Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:31 (GMT +7)
Khai thác tối đa tiềm năng du lịch
Thứ 4, 31/05/2023 | 09:17:12 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và đặc sắc, có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế vượt trội để phát triển du lịch. Để khai thác tối đa tiềm năng, biến những cơ hội thành vận hội mới, ngành Du lịch đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư và chủ động xúc tiến, mở rộng thị trường…
Dư địa của ngành Du lịch
Trong những năm qua, với sự tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới), Quảng Ninh đã thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, bứt phá phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược với đủ các loại hình (đường bộ, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng tàu khách quốc tế…), thương mại, du lịch dịch vụ đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể… Đặc biệt, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Tuần Châu, Ao Tiên… được tính toán căn cơ, là những công trình giao thông hiện đại bậc nhất ở Việt Nam, mang đẳng cấp quốc tế, sản phẩm du lịch được yêu thích.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2022, trước những diễn biến bất lợi, khó lường chưa từng có do đại dịch Covid-19, ngành Du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, kéo dài và nghiêm trọng nhất. Song Quảng Ninh đã vượt qua và bứt phá vươn lên, phục hồi nhanh chóng ngành Du lịch đạt tổng số lượt khách nội địa tương đương thời điểm trước đại dịch. Đồng thời, Vịnh Hạ Long luôn được bình chọn là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu châu Á. Quảng Ninh là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam với cả du khách trong nước và quốc tế…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và ngành chức năng, du lịch Quảng Ninh vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Những khó khăn sau 3 năm đại dịch Covid-19 cộng hưởng với các khó khăn, bất ổn của thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả thu hút đầu tư, tiến độ và khả năng hoàn thành các dự án mới phát triển sản phẩm du lịch cũng như thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, lao động được đào tạo có kỹ năng.
Mặc dù rất có lợi thế nhưng các sản phẩm, dịch vụ du lịch biển Quảng Ninh chưa thật sự bền vững và chưa chiếm được vị trí quan trọng, trung tâm, dài ngày và độc lập trong các chương trình du lịch Việt Nam của các hãng lữ hành quốc tế. Còn nhiều tài nguyên du lịch biển đảo có giá trị nổi bật nhưng chưa phát triển được sản phẩm tương xứng, như: Bãi biển Trà Cổ, các bãi biển trên đảo Vĩnh Thực, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, các bãi biển tại huyện đảo Cô Tô... Ngoài ra, Quảng Ninh sở hữu trên 500 di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh, có ưu thế vượt trội trong phát triển du lịch văn hóa - tâm linh, quần thể di tích danh thắng Yên Tử đang được xem là sản phẩm điển hình nhất, nhưng chủ yếu hiện nay mới chỉ xuất phát từ nhu cầu tâm linh của khách nội địa. Các giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa và sinh thái chưa được khai thác, phát huy tối đa, nhất là thu hút khách quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), chia sẻ: Nhiều dự án du lịch trọng điểm của tỉnh đã được đầu tư nhưng một số dự án chưa hoàn thành, chậm được đưa vào kinh doanh khai thác nên chưa tạo ra được sự đột phá trong phát triển du lịch. Quảng Ninh có hệ thống đảo với giá trị tài nguyên du lịch hấp dẫn, nhưng chưa thu hút được các nhà đầu tư xứng tầm để hình thành các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế để cạnh tranh với các địa phương khác trong nước.
Không những thế, các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh mới chủ yếu tập trung khai thác lợi thế tài nguyên sẵn có; các sản phẩm văn hóa, giải trí, mua sắm còn thiếu và kém sức hấp dẫn, chưa tạo được nhiều sản phẩm khác biệt, có chất lượng cao tương xứng với giá trị của tài nguyên của tỉnh. Nhiều khu, điểm du lịch còn thiếu hệ thống dịch vụ bổ sung để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Ngoài ra, công tác tổ chức, quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao, xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với ứng dụng công nghệ số còn hạn chế. Hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Quảng Ninh với các địa phương, nhất là với Hà Nội và Hải Phòng trong quan hệ “Tam giác tăng trưởng du lịch” vùng đồng bằng sông Hồng, trên tuyến hành lang kinh tế - du lịch giữa vùng duyên hải Đông Bắc với vùng núi Đông Bắc chưa phát triển mạnh, thiếu cơ chế chặt chẽ, tạo động lực cho du lịch cả vùng.
Những cơ hội mới
Du lịch Quảng Ninh đang đứng trước các cơ hội mới đan xen. Trong đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch. Sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại di động tác động rất lớn đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống, phương thức thanh toán của khách du lịch, hình thành các xu hướng du lịch mới như du lịch thông minh, du lịch sáng tạo. Bên cạnh đó, xu hướng khách du lịch quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống, giá trị tự nhiên, giá trị sáng tạo và công nghệ cao. Ngoài ra, nhu cầu du lịch chữa bệnh kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch có trách nhiệm ngày càng phổ biến.
Trong bối cảnh đó, tỉnh Quảng Ninh kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch. Định hướng phát triển du lịch của Quảng Ninh đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học... Qua đó, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023), Quảng Ninh được định hướng phát triển thành ‘trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, giá trị gia tăng lớn; là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, đón khách quanh năm, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 25 triệu lượt khách du lịch (khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế).
|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch đã đề ra, ngành Du lịch Quảng Ninh phải thể hiện được sự đặc trưng so với các tỉnh khác nhờ tài nguyên du lịch độc đáo, giá trị đặc trưng của tỉnh trong 6 định hướng phát triển chiến lược, gồm: Không gian hiện đại và sống động bên bờ Vịnh Hạ Long; hòa mình trong hành trình du lịch tâm linh tại Yên Tử và Đông Triều; thắng cảnh độc nhất vô nhị và kỳ thú của Vịnh Bái Tử Long và Cô Tô; điểm đến casino đẳng cấp quốc tế tại Vân Đồn; điểm đến vui chơi giải trí ở Móng Cái; văn hóa dân tộc thiểu số độc đáo tại các huyện miền Đông (Bình Liêu, Tiên Yên và Ba Chẽ). Cùng với đó, chủ động xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp mang thương hiệu quốc tế; các trung tâm - tổ hợp mua sắm, vui chơi giải trí cao cấp đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là phân khúc thị trường quốc tế.
Riêng năm 2023, du lịch được xác định là một trong những động lực tăng trưởng chính của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh phấn đấu thu hút khách du lịch đạt 15 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 32.400 tỷ đồng. Hiện, các địa phương, điểm đến, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch chủ động khai thác mọi cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế, thích ứng an toàn, phát triển nhanh. Đặc biệt, các điểm đến tâm linh có sức hút đối với du khách thập phương, lượng khách tham quan cao hơn 40-50% so với cùng thời điểm các năm trước. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng tích cực xây dựng sản phẩm mới, tăng cường xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đón đầu mùa cao điểm du lịch hè. Tỉnh phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 40 sản phẩm du lịch mới, 4 khách sạn, khu nghỉ dưỡng để đáp ứng yêu cầu du lịch, trải nghiệm của du khách. Trong đó có 1/3 là các sản phẩm du lịch biển đảo, với nhiều hoạt động hấp dẫn, như dịch vụ ăn uống trên tàu tham quan, nghe nhạc, thể thao trên biển, cắm trại... Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đón khoảng 6,8 triệu lượt khách. Ngành Du lịch, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, là động lực tăng trưởng chính, chiếm tỷ trọng trên 30% trong GRDP của tỉnh. Quý II năm nay, Quảng Ninh phấn đấu đón 3,65 triệu lượt khách, doanh thu gần 8 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, Sở tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, trong đó tập trung vào thị trường nội địa và một số thị trường quốc tế trọng điểm; triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế VITM. Ngành Du lịch chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền Đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh.
Sở Du lịch chủ động tổ chức các chương trình đào tạo, giới thiệu nhân lực du lịch để hỗ trợ doanh nghiệp; làm việc với các hãng lữ hành, hàng không về việc xúc tiến gửi khách qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; tổ chức thu hút các dự án về lĩnh vực du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và liên kết với các địa phương trong cả nước để thúc đẩy phát triển du lịch. Ngành Du lịch tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại phục vụ phát triển du lịch gắn với khai thác hiệu quả hệ thống cửa khẩu, cảng hàng không và cảng biển.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()