Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:34 (GMT +7)
Khẩn trương ban hành chương trình phòng chống dịch, chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em, mở cửa trường học, du lịch sớm nhất có thể
Thứ 5, 27/01/2022 | 14:31:48 [GMT +7] A A
Kết luận cuộc họp sáng 27/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch; tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa xuân năm 2022; công bố lộ trình cụ thể mở cửa trường học, du lịch trong thời gian sớm nhất. Trong tháng 2, Chính phủ sẽ ban hành, triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Sáng ngày 27/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Thực hiện "đa mục tiêu" trong năm 2022
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đa số các ý kiến đều đồng tình với báo cáo của Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và bổ sung nhiều ý kiến phong phú, sâu sắc, sát tình hình. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chắt lọc, tiếp thu các ý kiến để đưa vào kết luận cuộc họp, ban hành càng sớm càng tốt để các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Do dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động bình thường của xã hội đang từng bước trở lại, kinh tế phục hồi và phát triển rất rõ nét. Chúng ta đang thúc đẩy thực hiện "đa mục tiêu" trong năm 2022, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương, nghị quyết của HĐND các cấp. Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, bạn bè quốc tế, các nhà đầu tư tin tưởng vào Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống dịch, phát triển kinh tế xã hội.
Đánh giá chung, các ý kiến tiếp tục khẳng định tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, số ca nhiễm dao động quanh khoảng 15.000 ca mỗi ngày, nhưng số ca chuyển nặng giảm rõ và đặc biệt số ca tử vong giảm rất sâu, từ khoảng 2,4% tổng số nhiễm giảm xuống còn khoảng 1,2% sau khi triển khai mạnh mẽ công tác tiêm chủng và chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Nguyên nhân của những kết quả nói trên là có sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Nguyên nhân khác là sau hai năm phòng chống dịch, chúng ta đã sơ kết, đúc rút được các bài học, tham khảo kinh nghiệm thế giới, dần hoàn thiện lý thuyết, phòng chống dịch, bình tĩnh, tự tin thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Đặc biệt, chúng ta thực hiện quyết liệt, hiệu quả chiến lược vaccine với việc thành lập Quỹ vaccine, triển khai ngoại giao vaccine, tổ chức chiến dịch tiêm chủng thần tốc.
Thời gian tới, tình hình được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, chủng Omicron lây lan rất nhanh và có thể xuất hiện các chủng mới. Thủ tướng nhấn mạnh, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải bám sát tình hình, dự báo tốt nhất để có mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, giải pháp, phương án, kịch bản phù hợp, luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng, tích cực ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra một cách khoa học, kịp thời, hợp lý, hiệu quả.
Chúng ta tiếp tục thực hiện "đa mục tiêu" theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ban, bộ ngành, địa phương; trong đó, mục tiêu y tế là giảm tối đa tử vong, giảm ca chuyển nặng, bảo vệ tối đa tính mạng, sức khỏe người dân, không để bị động, lúng túng, bất ngờ nếu xuất hiện các chủng mới.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các nguyên lý, phương châm, công thức phòng chống dịch. Đặc biệt, tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa xuân năm 2022 theo tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa". Thực tiễn cho thấy những nơi đã bao phủ đủ 3 mũi thì cơ bản rất an toàn, số ca chuyển nặng, tử vong chủ yếu là người chưa tiêm vaccine, người già, có bệnh nền. Thủ tướng lưu ý phải nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, thận trọng trong việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
"Nếu thiếu vaccine thì Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm, đủ vaccine mà tiêm không đạt mục tiêu tiêm chủng thì Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương phải chịu trách nhiệm", Thủ tướng nhắc lại.
Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung vaccine theo tinh thần nhanh nhất về mặt thủ tục hành chính nhưng bảo đảm các yêu cầu về mặt khoa học, chuyên môn. Bộ Y tế chủ động công bố, cho phép nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị trong nước bảo đảm công khai, minh bạch, chống đầu cơ, tiêu cực.
Bộ Y tế tiếp tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy trình, phác đồ, theo dõi y tế, chăm sóc, điều trị tại nhà đối với các trường hợp F0, các ca bệnh nhẹ, các trường hợp tiếp xúc gần… Ngành y tế phải bảo đảm đồng thời các nhiệm vụ thường xuyên, công việc khám, chữa bệnh, cấp cứu các bệnh khác cho nhân dân trong dịp Tết.
Về mở cửa trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai, minh bạch lộ trình ngày tháng mở cửa cụ thể, điều kiện, công việc cần làm, diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm COVID trong trường học, tinh thần là mở cửa sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn, hiệu quả, giảm thiểu tối đa sự lo lắng của phụ huynh, học sinh. Liên quan vấn đề này, trong tháng 2, Chính phủ sẽ ban hành, triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan công bố lộ trình mở cửa du lịch sớm nhất có thể, không để lỡ cơ hội phát triển, bảo đảm tính tổng thể, liên thông, thống nhất, nhất quán với hoạt động giao thông vận tải trong mọi loại hình (đường bộ, đường thủy, hàng không), bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cách làm thống nhất trong quản lý xuất nhập cảnh.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì công tác bảo đảm an sinh xã hội, tinh thần là không để ai không có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau, tổ chức cho nhân dân đón Tết an toàn, nghĩa tình, vui tươi, tiết kiệm.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân; các bộ, cơ quan phối hợp với các địa phương tổ chức cho người dân về quê đón Tết an toàn và trở lại nơi làm việc kịp thời.
Bộ Công Thương bảo đảm oxy chữa bệnh, năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng, các hàng hóa thiết yếu, tránh đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng tới nền kinh tế và nhất là tới đời sống người dân trong dịp Tết; phối hợp với các cơ quan tiếp tục thúc đẩy giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại biên giới, đồng thời triển khai các giải pháp căn cơ, lâu dài, xuất khẩu phải an toàn, an toàn để xuất khẩu.
Bộ Giao thông vận tải không để ách tắc giao thông với quy định thống nhất trên toàn quốc. Thủ tướng một lần nữa yêu cầu các địa phương không được ban hành quy định riêng về phòng chống dịch, nếu ban hành, áp dụng quy định khác thì phải báo cáo cấp trên một cấp.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội hóa cho công tác an sinh xã hội và phòng chống dịch; Ban Dân vận các cấp, Mặt trận Tổ quốc nắm chắc tình hình nhân dân, tiếp nhận các ý kiến về phòng chống dịch, đi lại, an sinh xã hội… để xử lý, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo các cơ chế đã có, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn về công tác đấu thầu, mua sắm phục vụ phòng chống dịch, bảo đảm công khai minh bạch theo yêu cầu của pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong phòng chống dịch, Bộ Công an mở rộng điều tra tích cực hơn nữa vụ Việt Á để sớm đưa ra xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng sự thật, phân tích, đánh giá khách quan, không gây hoang mang, lo sợ cho người dân; đấu tranh tích cực, hiệu quả với các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, sai sự thật.
Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo các cấp ứng trực 24/24 trong dịp Tết để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Từ ngày 29/01, bắt đầu chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 166 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 6 trường hợp phát hiện trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (5), Hà Nội (1) và 160 trường hợp nhập cảnh từ 22 quốc gia trên 49 chuyến bay và qua 01 cửa khẩu đường bộ (Mộc Bài - Tây Ninh). Các hành khách đi cùng đã được cách ly, theo dõi, quản lý ngay khi nhập cảnh, sức khỏe ổn định.
So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 4,1%, số tử vong giảm 13,8%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 7,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 13,9%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 21,2%, số ca tử vong giảm 7,5%, số ca khỏi bệnh tăng 6,2%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 3,4%, số ca nặng, nguy kịch giảm 11,6%. So sánh giữa tháng 01/2022 và tháng 12/2021, số ca tử vong/100.000 dân của tháng 01/2022 ghi nhận là 5 ca (giảm 2 ca so với tháng trước).
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).
Các ý kiến tại cuộc họp nhận định, thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện "đa mục tiêu" nhất là phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; chỉ đạo thúc đẩy toàn diện các hoạt động kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới…
Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch COVID-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được tăng cường. Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định 4800/QĐ-BYT phù hợp với tình hình mới.
Tính đến ngày 26/1, nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 tương ứng gần 100%, 95,7% và 22,3% ; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỉ lệ 95,2% và 86%.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch, tổ chức hiệu quả phân luồng, phân tuyến điều trị; bảo đảm hoạt động hiệu quả của các bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19 trong dịp Tết; xây dựng phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị và bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu để sẵn sàng đáp ứng chống dịch và đảm bảo công tác điều trị dịp Tết Nguyên đán 2022.
Hiện tại vấn đề cung ứng oxy để cứu chữa người bệnh COVID-19 đang tạm thời ổn định với 12 nhà máy sản xuất oxy trên cả 3 miền có thể cung cấp bình quân khoảng 1.147 tấn/ngày và tối đa khoảng 1.400 tấn/ngày.
Các địa phương cho biết sẽ giảm quy mô hoặc tạm dừng tổ chức nhiều sự kiện trong dịp Tết, không tổ chức bắn pháo hoa; có phương án đảm bảo phòng, chống dịch và đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động, khách tham quan, du lịch… tại các địa điểm công cộng. Đặc biệt, từ ngày 29/01/2022 đến hết ngày 28/02/2022, sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết tới nay, 100% các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch đưa học sinh trung học trở lại trường học trực tiếp chậm nhất là ngày 14/2, nhưng mới có 51% địa phương có kế hoạch với trẻ mầm non và 53% có kế hoạch với cấp tiểu học. Bộ trưởng đề nghị cần tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, trong đó cần lưu ý đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận cao nhất giữa nhà trường và phụ huynh, nhất là với học sinh tiểu học và mầm non. Tinh thần chung là cần mạnh mẽ và cương quyết hơn trong việc đưa học sinh mầm non và tiểu học trở lại trường.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết các hoạt động vận tải đã trở lại gần như bình thường, hoạt động hàng không nội địa đạt khoảng 80% chuyến bay so với dịp Tết các năm. Bộ trưởng cho rằng, với tỷ lệ tiêm vaccine cao, chúng ta có thể yên tâm mở cửa trở lại và việc mở lại các hoạt động vận tải có vai trò quyết định với phục hồi và phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết với tiến độ hiện nay, từ nay tới Tết, có thể giải phóng được hết lượng hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu Lạng Sơn và Quảng Ninh. Các cơ quan đã có khuyến cáo về việc chưa tiếp tục đưa hàng lên các cửa khẩu, nhưng khi tình hình có chuyển biến, một số thương nhân lại đưa thêm hàng hóa lên đây, ông Đỗ Thắng Hải đề nghị tiếp tục tuyên truyền, vận động về nội dung này, cùng với việc triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()