Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:40 (GMT +7)
Khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động tháo dỡ bè nuôi thủy sản
Thứ 6, 07/04/2023 | 10:32:53 [GMT +7] A A
Từ đầu tháng 3/2023, các địa phương gồm: TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn và TX Quảng Yên đã quyết liệt triển khai xử lý các hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Tuy nhiên, trong quá trình tháo dỡ, di dời các lồng bè, các địa phương không thực hiện các biện pháp kiểm soát, thu gom chất thải phát sinh dẫn đến tình trạng phát tán nhiều rác thải, phao xốp, gây sự cố môi trường khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Quảng Ninh, du lịch Hạ Long.
Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 15/3/2023, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có văn bản số 163/BQLVHL-NVNC gửi các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, giám sát công tác thu hồi vật tư, rác thải phát sinh trong quá trình tháo dỡ, di dời lồng, bè nuôi trồng thủy sản để không làm phát sinh chất thải ảnh hưởng tới vịnh Hạ Long. Đồng thời Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng đã tổ chức ra quân huy động lực lượng của Ban, Chi hội tàu du lịch và các tổ chức cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh cùng chung tay thu gom rác thải, phao xốp trên vịnh Hạ Long. Tuy nhiên tình trạng này không được cải thiện vì lượng rác từ các địa phương vẫn không được kiểm soát, thu gom từ nguồn, rác thải chủ yếu là phao xốp và bè mảng nuôi trồng theo dòng chảy từ các khu vực thuộc Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn đổ về vịnh Hạ Long ngày càng nhiều với số lượng lớn, đặc biệt tại các tuyến, điểm tham quan.
Tình trạng rác thải trôi nổi tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long không những gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông đường thủy mà còn gây bức xúc cho khách du lịch, ảnh hưởng đến uy tín của khu Di sản. Ngày 15/3/2023, Trung tâm Di sản thế giới đã có văn bản gửi quốc gia thành viên Việt Nam phản hồi về hiện trạng bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, trong đó gửi kèm thư của khách du lịch quốc tế phản ánh tình trạng rác thải trôi nổi quá nhiều trên vịnh làm ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm chuyến du lịch của họ.
Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, thời gian qua, các địa phương của Quảng Ninh đã huy động nhân lực, phương tiện, ra quân kiểm soát, xử lý nghiêm những hộ nuôi trồng thủy sản tự phát, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông đường thủy. Nhiều hộ đã tự nguyện tháo dỡ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép. Tuy nhiên, trong quá trình tháo dỡ đã làm gia tăng rác thải, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo vệ tuyệt đối của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên khẩn trương và nghiêm túc triển khai các giải pháp: Kiểm soát hiệu quả lượng rác thải phát sinh trong quá trình thực hiện tháo dỡ, di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản và kiểm soát nguồn rác thải tại khu vực ven bờ thuộc địa phương quản lý, không để phát sinh rác thải ra ngoài môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các chủ bè và ngư dân làm phát tán vật tư, phao xốp, bè nuôi trồng thủy sản ra môi trường, ảnh hưởng tới vịnh Hạ Long. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đề nghị các địa phương tổ chức huy động lực lượng, phương tiện đảm bảo thu gom triệt để các vật tư, rác thải, phao xốp từ các hoạt động phá dỡ, di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép để không ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long.
Đáng mừng là ngày 4/4/2023, UBND TP Hạ Long đã ban hành văn bản số 150/KH-UBND triển khai đợt cao điểm về công tác bảo vệ môi trường biển, thời gian thực hiện từ ngày 4-20/4/2023. Đợt cao điểm huy động sự tham gia của các lực lượng Công an, Quân đội, thanh niên xung kích, người dân vào công tác bảo vệ môi trường biển, trong đó có việc thu gom rác thải, phao xốp trên vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ, đôn đốc, giám sát các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải; tranh thủ các nguồn lực để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường; đề xuất ý tưởng, ý kiến về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đang tiếp tục huy động các lực lượng tham gia thu gom, xử lý rác thải trên Vịnh. Các địa phương khác cũng đang có kế hoạch kiểm soát và thu gom vật tư, rác thải, phao xốp từ các hoạt động phá dỡ, di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép để nhanh chóng trả lại cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()