học và kết quả về phát triển hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã từng được Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá có nhiều đột phá, bài bản và trí tuệ, phù hợp với bối cảnh, thực tế đất nước trong giai đoạn đổi mới và phát triển. Nhiều người đã từng đến, sống ở Quảng Ninh những năm bắt đầu đổi mới, đều nhớ thời kỳ đó tỉnh Quảng Ninh giống như một ốc đảo. Muốn đi Bắc Ninh, Hà Nội phải qua phà Phả Lại; sang Hải Phòng phải qua phà Rừng, phà Bính; đi Hải Dương phải qua phà Triều, phà Thông, phà Bình... Khoảng cách với Hải Phòng chỉ 70km, Hải Dương 90km, Hà Nội 160km nhưng thời gian đi mất rất nhiều thời gian. Đây là “điểm nghẽn” đã được tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận và hóa giải bằng tư duy đổi mới, hành động quyết liệt.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công hằng năm và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh Quảng Ninh huy động tổng vốn đầu tư cho các công trình giao thông đạt trên 36.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tham gia vào các dự án khoảng trên 4.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Như vậy, với một đồng ngân sách bỏ ra làm “vốn mồi”, Quảng Ninh đã huy động được 8 - 9 đồng từ khối tư nhân đầu tư vào tỉnh. Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Quảng Ninh đã vươn lên đứng trong tốp các tỉnh phát triển năng động, được Bộ GTVT đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông đồng bộ và phát triển nhanh nhất cả nước.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng khẳng định, không chỉ có đột phá, táo bạo về phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh còn đột phá mạnh mẽ trên nhiều ngành, lĩnh vực khác của đời sống xã hội, như: Bảo vệ môi trường; ứng dụng KHCN; chuyển đổi số; phát triển nông nghiệp sạch; xây dựng đô thị thông minh, nông thôn tiên tiến; phát triển văn hóa. PGS.TS Vũ Văn Hà, Ban Thư ký khoa học Hội đồng lý luận Trung ương, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định: Quảng Ninh còn là tỉnh đi trước một bước so với các tỉnh, thành trong cả nước về phát triển văn hóa. Văn hóa ở Quảng Ninh đã trở thành nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Trong suốt hành trình phát triển, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi và đi tiên phong thử nghiệm những cách làm mới chưa có tiền lệ đầy táo bạo, sáng tạo, mang tính đột phá, giúp tạo nên những kỳ tích phát triển; những thử nghiệm mới này đã cung cấp những luận cứ, luận chứng quan trọng để Trung ương có cơ sở khoa học, thực tiễn quyết sách những chủ trương, chính sách lớn cho sự phát triển chung của đất nước.
Gợi mở những hướng đi mới
Với tư duy, tầm nhìn đột phá và hành động quyết liệt đã giúp Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng kinh tế trên 2 con số ở 8 năm liên tiếp và đứng đầu cả nước 4 chỉ số cải cách hành chính (PCI, Par Index, Sipas, Papi). Phát huy thành quả đạt được và để Quảng Ninh tiến xa, tiến vững chắc trên chặng đường xây dựng và phát triển phía trước, các đại biểu cho rằng: Tỉnh cần thường xuyên thực hiện tổng kết thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm; cùng với đó, trên cơ sở nắm rõ thực tiễn và những xu hướng phát triển trong tương lai, để xây dựng được mục tiêu chiến lược. Trên cơ sở những mục tiêu đề ra và nguồn lực, tiềm lực hiện có, những lợi thế và “điểm nghẽn” mới, tỉnh cần có những cách giải quyết vấn đề mới mẻ, có tính khả thi. Tuy nhiên, để nắm bắt thực tiễn địa phương cũng như xác định mục tiêu rõ, phù hợp thì cần huy động sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân; cần tiếp tục đổi mới công tác cán bộ trong các khâu, đặc biệt là khâu đánh giá phải dựa trên kết quả thực hiện công việc, trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Theo nhiều đại biểu, tỉnh Quảng Ninh cần thiết lập thể chế trọng người tài. “Thể chế trọng người tài” là một tập hợp những nguyên tắc, quy trình và chuẩn mực được sử dụng để phát hiện, tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt thăng tiến, giám sát, đánh giá và thay thế đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhờ thể chế trọng người tài, mọi cá nhân đều bình đẳng về cơ hội làm việc cho khu vực công, không phụ thuộc vào xuất thân, tài sản, địa vị xã hội, đặc quyền, hay các quan hệ cá nhân.
Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đặt trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh hiện nay, để tạo ra được những bước tiến đột phá trong công tác cán bộ, trước hết cần tách bạch 2 nhóm cán bộ: lãnh đạo chính trị; lãnh đạo, quản lý hành chính, công chức và viên chức chuyên môn; tiếp đó là thiết lập thể chế trọng người tài, trong đó cần chú ý một số giải pháp, như: thiết lập quy trình thi tuyển, quy trình đánh giá, chế độ bổ nhiệm và đề bạt thăng tiến.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Bình, Phó trưởng Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Học viện Chính trị Khu vực IV), khi đưa ra một tư duy đột phá và có hành động triển khai cần thường xuyên sơ kết, tổng kết việc thực hiện để xem tư duy đó đã hợp lý chưa, có điểm gì chưa phù hợp để điều chỉnh thường xuyên. Hơn nữa, những thay đổi thường xuyên của bối cảnh mới cũng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh tư duy đột phá, vì vậy cũng phải thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, sơ kết.
Các đại biểu cũng cho rằng, tỉnh Quảng Ninh cần tận dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng, gắn kết phát triển với hệ thống giao thông đối ngoại, nhất là tuyến giao thông với nước bạn Trung Quốc thông qua hệ thống các cặp cửa khẩu đã được thiết lập; hệ thống cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai; hệ thống đường sắt Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đồng thời với đó, cần nhanh chóng xúc tiến, đầu tư hệ thống các cảng biển đã được quy hoạch, như cảng Con Ong - Hòn Nét, góp phần thúc đẩy phát triển các cảng biển, hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đề cập tới việc Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển ngành du lịch, thời gian tới, tỉnh cần ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh. Qua đó, tập trung triển khai dự án chuyển đổi số đồng bộ trong ngành du lịch của tỉnh, mục tiêu hình thành trục liên thông kết nối thông tin quản lý từ Trung ương đến địa phương và cơ sở dịch vụ; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; sàn giao dịch điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ ứng dụng công nghệ, hoàn thiện hạ tầng và đẩy mạnh đầu tư ứng dụng, giải pháp công nghệ thân thiện, dễ sử dụng, mang tính ứng dụng cao để du khách tham gia trên địa bàn tỉnh. Về phía các doanh nghiệp du lịch - lữ hành, cần nắm bắt được xu hướng du lịch để có giải pháp thích ứng, ứng dụng nhiều ý tưởng tiên phong, tạo ra những sản phẩm du lịch số độc đáo, hiệu quả.
Những bài tham luận, chia sẻ của đại biểu tại hội thảo không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương, mà còn đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung cho toàn Đảng và đất nước trong tiến trình đổi mới. Những đánh giá và bài học kinh nghiệm rút ra từ việc khẳng định vai trò của tư duy và hành động đột phá của Quảng Ninh là cơ sở nhận diện, gợi mở những tầm nhìn, tư duy, hành động đột phá mới, căn cứ đưa ra những giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy cho sự phát triển toàn diện, bền vững của Quảng Ninh trong thời gian tới, là nguồn tư liệu quý phục vụ các đơn vị liên quan chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Mạnh Trường
- Kinh nghiệm quý từ thực tiễn phát triển của Quảng Ninh
- Hội thảo khoa học “Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh: Giá trị lý luận và thực tiễn”
- Khai mạc hội thảo “Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh - Giá trị lý luận và thực tiễn”
- Hội thảo “Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh: Giá trị lý luận và thực tiễn”
- Thống nhất công tác tổ chức hội thảo “Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh - Giá trị lý luận và thực tiễn”
- Rà soát công tác chuẩn bị hội thảo “Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh – Giá trị lý luận và thực tiễn”
Liên kết website
Ý kiến ()