Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:46 (GMT +7)
Khám phá 7 Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia của thành phố Đà Nẵng
Chủ nhật, 06/10/2024 | 14:36:24 [GMT +7] A A
Hiện nay, 7 Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn Đà Nẵng được thành phố rất quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị.
Di sản Văn hóa phi vật thể được xem là tài nguyên vô cùng quý giá của mỗi quốc gia, vùng miền, có sức hấp dẫn đặc biệt để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Hiện, Đà Nẵng có 7 Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia được thành phố rất quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản gồm nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, nghề đá Non nước Ngũ Hành Sơn, nghề làm nước mắm Nam Ô, Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng, nghệ thuật bài Chòi, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, nghề làm bánh tráng Túy Loan.
Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng
Tuồng xứ Quảng (Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi), xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18.
Một vở Tuồng được diễn trước công chúng là sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật như: kịch bản, âm nhạc, múa, nghệ thuật hóa trang, phục trang.
Kịch bản Tuồng có thể chia làm 4 loại: Tuồng cổ, Tuồng hàn lâm - Tuồng cung đình, Tuồng dân gian và Tuồng hài. Cấu trúc kịch bản Tuồng được chia thành nhiều hồi, mỗi hồi có nhiều lớp.
Nghệ thuật hóa trang chính là điểm nổi bật, gây ấn tượng của Tuồng với 3 màu chủ đạo: trắng, đen, đỏ. Qua thủ pháp “tạo khối” được sử dụng để thể hiện hình tượng nhân vật dựa trên màu vẽ khuôn mặt, các đường nét có thể nhận biết đó là nhân vật trung hay gian, thiện hay ác.
Đề tài, nội dung tư tưởng của Tuồng mang đặc trưng thẩm mỹ bi hùng, với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc.
Cùng với những đặc điểm chung của nghệ thuật Tuồng Việt Nam, Tuồng xứ Quảng còn có những đặc trưng riêng với những tên tuổi nổi danh như: Nguyễn Hiển Dĩnh, Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai.
Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia năm 2015 với những giá trị sở hữu rất độc đáo.
Nghề đá Non nước Ngũ Hành Sơn
Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước có một lịch sử lâu đời, bắt đầu từ thế kỷ 17. Khi đó, những nghệ nhân tài hoa từ Thanh Hóa đã di cư vào vùng đất này, mang theo kỹ thuật chế tác đá tinh xảo. Ban đầu, người dân chỉ khai thác đá để làm các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như cối xay, cối giã gạo, và các công cụ lao động khác. Những sản phẩm này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tự cung tự cấp của cộng đồng địa phương.
Theo thời gian, với sự phát triển và giao thoa văn hóa, làng nghề Non Nước bắt đầu tạo ra những sản phẩm đá mỹ nghệ phong phú và tinh xảo hơn. Những tác phẩm đá không chỉ là các vật dụng thông thường mà còn là những bức tượng, phù điêu, và các đồ trang trí mang giá trị nghệ thuật cao.
Các nghệ nhân làng Non Nước đã kết hợp kỹ thuật truyền thống với sự sáng tạo không ngừng để tạo ra những sản phẩm đa dạng về hình dáng, phong phú về hoa văn, và tinh tế trong từng chi tiết.
Các sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đang rất được ưa chuộng và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu.
Ngày nay, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước không chỉ là một địa điểm sản xuất mà còn là một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi Vật thể cấp Quốc gia năm 2014.
Nghề làm nước mắm Nam Ô
Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) là làng nghề truyền thống nức tiếng lâu đời của địa phương, tương truyền thời xưa là sản phẩm được dùng để tiến Vua.
Làng nghề đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Phi Vật thể Quốc gia vào tháng 8/2019 và được thành phố Đà Nẵng định hướng phát triển sản phẩm truyền thống gắn với du lịch cộng đồng.
Theo lời kể của những nghệ nhân làm mắm truyền thống trong làng Nam Ô, để có được những mẻ mắm chuẩn vị truyền thống thì không hề đơn giản. Mỗi năm dân Nam Ô chỉ ủ mắm 2 đợt, nhằm tháng 3 hoặc tháng 7 Âm lịch, vì đây là thời điểm cá tươi ngon nhất.
Cá phải là loại cá Cơm than, được đánh bắt gần bờ biển Đà Nẵng. Ngay khi cá còn tươi sống, dân làng đem ủ trong lu với tỷ lệ 10 cá 4 muối, người Nam Ô chỉ dùng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) để ủ mắm, vì có độ mặn phù hợp.
Sau khi ủ từ 12-18 tháng, khi hỗn hợp mắm cá đã chín thơm, dân làng mới mang ra lọc lấy mắm. Dụng cụ lọc mắm truyền thống là một cái giuộc đan bằng tre, có hình phễu, được lót thêm một lớp vải, để cho mắm lọc ra được sạch trong, không còn cặn. Khi đổ vào giuộc để lọc, nước mắm nhỉ (nhỏ) ra từng giọt từng giọt, từng giọt nên người dân bản địa gọi là "nước mắm cốt nhỉ."
Nước mắm Nam Ô ngon chuẩn vị là loại mắm có vị mặn đậm đà, xen lẫn vị ngọt của cá tươi, mùi thơm rất đặc trưng và có màu vàng nâu cánh gián, để lâu vẫn trong vắt chứ không bị xỉn màu.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu, làng nghề mắm Nam Ô hiện có 64 hộ gia đình là hội viên sản xuất; trong đó, có 10 cơ sở chế biến nước mắm có quy mô tương đối lớn, có 17 cơ sở đã đăng ký thương hiệu riêng. Sản lượng nước mắm tiêu thụ trung bình từ năm 2020 đến nay đạt 250 nghìn lít/năm; tăng hơn 4 lần so với thời kỳ năm 2015.
Ngày 27/6/2024, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra Lễ công bố quyết định, đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của Đà Nẵng.
Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của thành phố Đà Nẵng và cũng là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước, gồm nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết và nước mắm Nam Ô.
Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng
Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê là một trong những lễ hội cầu ngư của ngư dân các vùng ven biển được tổ chức hàng năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Từ bao đời nay, Lễ hội Cầu ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông.
Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vì đây là lễ hội cầu mùa-cầu ngư hay lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”…
Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương có di sản mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, Lễ hội Cầu ngư chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Lễ hội Cầu ngư nhằm cầu quốc thái, dân an, trời yên biển lặng, cầu cho ngư dân đi biển được mùa bội thu. Đây còn là một nét đẹp văn hóa địa phương, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các thế hệ tiền nhân đã góp phần xây dựng nghề biển.
Đồng thời, lễ hội còn là nơi lưu giữ các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và là một lễ hội quan trọng cần được duy trì bảo tồn và phát huy.
Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia năm 2016.
Nghệ thuật bài Chòi
Nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng được lưu giữ tập trung ở quận Cẩm Lệ, quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, nhất là ở huyện Hòa Vang. Chơi-đánh-hô-hát là bốn tên gọi để diễn tả một loại hình nghệ thuật dân gian: Bài chòi.
Nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, thể hiện cốt cách, đặc trưng văn hóa của cư dân địa phương, lưu giữ phương ngữ, phong tục, tập quán trong các câu hô/hát Bài chòi.
Sinh hoạt Bài chòi là một hình thức giải trí độc đáo của người dân vào dịp Tết, lễ hội đình làng, lễ cúng tiền hiền hay lễ hội Cầu ngư,... trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân ở khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Sinh hoạt Bài chòi mang tính cộng đồng cao trong diễn xướng và thưởng thức, góp phần tăng tính đoàn kết, cố kết cộng đồng, đưa con người xích lại gần nhau hơn, góp phần tăng cường sự đoàn kết, ổn định của xã hội.
Nghệ thuật Bài Chòi còn thể hiện tính nhân văn ở nhiều khía cạnh khác nhau, như tình phụ mẫu, tình thầy trò, chồng vợ, sự hiếu nghĩa..., giáo dục con người về đạo đức, nhân cách sống, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa,… hướng con người đến những giá trị, những chuẩn mực đạo đức cao đẹp.
Hiện nay, di sản nghệ thuật Bài chòi dân gian đang được bảo tồn và phát huy gắn với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố, kết hợp với việc tổ chức các lễ hội truyền thống tại các di tích với hội Bài chòi và các hoạt động vui chơi giải trí khác để thu hút du khách.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Nghệ thuật Bài chòi ở thành phố Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (còn gọi là Lễ hội Quán Âm) được tổ chức tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Lễ hội được hình thành từ việc Hòa thượng Thích Pháp Nhãn (người khai sơn chùa Quán Thế Âm) phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ, tay cầm bình Cam Lồ, hoàn toàn thiên tạo, rất hoàn chỉnh, cao bằng người thật trong một hang động tại núi Kim Sơn - một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Hành Sơn. Hòa thượng đặt tên là động Quan Âm, đồng thời, ngài cho lập một ngôi chùa ngay sát hang động, tựa lưng vào núi Kim Sơn và đặt tên là chùa Quán Thế Âm để xưng tụng quả vị Quán Thế Âm.
Kể từ đó, vào các ngày lễ vía của Quán Thế Âm, nhân dân địa phương và khách thập phương về đây lễ bái rất đông. Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử và cộng đồng địa phương, các vị Chư Tôn Đức Phật giáo lúc bấy giờ đã thống nhất chọn ngày 19 tháng Hai (Âm lịch) hằng năm (Ngày Đản sanh của Ngài), các chùa trên địa bàn Ngũ Hành Sơn hội tụ tại chùa Quán Thế Âm cùng tổ chức Ngày lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm và xem đây như một chốn tổ thờ tự Ngài.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn mang đậm tín ngưỡng tôn giáo Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt - Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là sự kết tinh những giá trị văn hóa Phật giáo với văn hóa truyền thống của dân tộc dân tộc Việt Nam.
Lễ hội đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, hướng con người đến điều thiện, đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc. Các nghi lễ dân gian thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ, tri ân người có công với nước, với cộng đồng.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn tuy mang màu sắc Phật giáo nhưng lại tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn biểu dương, tôn vinh các giá trị văn hóa và sức mạnh cộng đồng của môi trường xã hội mà nó đang tồn tại, là chất keo kết dính tạo nên sự gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng ý thức gắn kết với quê hương, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Với giá trị tiêu biểu trên, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 601/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2021.
Nghề làm bánh tráng Túy Loan
Làng nghề bánh tráng Tuý Loan nằm trong làng cổ Tuý Loan, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng có tuổi đời khoảng 500 năm.
Hiện, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang còn 15 hộ gia đình duy trì nghề làm bánh tráng truyền thống, tập trung chủ yếu ở thôn Túy Loan.
Mỗi dịp Tết Nguyên đán hằng năm, toàn xã Hòa Phong có trên 40 hộ cùng tham gia tráng bánh mới đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp bánh tráng ra thị trường. Hiện, bánh tráng Túy Loan đã được đăng ký bản quyền.
Bánh tráng Túy Loan được làm hoàn toàn bằng thủ công và người dân tại làng chỉ làm một loại bánh tráng nướng. Để làm ra một chiếc bánh tráng phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau, trong mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và thành thạo.
Bánh tráng Túy Loan chủ yếu làm bằng bột gạo và các nguyên liệu khác như mè (vừng trắng), gừng, tỏi, đường, nước mắm, muối…, tạo nên hương vị đặc trưng riêng cho bánh tráng.
Việc làng nghề truyền thống Nghề làm bánh tráng Túy Loan được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024, tạo thêm tiếng vang cho một làng nghề hàng trăm năm tuổi của Đà Nẵng, cũng là điều kiện thiết yếu để địa phương tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị của làng nghề này./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()