Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:31 (GMT +7)
Khám phá đáy biển Hòn Mun
Thứ 6, 11/06/2021 | 11:02:08 [GMT +7] A A
Nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung ghi lại vẻ đẹp sự sống của rạn san hô và các sinh vật dưới vùng biển Hòn Mun, Nha Trang.
Bộ ảnh dưới đáy Hòn Mun này là thành quả của nhiếp ảnh gia quê TP HCM, Phạm Huy Trung (1979) chụp trong các lần lặn biển năm 2020 - 2021 tại vùng biển Hòn Mun thuộc khu bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Khu bảo tồn biển Hòn Mun được thành lập năm 2001, có diện tích khoảng 160 km2, bao gồm khoảng 38 km2 mặt đất và khoảng 122 km2 vùng nước xung quanh 9 đảo: Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm và Hòn Ngọc.
Ngoài việc tham quan đảo Hòn Mun, nhiều du khách đến Hòn Mun để trải nghiệm dịch vụ lặn biển, đi tàu đáy kính, nhảy dù… Du khách tới đây tham quan được yêu cầu không mang nước uống đóng chai nhựa, túi nilon và rác thải nhựa dùng một lần để bảo vệ hệ sinh thái biển
Sắc màu rạn san hô dưới đáy biển Hòn Mun. Khu bảo tồn biển này đa dạng hệ sinh thái, từ san hô, thảm cỏ biển, cho tới rừng ngập mặn, vùng đáy mềm hoặc vách đá, trong đó san hô cứng được ghi nhận tập trung nhiều ở Hòn Mun.
Theo các tài liệu được công bố, rạn san hô Hòn Mun có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam, với khoảng 1.500 loài sinh vật, gồm 350 loài san hô trong số 2.000 loài san hô và sinh vật biển trên toàn thế giới.
Ngoài san hô, sự sống vùng biển Hòn Mun có hơn 250 loài cá rạn, 112 loài thân mềm, 122 loài giáp xác, 27 loài da gai, 69 loài rong và cỏ biển, trong đó có loài cua ẩn sĩ mượn vỏ ốc để làm nơi cư ngụ.
Anh Trung cho biết để chụp được sự sống dưới biển anh phải học khóa lặn căn bản 18 m trong 3 ngày ở một trung tâm lặn biển chuyên nghiệp Travel&Diving tại Nha Trang thuộc PADI - Hiệp hội Lặn biển quốc tế.
Theo PADI, nhằm tránh những rủi ro và các ảnh hưởng bất lợi đến rạn san hô Hòn Mun, du khách lặn buộc phải có chứng chỉ và trong quá trình lặn luôn có chuyên gia của PADI giám sát, theo dõi từ trên bờ xuống dưới nước.
Mùa lặn biển thích hợp tại Hòn Mun từ tháng 3 đến 7 hàng nằm năm do điều kiện thuận lợi là biển ít sóng. Nằm cách cảng Cầu Đá khoảng 10 km, rạn san hô Hòn Mun đã trở thành điểm lặn có sức thu hút của Việt Nam và quốc tế, đặc biệt là loại hình lặn bình khí (scuba diving).
“Chỉ cần lặn tại độ sâu đến 10 m là chiêm ngưỡng được cảnh quan tuyệt vời của chốn thủy cung Hòn Mun, từ các rạn san hô cho tới các sinh vật biển muôn hình muôn vẻ”, anh Trung nói.
Các loài cá sống ở vùng rạn san hô thường có màu sắc sặc sỡ đến độ mê hoặc, nhưng cũng có một số loài phát triển gai để tự vệ và thách thức kẻ thù, như loài cá sư tử (hình). Những vây ngực lớn của loài cá này giống như những chiếc cánh trên lưng, chìa ra các gai độc và dài, chậm rãi bơi gần đến con mồi đang ngẩn ngơ và dùng gai đâm vào chúng.
Trong quá trình lặn, nếu tinh mắt thì bắt gặp được những sinh vật có hình dạng kỳ diệu, chẳng hạn như loài sâu biển có bề ngoài giống cây thông Noel này.
Anh Trung chia sẻ, để có một bức ảnh chụp dưới biển đẹp, chân thực cần kỹ năng lặn, máy ảnh tốt, bộ thiết bị chống nước, ống kính chuyên dụng chụp toàn cảnh hoặc macro và đèn chiếu sáng chuyên dụng do ánh sáng dưới biển yếu khi lặn xuống sâu.
Ngoài ra, nhiếp ảnh gia còn chú ý: "Chụp cảnh vật dưới biển không dễ, người lặn phải cân bằng dưới nước tốt mới điều chỉnh cơ thể và canh được góc chụp đẹp".
Một dạng sinh vật biển độc đáo có phần đuôi tỏa tròn màu xanh. Nó được tạo ra bằng chiếc ống bằng da bao quanh thân mình và giương chiếc đuôi đó trong dòng nước để lọc lấy thức ăn là các sinh vật trôi nổi trong nước.
Một loài hải quỳ sống bám vào nền đá rạn. Hải quỳ thuộc ngành ruột khoang, giương rất nhiều xúc tu để bắt các loài cá và giáp xác nhỏ. Trên các xúc tu tiết ra chất độc để giết con mồi.
Dạng sống cộng sinh, hai bên cùng có lợi như trường hợp của loài cá hề tránh được động vật săn mồi khi sống giữa các xúc tu của hải quỳ. Trên cơ thể của cá hề được phủ một lớp niêm dịch bảo vệ, do đó nó không bị ảnh hưởng bởi nọc độc của hải quỳ, ngược lại hải quỳ lại nhận được phần thức ăn thừa bỏ lại từ cá hề.
Lặn “biển bạc” Hòn Mun bạn còn bắt gặp cảnh cộng sinh tương tự của loài tôm trong suốt và hải quỳ. Con tôm ẩn mình an toàn khi ngụy trang cơ thể giữa cụm hải quỳ có màu trắng sữa, bù lại hải quỳ có thể hưởng lợi từ thức ăn rơi vãi của tôm.
Tôm nhỏ và san hô bong bóng (bubble coral) có hình dạng như quả trứng.
“Khi bơi ngang qua khóm san hô bong bóng này, quan sát kỹ thì thấy chú tôm bé nhỏ và khá nhát, đang ẩn mình bên trong. Một chút kiên nhẫn chờ đợi, con tôm thân thiện và bò ra để tôi lấy nét”, anh Trung nói.
Nhiếp ảnh gia chia sẻ khi lặn biển Hòn Mun ở độ sâu 8-12 m, ngoài các sinh vật trên thì còn thấy nhiều cảnh kỳ thú và đa dạng khác, như cá mú nặng 7-8 kg, cá chình dài 3-4 m hay những đàn cá cơm khổng lồ lượn qua người.
Nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung vốn có tiếng với ảnh phong cảnh chụp từ trên cao. Trước đó anh từng đạt nhiều thành tích về nhiếp ảnh cả trong nước và quốc tế như giải nhất ảnh chụp trên cao tại cuộc thi Skypixel 2017, giải nhất mục ảnh quốc gia Việt Nam tại cuộc thi ảnh Sony năm 2018, gần đây là giải nhất mục ảnh trên cao tại cuộc thi 35AWARDS 2020.
Năm 2020, anh Trung bắt đầu chinh phục thể loại ảnh khó hơn là chụp dưới biển kết hợp các chuyến khám phá biển Hòn Mun (Khánh Hòa), Hòn Yến (Phú Yên), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo VnEpress
Liên kết website
Ý kiến ()