Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:30 (GMT +7)
Khai thác gắn với bảo tồn nguồn lợi thủy sản
Thứ 6, 17/12/2021 | 16:24:46 [GMT +7] A A
Khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt dần đang trở thành một vấn đề lớn không chỉ ở nước ta mà là câu chuyện mang tính toàn cầu hiện nay. Điều quan trọng là 2 nhiệm vụ khai thác và bảo tồn nguồn lợi thủy sản bắt buộc phải gắn kết chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau.
Đây cũng là tinh thần cốt lõi của Dự thảo “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đang được ngành nông nghiệp đưa ra lấy ý kiến hiện nay…
Thủy sản Việt Nam là ngành kinh tế mũi nhọn, ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, đã tạo việc làm cho khoảng nửa triệu lao động trực tiếp trên biển và khoảng 4 triệu lao động dịch vụ nghề cá. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, giai đoạn 2010-2020, tổng sản lượng khai thác thủy sản tăng từ 2,41 triệu tấn năm 2010 lên 3,86 triệu tấn năm 2020, gấp 1,6 lần. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác đạt 3,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, lĩnh vực bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đang đối mặt nhiều thách thức. Nguồn lợi thủy sản suy giảm, cơ cấu ngành nghề khai thác chưa phù hợp, công nghệ khai thác còn lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch còn lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất thiếu và yếu… Hệ thống cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão đang xuống cấp, ô nhiễm, khó đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, ngành thủy sản còn xung đột phát triển với các ngành kinh tế khác, như: du lịch, giao thông…
Trước những yêu cầu, thách thức đặt ra trong tình hình mới, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 phê duyệt “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng cục Thủy sản thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản (viết tắt là Dự thảo).
Dự thảo lần này đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đưa diện tích vùng ven biển, ven đảo được bảo vệ, bảo tồn đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia theo mục tiêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đưa tổng số tàu cá giảm xuống còn 86.300 chiếc, tổng sản lượng khai thác thủy sản giảm xuống còn 2,8 triệu tấn, cùng với đó sẽ cơ cấu lại ngành nghề khai thác.
Về định hướng quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần này là: tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đó chú trọng thiết lập các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản, quản lý nghề cá dựa vào quản lý cộng đồng… làm cơ sở để tái tạo, sử dụng hiệu quả bền vững nguồn lợi thủy sản… Quy hoạch khai thác thủy sản theo hướng giảm dần số lượng tàu cá và sản lượng khai thác để phù hợp trữ lượng nguồn lợi thủy sản; tăng giá trị chuyển đổi tỷ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển, ngư trường; phát triển khai thác xa bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hợp lý…
Dự thảo xác định 10 dự án tổng thể ưu tiên đầu tư, dự kiến tổng nhu cầu vốn cho quy hoạch dự kiến là 15.000 tỷ đồng (phân bổ theo 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030). Trong đó, ngân sách Trung ương 11.225 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Các dự án đều hướng tới mục tiêu phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; mở rộng hệ thống các khu bảo tồn biển; phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển bị suy thoái; nghiên cứu xác định đường di cư của một số loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; xây dựng dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác thủy sản phục vụ thương mại và xuất khẩu…
Tại hội thảo trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra cuối tháng 10/2021 và một số hội nghị gần đây các đại biểu đã bước đầu thống nhất với đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đề xuất Bộ hỗ trợ điều tra, khảo sát, thu thập số liệu, xây dựng quy hoạch chi tiết để thành lập khu bảo tồn biển; bổ sung dự án ưu tiên điều tra nguồn lợi hải sản ven bờ, qua đó, hỗ trợ địa phương xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và tuyến lộng. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu cần bổ sung thêm số lượng trung tâm nghề cá lớn tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; có hướng dẫn về đồng quản lý trong khai thác thủy sản... Từ những định hướng và giải pháp như vậy, căn cứ vào tình hình thực tế, thiết nghĩ cần các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ để có bản một Dự thảo thật sự hoàn chỉnh và sát thực tiễn…
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()