Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:31 (GMT +7)
Khẳng định hiệu quả mô hình "Dân tin - Đảng cử"
Thứ 6, 08/01/2021 | 08:49:07 [GMT +7] A A
Mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) ở Quảng Ninh đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng khu dân cư; hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ cơ sở. Để có sự thành công này, quá trình triển khai, tỉnh đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập, tồn tại, có lộ trình thực hiện, không nóng vội.
Cử tri khu phố 5 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) bỏ phiếu bầu Trưởng khu nhiệm kỳ 2020-2022. Ảnh: Thu Chung |
Yêu cầu từ thực tiễn
Năm 2016, toàn tỉnh có 186 xã, phường, thị trấn; 1.542 thôn, bản, khu phố, nhưng chỉ có 32,8% số trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên; chỉ có 336 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố). Do đó, vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cấp thôn nhiều nơi còn hạn chế; trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn của một số bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa đáp ứng yêu cầu. Đối với những nơi trưởng thôn, bản, khu phố chưa là đảng viên, vai trò lãnh đạo của chi bộ chưa thực sự rõ nét, thiếu hiệu quả...
Với quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật”, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã sớm xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25); đồng thời, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 3/3/2015). Nghị quyết đã chỉ rõ những yếu kém, bất cập của đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng thời đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục.
Từ thực tiễn đó, ngày 28/12/2016, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020”. Trong đó đặt ra mục tiêu 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố), với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức “Dân có tin rồi Đảng mới cử”. Cụ thể là, chọn những đảng viên vừa được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn (bản, khu phố) để giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ.
Cấp ủy các cấp đã chủ động kết nạp vào Đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với nhân dân, có khả năng làm trưởng thôn, bản, khu phố; đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn, bản, khu phố và đội ngũ đảng viên trong chi bộ, để lựa chọn nhân sự phù hợp, nhất là với các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn, bản, khu phố, sau đó cấp ủy giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ; các bước giới thiệu nhân sự trưởng thôn, bản, khu phố đều được thông qua ban công tác mặt trận để đàm thoại, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đảng viên.
Sau khi hoàn thành việc bầu bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố), tỉnh quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này để bảo đảm hiệu quả công việc. Các đảng ủy xã, phường, thị trấn phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách các chi bộ; thường xuyên tổ chức giao ban với các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố); yêu cầu các chi bộ xây dựng quy chế làm việc, trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu. Các địa phương tăng cường việc giám sát và phản biện xã hội của nhân dân thông qua MTTQ cùng các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm tránh sự độc đoán, chuyên quyền, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đến năm 2018, tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) trong toàn tỉnh đạt 98,53%. Đến nhiệm kỳ 2020-2022, Tỉnh ủy chỉ đạo đồng loạt thực hiện bầu trưởng thôn, bản, khu phố toàn tỉnh vào ngày 5/1/2020; sau đó đồng loạt tổ chức đại hội chi bộ thôn, bản, khu phố để bầu bí thư chi bộ vào ngày 18/1/2020, hoàn thành mục tiêu 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố)…
Nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng
Đây là một giải pháp nhằm cụ thể hóa một cách sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ tạo ra đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, ngày hội của toàn dân, mà quan trọng hơn là nhằm thúc đẩy, làm tốt hơn nữa việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, đã khẳng định quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử” trong thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn.
Các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, góp phần củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Qua đó, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; chỉ số lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân với Đảng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017, 85,1% năm 2018, trên 96% năm 2019. Công tác phát triển đảng viên được đặc biệt quan tâm, nhất là ở thôn, bản, khu phố có ít đảng viên, trong 3 năm gần đây đã có hơn 2.500 đảng viên được các chi bộ thôn, bản, khu phố kết nạp mới.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Bí thư Đảng ủy xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Xuân Thao |
Cũng từ mô hình này, công tác vận động nhân dân có chuyển biến rõ nét, nhân dân đồng thuận, ủng hộ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Quảng Ninh 3 năm liền (2017-2019) dẫn đầu về chỉ số PCI; đứng đầu bảng xếp hạng các chỉ số Par Index, SIPAS; đứng thứ 3 toàn quốc về chỉ số PAPI (năm 2016 còn xếp vị trí 62/63 tỉnh, thành trong nước), chỉ số ICT năm 2019. Kết quả này phản ánh niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với hệ thống chính trị của tỉnh nói chung, hệ thống chính trị ở cơ sở nói riêng, trong đó có đội ngũ trực tiếp, sâu sát nhất với người dân là bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố).
Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, các thôn, bản, khu phố đã xây dựng mô hình “Tổ công tác tự quản”, trong đó các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn (bản, khu phố) có vai trò nòng cốt, đã góp phần quan trọng phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh từ cơ sở, có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả đúng theo chỉ đạo của trung ương, của tỉnh. Vì vậy, mặc dù là địa bàn biên giới, có cửa khẩu quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; là trọng điểm du lịch, với mức độ giao thương lớn; là địa bàn chịu áp lực trực tiếp trên tuyến đầu, song đến nay tỉnh vẫn giữ vững là địa bàn an toàn, chưa để nảy sinh dịch trong cộng đồng, hoàn thành “mục tiêu kép” vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đại hội đảng bộ các cấp hoàn thành đúng tiến độ.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()