Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:36 (GMT +7)
Khẳng định hiệu quả sau sáp nhập thôn, bản, khu phố
Thứ 6, 22/12/2023 | 15:15:28 [GMT +7] A A
Từ chủ trương lớn của Đảng tới sự hợp sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, việc sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, khu phố giai đoạn 2022-2025 tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh còn 1.452 (giảm 91) thôn, bản, khu phố. Các thôn, bản, khu phố sau sắp xếp đều đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo được niềm tin trong nhân dân.
Từ năm 2020, tỉnh Quảng Ninh quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 (ngày 17/12/2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh". Tỉnh đã thực hiện những bước đi bài bản, khoa học, quyết liệt với tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân. Đến nay sau gần 4 năm triển khai đã đạt được những kết quả toàn diện, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên.
Từ thực tiễn hoạt động các địa phương cho thấy, việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, bản, khu phố đã góp phần thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; xây dựng quy mô thôn, bản, khu phố phù hợp với yêu cầu quản lý, năng lực của cán bộ cơ sở; khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt trong tổ chức thôn, bản, nhất là tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời giúp các địa phương huy động, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng kinh tế - xã hội, công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, tránh sự dàn trải, lãng phí đầu tư.
Cơ cấu lại ngành nghề ở nông thôn cũng thuận lợi hơn, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ; tạo điều kiện cho người dân hợp tác sản xuất, dồn điền đổi thửa, tạo chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung.
Quan trọng hơn cả, sáp nhập các thôn, bản, khu phố làm tăng tính tự quản của người dân. Đội ngũ đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội cấp thôn tăng về số lượng, chất lượng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Qua đó các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền tải đến người dân một cách đầy đủ, thuận lợi hơn, tạo điều kiện để triển khai sôi nổi, sâu rộng các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, góp phần hoàn thành thắng lợi các các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Xã Tân Bình (huyện Đầm Hà) thực hiện sáp nhập thôn Đông Sơn và thôn Tân Việt thành thôn Cái Giá. Sau khi sáp nhập, thôn Cái Giá có diện tích tự nhiên 1.000ha (đất nông nghiệp 680ha, đất ở 55ha...), tổng số 162 hộ/546 nhân khẩu. Các vị trí làm việc được tinh giản, nhiệm vụ cán bộ thôn nhiều hơn, vất vả hơn. Qua thời gian hoạt động, cán bộ thôn đều nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phát huy rất tốt vai trò lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở. Thôn rộng hơn, dân cư nhiều hơn, đồng nghĩa với tinh thần quyết tâm, phấn đấu cũng nhiều hơn trên hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng địa phương ngày càng phát triển, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và căn cứ Nghị quyết số 35/2023/NQ- UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030", mới đây tại cuộc họp bàn về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, trên cơ sở bám sát các văn bản chỉ đạo, quy định của Trung ương, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng, hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Dự kiến giai đoạn 2023-2025 Quảng Ninh có 10 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập. Cụ thể, sáp nhập xã Minh Cầm và xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ); xã Cẩm Hải và xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả); xã Tân Việt và xã Việt Dân, phường Đông Triều và phường Đức Chính (TX Đông Triều); phường Hòa Lạc và phường Trần Phú (TP Móng Cái). Với phương án này, tỉnh sẽ giảm từ 177 đơn vị cấp xã còn 172 xã, phường, thị trấn.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính nhằm tổ chức lại không gian phát triển, tạo điều kiện để khai thác tối đa, hiệu quả các nguồn lực, nhất là về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa và nâng cao chất lượng cuộc sống, điều kiện phát triển kinh tế của người dân. Phương án sắp xếp phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương; gắn sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()