Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:58 (GMT +7)
Khai thác mạnh mẽ tiềm năng để phát triển nuôi biển bền vững
Thứ 2, 01/04/2024 | 17:03:11 [GMT +7] A A
Tại Hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh” diễn ra ngày 1/4 tại TP Hạ Long, do Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức, các diễn giải là những chuyên gia hàng đầu, nhà nghiên cứu chiến lược, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản đã cùng thảo luận, chia sẻ về tiềm năng và thách thức đối với nuôi biển. Đặc biệt, phiên tọa đàm đã cung cấp cái nhìn tổng thể về định hướng phát triển nuôi biển trong chiến lược phát triển kinh tế biển; kinh nghiệm nuôi biển, quản lý nuôi biển; tiềm năng và những “điểm nút” cần tháo để nuôi biển phát triển bền vững...
Khai phá tiềm năng, lợi thế
Đề dẫn cho phần tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Với định hướng phát triển bền vững, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển bước đầu được hình thành, như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ… Đặc biệt, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng rõ phát triển ngành nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới; tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...
Đồng chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ. Đặc biệt, cần phải có những chiến lược để phát huy những thế mạnh sẵn có và mang lại những giá trị to lớn, vì vậy đặt ra những giải pháp để tận dụng, khai thác tốt tiềm năng và giải quyết thách thức để phát triển nuôi biển bền vững.
Làm rõ hơn những vấn đề tổng thể về nuôi biển gắn với thực tế của tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Văn Diện nhấn mạnh về quan điểm của địa phương trong việc “Nuôi biển xanh vì tương lai”. Với quan điểm này, nhận thức về nuôi biển cùng giá trị kinh tế biển của Quảng Ninh rất rõ ràng, đó là phải tiến lên hiện đại, vừa đảm bảo sinh kế cho ngư dân, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh, vừa phát triển nuôi biển đa giá trị, kết hợp du lịch, trải nghiệm, giáo dục phục vụ phát triển cùng mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch biển đảo. Tỉnh đã nhanh chóng hoàn thành Quy hoạch nuôi biển với diện tích 45.000ha, đồng thời cụ thể các vùng quy hoạch biển ở 9 địa phương có biển trên địa bàn tỉnh; quyết liệt chỉ đạo vật liệu nuôi biển mới, thân thiện môi trường, bền vững.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng Quy chuẩn địa phương về cơ sở nuôi trồng tập trung trên biển với 6 nhóm quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, tỉnh đang trong quá trình hình thành quy mô sản xuất lớn, theo chuỗi giá trị, sản xuất phải tập trung theo vùng, quy mô diện tích lớn theo hướng liên kết, trong đó, đồng bộ giữa hạ tầng nuôi biển chung theo vùng, hình thành các chuỗi từ giống đến nuôi, chế biến, xuất nhập khẩu… Quảng Ninh cũng quan niệm phát triển nuôi biển phải hướng đến du lịch, trải nghiệm. Tuy nhiên, đây lại là những nội dung chưa có quy định cụ thể và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, vì vậy đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ…
Phân tích thêm những tiềm năng, lợi thế, cũng như gợi mở một số hướng đi để Quảng Ninh có thể trở thành một trung tâm nuôi biển bền vững, hiện đại, PGS. TS Võ Sỹ Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ nuôi biển Việt Nam, nhận định: Quảng Ninh có bờ biển dài, nhiều đảo vũng vịnh, nhiều vùng được che chắn trước gió, nền đáy bùn chiếm diện tích lớn, có nhiệt độ thấp vào mùa đông, biến động độ muối và năng suất sinh học thuận lợi cho nuôi biển. Quảng Ninh cũng có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven bờ giàu có với gần 2.000ha, thảm cỏ biển rộng, là nơi lưu giữ trầm tích, năng suất sinh học cao với nhiều loài phong phú… Tất cả những điều này, là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh có thể phát triển ngành nuôi biển bền vững.
Tuy nhiên, để khai thác hết thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên nhằm phát triển được ngành nuôi biển, bên cạnh các yếu tố về vĩ mô, chính sách, định hướng, cách làm… Quảng Ninh cần quan tâm hơn nữa đến một số yếu tố về khoa học, kỹ thuật, như: Thiết kế, lắp đặt hệ thống nuôi, hệ thống trao đổi nước và quy hoạch các điểm neo phù hợp; lựa chọn được những đối tượng nuôi để bảo đảm việc nuôi trồng ổn định, cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ mội trường biển; chú ý đến sức tải sinh thái - tổng sản lượng nuôi cho phép... để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ những kinh nghiệm nuôi biển, quản lý nuôi biển từ thành công trong thực tế của quốc gia có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến trên thế giới, bà Karin Greve-Isdahl, Tham tán thương mại, thương vụ Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam đã giới thiệu với hội nghị “Kinh nghiệm từ ngành công nghiệp nuôi cá hồi của Na Uy”.
Cùng với đó, ông Leonardo Mata, Giám đốc Dự án tảo biển Green Grazing, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, cũng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nuôi biển quy mô lớn, công nghiệp đang được áp dụng tại dự án của mình; đưa ra một số khuyến nghị đối với ngành nuôi biển của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Các tham luận tại hội nghị nêu bật một số ý kiến chung, như: Quy hoạch không gian biển tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, xác định các vùng nuôi có điều kiện thuận lợi; sử dụng công nghệ cao trong nuôi biển và chuyển giao công nghệ nuôi biển; phát triển các sản phẩm dựa trên nhu cầu của thị trường, gắn chặt đến việc hình thành chuỗi giá trị; đầu tư bền vững, chú trọng đến sự hài hòa giữa phát triển nuôi với bảo vệ môi trường, bảo tồn biển bền vững; tăng cường công tác giám sát, quản lý tốt, thúc đẩy sự ổn định…
Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cũng cần phải phát huy sức mạnh của 3 bên là: Chính phủ, nhà khoa học và doanh nghiệp, tất cả phải cùng phối hợp để hướng đến giá trị chung là sự bền vững. Các thông tin, kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy hiệu quả do bà Karin Greve-Isdahl và ông Leonardo Mata chia sẻ đã gợi mở nhiều nội dung để Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Ninh tổ chức thực hiện hiệu quả đề án nuôi biển trong thời gian tới.
Nhìn nhận khó khăn, vượt qua thách thức
Tại hội nghị, PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam (VSA) đã chia sẻ, phân tích về những điểm nghẽn cần tháo gỡ, những thách thức đối với Việt Nam và với tỉnh Quảng Ninh trong việc thúc đẩy nuôi biển bền vững. Trong đó, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đề cập đến một số điểm nghẽn về chính sách cần tháo gỡ, như: Thiếu quy hoạch tổng thể và chi tiết; thủ tục giao khu vực biển còn phức tạp; thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển; chưa có cơ quan đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển; chưa có bảo hiểm và chính sách hỗ trợ phát triển cho hoạt động nuôi biển; thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về nuôi biển…
Tiếp nối ý kiến trên, PGS. TS Chu Hồi, ĐBQH khoá XV, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã gợi mở, tham vấn một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc để giúp tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung nâng tầm nuôi biển trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề cần có quy hoạch cụ thể, chiến lược rõ ràng hơn và cần có thêm các chính sách hợp lý cả ngắn và dài hạn để tạo ra các lực kéo; phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từ biển mang lại trong hoạt động nuôi biển, hướng tới phát triển lâu dài. Trong quá trình triển khai, cần tập trung ưu tiên đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho khoa học công nghệ; chú trọng bảo vệ môi trường; định hướng, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân…
Đại diện các tổ chức quốc tế đã và đang có hợp tác chặt chẽ với Việt Nam về phát triển nông nghiệp, trong đó có phát triển nuôi biển cũng đưa ra một số khuyến nghị để ngành nuôi biển phát triển bền vững. Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam đã nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tất cả các khâu, các bước, các nội dung của nuôi biển. Từ hạ tầng, nguồn giống, khoa học công nghệ, kỹ thuật nuôi, đến chế biến sản phẩm, xuất nhập khẩu, hình thành chuỗi giá trị từ sức mạnh tập thể…
Cùng chung tinh thần đồng hành, chia sẻ, hướng tới tương lai bền vững, các đại biểu: Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO; Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; Okamoto Hiroyuki, Trưởng phòng Hợp tác nghiên cứu Ban giáo dục và nghiên cứu nghề cá Nhật Bản, đều bày tỏ cam kết sẽ hết sức hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, Bộ NN&PTNT, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương có biển trong việc phát triển nuôi biển bền vững.
Kết luận phần tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh” được tổ chức là cơ hội để các cơ quan quản lý, các chủ thể nuôi biển và cả cộng đồng ngồi cùng nhau nhìn thẳng vào sự thật, nhận định những tồn tại, vướng mắc. Từ hội nghị này, Bộ NN&PTNT ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc, nhanh chóng cùng các bộ, ngành kiến nghị với Chính phủ bàn biện pháp, giải pháp tháo gỡ. Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu về khoa học, công nghệ để có các mô hình nuôi trồng công nghệ cao, chế biến sâu; nỗ lực xây dựng hệ sinh thái nuôi biển bền vững dựa trên sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; các viện, trường, đối tác, chuyên gia quốc tế, các tổ chức nghề nghiệp của người nuôi biển...
Trong đó, Quảng Ninh sẽ trở thành một địa điểm đổi mới sáng tạo của ngành nuôi biển. Thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi có sự quyết tâm hành động của lãnh đạo tỉnh, ngành chuyên môn; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân.
Minh Hà - Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()