Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:58 (GMT +7)
Khám phá những cột đá bí ẩn nghìn năm tuổi ở Việt Nam
Thứ 3, 03/05/2022 | 08:50:28 [GMT +7] A A
Những bức điêu khắc trên cột đá có niên đại nghìn năm tuổi đến nay vẫn còn nguyên vẹn, là minh chứng cho sự khéo léo, ẩn chứa nhiều thông điệp của người Việt xưa truyền lại.
Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình) là một trong những hiện vật bằng đá quý hiếm, có một không hai ở Việt Nam. Những nghiên cứu cho thấy, cột kinh Phật ở chùa Nhất Trụ được vua Lê Đại Hành cho dựng vào năm 995.
Cột có chiều cao 4,16m; nặng 4,5 tấn. Lắp ghép từ 6 bộ phận khác nhau bao gồm: Tảng vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu bát giác và đỉnh hoa sen. Các bộ phận của cột kinh Phật được gắn chặt với nhau bằng mộng (khớp kết nối) mà không cần sử dụng chất kết dính. Trong ảnh là bộ phận đấu bát giác và đỉnh hoa sen.
Bộ phận tảng vuông và đế tròn ở dưới cùng của cột kinh Phật.
Chùa Nhất Trụ là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Tiền Lê với nhiều kiến trúc độc đáo. Chùa nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, cách đền thờ vua Lê Đại Hành khoảng 100m.
Trên tám mặt của cột kinh Phật đều được khắc chữ Hán, ước có khoảng 2.500 chữ. Tuy nhiên, hiện nay những chữ Hán trên nửa thân dưới của cây cột không còn nguyên vẹn. Phần trên cột còn chữ những cũng không đầy đủ, có chỗ rõ chỗ bị mờ rất khó đọc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những chữ Hán trên cột đá này là phần văn tự về lạc khoản, kệ kinh nên cột được gọi là cột kinh Phật.
Phần thân bát giác đã có hiện tượng bị nứt vỡ, phần lớn nét chữ không còn đọc được.
Vua Lê Đại Hành dựng cột kinh Phật để cầu mong quốc thái dân an, triều đình vững mạnh. Văn bản trên cột là nội dung những bài kinh Phật cổ. Tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận cột kinh phật chùa Nhất Trụ là Bảo vật quốc gia.
Trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có một cột đá khác, được gọi là cột Tứ Kỳ, niên đại 1666 - thời Lê Trung Hưng.
Cột đá được dựng vào năm thứ 4 niên hiệu Cảnh Trị, đời vua Lê Huyền Tông (1666) tại thôn Tứ Kỳ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Văn bản điêu khắc trên cột là bài minh ca ngợi triều Lê và văn khế cung tiến ruộng đất làm của cho hậu thần.
Bài minh do Nguyễn Hoàng Xưởng (chức Tiểu Công Lang lĩnh chức Tư vụ ở Bộ Lại, người trong làng) soạn, có đoạn ghi rõ việc cắt đất, ao, ruộng để thôn giữ làm của riêng và hàng năm phụng thờ, cúng tế. Nội dung bài văn trên thể hiện sự quan tâm rất lớn của triều đình đối với đời sống tinh thần của mỗi làng xã thời kỳ này.
Đây thực chất là hình tượng một cây hương được cấu tạo bởi hai phần: Phần cột trụ và phần bệ cột được trang trí rồng, lân, hoa cúc, hoa sen.
Toàn bộ cột Tứ Kỳ được chạm khắc dày đặc, đường nét sắc sảo thể hiện tay nghề điêu luyện của người thợ xưa. Trong ảnh là phần đế cột.
Hình muông thú, hoa lá ở phía trên đài sen.
Cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh) nằm trên khu đất rộng, một mặt tựa núi Đại Lãm, một mặt hướng về phía Đông bao quát cả một không gian rộng lớn. Cột chạm hình rồng được xác định có niên đại vào thế kỷ XI, mang đậm dấu ấn điêu khắc thời Lý. Do có giá trị nghệ thuật đỉnh cao, cột đá đã được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2017.
Đôi rồng có đầu vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Hình dáng rồng giống dạng rồng rắn thời Lý với mào bốc lửa, bờm thành búi như cờ đuôi nheo bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc thoăn thoắt, chân chim năm móng.
Đầu rồng thể hiện rất rõ đang ngậm ngọc.
Chiều cao tổng thể hơn 5m (không tính phần chôn chìm trong lòng đất), nặng 40 tấn, được đặt tại cấp nền thứ hai bên trái chùa Dạm. Cấu trúc cột làm hai thớt khối, khối gốc như hộp vuông tiết diện, cạnh 1,4m và 1,6m. Khối hình trụ đặt ở trên khối vuông, đường kính khoảng 1,3m. Đoạn dưới phần trụ tròn này chạm nổi đôi rồng phong cách thời Lý.
Do không còn nguyên bản nên cây cột đá linh thiêng này còn là điều bí ẩn, hấp dẫn khiến rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cố gắng làm sáng tỏ về ý nghĩa thực sự của nó.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()