Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:45 (GMT +7)
Khai thác lợi thế biển để nuôi trồng thủy sản
Thứ 3, 07/09/2021 | 06:28:11 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế thủy sản, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển; đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh mạnh, giàu từ biển. Trong đó, nuôi trồng thủy sản được tỉnh đặc biệt chú trọng.
Ngay từ năm 2014, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh cũng đã lập kế hoạch, đề án để phát triển kinh tế thủy sản. Với hơn 43.000ha rừng ngập mặn, trong đó trên 26.000ha có khả năng nuôi trồng thủy sản; gần 9.000ha bãi cao triều và trên cao triều... các địa phương đã tận dụng lợi thế này để khuyến khích người dân phát huy nội lực, tập trung vào nuôi các loại thủy sản chủ lực như: Tôm, nhuyễn thể, cá biển...
Tỉnh đã hình thành một số vùng nuôi trồng thủy sản, như: Vùng nuôi tôm với diện tích gần 9.700ha, vùng nuôi nhuyễn thể với diện tích 4.383ha, vùng nuôi cá song có diện tích 550ha, vùng nuôi ghẹ 36ha, vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm gần 1.855ha...
Phát triển mạnh mẽ hơn cả trên địa bàn tỉnh phải kể đến nghề nuôi tôm. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi tôm bằng phương pháp quảng canh, nay chuyển đổi dần sang nuôi tôm công nghiệp. Trong tổng diện tích gần 7.000ha nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay, có đến 3.812ha nuôi công nghiệp. Năng suất cũng nhờ đó tăng lên, có những nơi đạt 20 tấn/ha/năm. Sản lượng tôm thu hoạch năm 2020 đạt 15.737 tấn, tăng hơn 4.000 tấn so với năm 2017. Quảng Ninh trở thành địa phương đứng đầu các tỉnh, thành phía Bắc về nuôi tôm.
Cùng với nuôi tôm, tận dụng diện tích bãi triều rộng lớn và vùng biển thích hợp, các địa phương Quảng Yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái còn khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển nuôi các loại nhuyễn thể như nghêu, ngao, hàu, tu hài... với hình thức chủ yếu là nuôi giàn bè, lồng treo, hoặc nuôi trên bãi triều. Sản lượng nhuyễn thể hằng năm đạt khoảng 31.500 tấn.
Các địa phương có lợi thế biển cũng quy hoạch phát triển nuôi cá biển, với các loại cá như song, vược, giò. Hiện nay, diện tích nuôi các loại cá này lên tới 1.348ha, cho sản lượng khoảng 5.400 tấn/năm.
Với việc phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản ngày một tăng, nhu cầu giống thả nuôi cũng ngày một lớn. Theo tính toán của các địa phương, mỗi năm trên địa bàn tỉnh cần gần 4,6 tỷ con giống thủy sản nước mặn, lợ. Nhằm đáp ứng nhu cầu con giống thủy sản tốt, không dịch bệnh để cung cấp cho người dân, tỉnh cũng tăng cường thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất.
Cụ thể như Tập đoàn Việt - Úc đã xây dựng, đưa vào sử dụng 14 trại với 252 bể ương dưỡng giống tôm tại huyện Đầm Hà, qua đó đã sản xuất, cung ứng cho thị trường tỉnh hơn 170 triệu con giống tôm sạch. Hay doanh nghiệp Phương Anh (TP Móng Cái), HTX Thủy sản Bắc Việt (Đầm Hà) đã đầu tư công nghệ sản xuất giống cá biển, qua đó cung cấp gần 1 tỷ con giống/năm. Như vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, mỗi năm cung ứng 1,5 tỷ con giống thủy sản.
Tỉnh còn khuyến khích, phát triển các doanh nghiệp chế biến thủy sản để mở rộng tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng, đánh bắt cho người dân. Hiện Quảng Ninh có 9 nhà máy chế biến thủy sản, sản lượng chế biến, xuất khẩu thủy sản hằng năm đạt khoảng 7.500 tấn.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới vào phát triển nuôi trồng thủy sản, giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản đã tăng từ 222 triệu/ha (năm 2017) lên 271,48 triệu/ha (năm 2020). Việc nuôi trồng thủy sản cũng đã tạo việc làm cho hơn 23.400 lao động. 6 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh được hơn 16.000ha.
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất thủy sản chiếm 60% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp; sản lượng nuôi trồng đạt 83.000 tấn (năm 2020 sản lượng nuôi trồng được gần 77.000 tấn). Để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi các địa phương tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất thủy sản nuôi trồng trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()