Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 18/01/2025 14:53 (GMT +7)
Khai thác tối đa lợi thế du lịch MICE
Thứ 4, 20/07/2022 | 09:24:57 [GMT +7] A A
Là loại hình du lịch không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ, đoàn khách đông, thời gian lưu trú tương đối dài, dòng du khách MICE (du lịch kết hợp hội họp, khen thưởng, hội nghị, hội thảo, triển lãm...) hứa hẹn mang tới nguồn doanh thu cao cho ngành Du lịch. Tuy nhiên, để thu hút được dòng khách này, cần có những chính sách kịp thời cùng sự chủ động kết nối giữa chính quyền và các đơn vị kinh doanh du lịch.
Đầu tháng 7 vừa qua, Quảng Ninh đón đoàn gần 500 khách là cán bộ, nhân viên của Công ty CP Sữa quốc tế IDP. Đây là đoàn khách được kết nối từ chương trình xúc tiến của Sở Du lịch Quảng Ninh với đơn vị lữ hành Công ty CP Dịch vụ và Thương mại TST (TST tourist) để phát triển thị trường du lịch tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Đánh giá về việc lựa chọn Hạ Long là điểm đến tổ chức các hoạt động của công ty, ông Đào Thái Tư, Giám đốc kinh doanh khu vực miền Bắc (Công ty CP Sữa quốc tế IDP) cho biết: Để tổ chức chương trình cho công ty có chi nhánh nằm ở cả 3 miền, đơn vị có rất nhiều lựa chọn hấp dẫn. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chọn Hạ Long, Quảng Ninh là điểm đến vì vị trí đi lại thuận tiện, khung cảnh thiên nhiên ấn tượng, đặc biệt hệ thống các khách sạn lớn phù hợp với sức chứa nhiều đoàn và tổ chức sự kiện.
Ngay sau đó, Heritage Travel - doanh nghiệp lữ hành của tỉnh Quảng Ninh cùng với TST tourist, đại diện doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã tham gia lễ ký kết hợp tác với Công đoàn Dầu khí Việt Nam chăm lo phúc lợi cho đoàn viên. Theo bà Phạm Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm lữ hành Heritage Quảng Ninh, thời gian qua, Heritage Travel Quảng Ninh cũng đã xây dựng, lựa chọn nhiều chương trình, sản phẩm tour du lịch chất lượng cao của Quảng Ninh để giới thiệu, chào bán cho các đơn vị ký thỏa thuận hợp tác. Đây là sự kiện hợp tác thứ 3 được Heritage Travel Quảng Ninh cùng TST tourist hợp tác trong năm 2021-2022 với các công đoàn ngành, bao gồm: Công đoàn Dệt may Việt Nam, Công đoàn Cao su Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Qua đây, thiết thực góp phần mang lại cho công đoàn viên những sản phẩm, dịch vụ chất lượng; triển khai các thoả thuận hợp tác giữa lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Quảng Ninh với các tỉnh, thành cả nước, phát huy sức mạnh du lịch Việt Nam, đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành kinh tế du lịch sau đại dịch.
Du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event) là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty dành cho nhân viên, đối tác. So với các hình thức du lịch thông thường, du lịch MICE hướng đến phục vụ các đoàn khách đông, lưu trú dài ngày, sử dụng các dịch vụ, tiện ích cao cấp. Đặc biệt, không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch nên đây là loại hình có khả năng mang đến nguồn doanh thu cao. Theo các chuyên gia, du lịch MICE mang đến giá trị doanh thu cao gấp sáu lần các loại hình khác. Khách du lịch MICE thường kết hợp các hoạt động tham quan, mua sắm, giải trí với tìm kiếm đối tác, nghiên cứu thị trường, mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư, do đó còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước. |
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đến năm 2025, doanh thu từ ngành công nghiệp du lịch MICE sẽ đạt trên 1.400 tỷ USD, trong đó, tập trung vào hai khu vực lớn nhất là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều chuyên gia nhận định, sau một thời gian dài bị gián đoạn các hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp phải nối lại các sự kiện quan trọng trước đó bị tạm hoãn, đồng thời tổ chức các chuyến đi để đào tạo lại kỹ năng, nâng cao năng lực kết nối, làm việc nhóm của người lao động sau nhiều giai đoạn bị phân tán, làm việc từ xa...
Ðây chính là dư địa để Quảng Ninh tận dụng thời cơ phát triển du lịch MICE đối với cả thị trường khách trong nước và quốc tế. Thực tế, Quảng Ninh hội tụ mọi điều kiện để thu hút dòng khách chất lượng này. Bởi, Quảng Ninh có lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp, đặc biệt có Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long nổi tiếng; cơ sở hạ tầng du lịch phát triển, giao thông ngày càng được cải thiện. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.380 cơ sở lưu trú với gần 20.000 phòng, trong đó có 214 khách sạn, khu căn hộ cao cấp hạng từ 1-5 sao; trên 500 tàu vận chuyển khách tham quan Vịnh Hạ Long (202 tàu lưu trú du lịch với 1.900 phòng ngủ). Đặc biệt, Quảng Ninh sở hữu một loạt những khách sạn có kiến trúc và nội thất khá hiện đại, với các dịch vụ khép kín, từ hệ thống phòng lưu trú đến phòng hội nghị, hội thảo có sức chứa lớn, phù hợp với các đoàn khách MICE, như: Vinpearl Ha Long Bay Resort, Khách sạn Wyndham Legend Halong, FLC Hạ Long, Mường Thanh Quảng Ninh...
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có hàng trăm cơ sở cung cấp các dịch vụ khác phục vụ du khách. Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 tuyến, 78 điểm du lịch và 1 khu du lịch địa phương. Những năm gần đây, Quảng Ninh không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao đưa vào phục vụ khách du lịch. Tỉnh đang tập trung phát triển với 4 dòng sản phẩm chính (du lịch biển đảo, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch biên giới).
Mặc dù sở hữu những điều kiện thuận lợi về hạ tầng du lịch như giao thông, hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao cùng các điểm đến du lịch nổi tiếng, tuy nhiên việc thu hút dòng khách du lịch MICE đến Quảng Ninh vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, vấn đề về nhân lực và sự chuyên nghiệp trong việc tổ chức các sự kiện lớn vẫn là một hạn chế của ngành Du lịch Quảng Ninh. Đây cũng là bài toán khó của ngành nhất là sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, lực lượng lao động có nhiều biến động.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch không nên phụ thuộc vào những tài nguyên du lịch sẵn có mà cần có sự "chuyển mình" trong chính sách và sự liên kết, phối hợp đa ngành để tạo điểm mới mẻ, hấp dẫn, thu hút dòng khách chất lượng cao này. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đầu mối như đơn vị lữ hành và ngành Du lịch cũng cần có sự đổi mới, nghiên cứu phát triển các dòng du lịch MICE mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn để tăng sức cạnh tranh với các điểm đến khác. Đồng thời, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn để hoàn thiện cách thức thu hút và đón đầu các dòng khách.
Tiêu biểu như TP Ðà Nẵng - địa phương tiên phong trong triển khai chính sách dành riêng cho MICE. Chính sách MICE Ðà Nẵng năm 2022 ưu tiên cho 100 đoàn khách MICE đầu tiên, áp dụng từ ngày 21/2/2022 đến hết tháng 12/2022 với năm nhóm chính sách chính về: Chào đón, quà lưu niệm, truyền thông, vé tham quan, tư vấn - hỗ trợ được thiết kế dành riêng cho từng đoàn khách có quy mô từ 50 khách, 150 khách, 300 khách, 700 khách trở lên. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Đà Nẵng có sự phối hợp liên ngành với lực lượng công an thành phố để triển khai dẫn đoàn với những đoàn từ 700 khách hay tạo điều kiện cho các đoàn tổ chức sự kiện ở bãi biển, đoàn MICE có yếu tố nước ngoài. Từ đầu năm 2022 đến nay, Đà Nẵng đã đón trên 5.000 khách MICE.
Thực tế, du lịch MICE là một trong những định hướng thị trường du khách 4 mùa. Bởi mỗi tổ chức, doanh nghiệp lớn thường có 3 lần sử dụng dịch vụ MICE, đó là đầu năm đi khởi động kinh doanh, dự án; giữa năm đi chuyến đi cả công ty kết hợp các hoạt động trò chơi tập thể (team building) và cuối năm đi tổng kết kinh doanh - khen thưởng để khích lệ nhân viên. Vì vậy, ngành Du lịch cần có những chính sách và định hướng rõ ràng cho dòng khách này để khai thác tối đa tiềm năng và không bỏ lỡ cơ hội bứt phá.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()