Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:51 (GMT +7)
Khai thác "chất riêng" để hút khách quốc tế
Chủ nhật, 10/09/2023 | 07:58:32 [GMT +7] A A
Tạo sản phẩm đặc sắc để thu hút, giữ chân du khách quốc tế... là bài toán du lịch Quảng Ninh quan tâm. Các sản phẩm đặc trưng, khai thác "chất riêng" được xem là hướng đi phù hợp, giúp đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế.
Theo đánh giá của các hãng lữ hành, du khách quốc tế đến Quảng Ninh thường có xu hướng tham quan, khám phá những nét đặc trưng của địa phương. Các địa phương cũng coi đó là chất riêng, "con át chủ bài" để phát triển các sản phẩm nhằm hấp dẫn, níu chân khách. Đó có thể là lợi thế về thắng cảnh, nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán sản xuất của địa phương.
Trên thực tế, một số địa phương đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp nhằm hình thành sản phẩm hoặc kết hợp trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Đầu năm 2023, huyện Bình Liêu đã chấp thuận văn bản đề xuất của 2 Công ty du lịch là: Công ty TNHH Du lịch Anytrails và Authentic Asia (Hà Nội) triển khai tour khách du lịch nước ngoài đến tham quan trải nghiệm ở Bình Liêu.
Nét riêng được Bình Liêu giới thiệu với du khách là tham quan và lưu trú ở các bản, các điểm đến có cảnh quan, văn hóa đặc sắc, như: Cao Sơn (xã Hoành Mô), Khe Tiền - Sông Moóc (xã Đồng Văn); khám phá rừng hồi, sở; check-in thác Khe Tiền - Sông Moóc…
Trong đó, huyện cũng tạo nên nhiều sản phẩm du lịch riêng như: Trải nghiệm văn hóa người Dao bản địa; trải nghiệm, lưu trú ở các ngôi nhà trình tường… Điều này giúp Bình Liêu đa dạng, mở rộng thị trường khách du lịch, khắc phục du lịch theo mùa, tạo sản phẩm vệ tinh cho du lịch Vịnh Hạ Long.
Không chỉ vậy, nhiều địa phương cũng phát triển du lịch làng nghề, coi đây là "chất riêng", yếu tố hút khách, giới thiệu những vẻ đẹp khác. Gần đây, TX Quảng Yên đã đẩy mạnh du lịch làng nghề, triển khai tích cực làm các biển chỉ dẫn du lịch, giới thiệu di tích. Điểm nhấn chính là việc thị xã quan tâm bảo tồn, thúc đẩy các làng nghề thủ công truyền thống, như: Làm lờ, đó, mô hình thuyền nan, thuyền gỗ, làm các sản phẩm bánh gio, bánh dày, bánh đa... ở Phong Cốc, Phong Hải, Hiệp Hòa, Cộng Hòa, Tiền An...
Đồng thời, nghiên cứu đưa làn điệu hát đúm, ba giá đồng, hát chèo, hò biển vào phục vụ khách du lịch. Thành công của làng nghề Nam Hòa hút lượng khách tàu biển lớn từ Saigontourist và các hãng lữ hành lớn trước dịch Covid-19 là cơ sở xác thực cho điều này.
Có triển vọng thành công nhất là mô hình du lịch canh nông tại TX Đông Triều, thí điểm ở thôn Tân Thành (xã Việt Dân), lấy du lịch miệt vườn ở xã nông thôn mới, thủ phủ xanh, trù phú của cây ăn trái làm sức hút. Địa phương, doanh nghiệp đã hỗ trợ các hộ quy hoạch vườn phù hợp với du lịch, đưa du khách thăm vườn, trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp, thưởng thức hoa trái, sản phẩm tại vườn.
Mô hình trải nghiệm được thiết kế đơn giản, thuận theo tự nhiên, hoạt động canh tác của người nông dân vẫn diễn ra bình thường. Du khách khi tới đây trải nghiệm miệt vườn, có thể xem trực tiếp, có những cảm nhận thực về các loại cây trái, vườn tược cũng như tập tục canh tác nông nghiệp, được thưởng thức các loại trái cây trong vườn “mùa nào thức ấy”…
Bà Đỗ Thị Hà, Trưởng Phòng VH-TT TX Đông Triều cho biết: Khách quốc tế thường thích khám phá giá trị, nét đẹp, đặc trưng bản địa. Tới nay, các công việc phối hợp diễn ra suôn sẻ. Nếu đảm bảo yêu cầu, tạo được đúng "chất riêng", sản phẩm hứa hẹn nhiều thành công. Đây là điều dễ thấy ở nhiều sản phẩm thành công của tỉnh nhà".
Có thể thấy, trên thực tế, các địa phương, doanh nghiệp từng rất thành công khi khai thác "chất riêng" của địa phương, tiêu biểu như: Sản phẩm du lịch làng quê Yên Đức, sản phẩm "Một ngày làm ngư dân" trên Vịnh Hạ Long, đảo Quan Lạn, huyện Cô Tô...
Tương tự, ở các địa phương có không ít các sản phẩm dạng này hướng tới du khách quốc tế. Được biết, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã, đang đưa hàng chục sản phẩm du lịch mới vào khai thác, trong đó không ít sản phẩm mang đặc trưng, nét riêng của từng địa phương.
Như với Móng Cái, năm 2023 này sẽ cho ra mắt 5 sản phẩm du lịch mới, giới thiệu những nét đặc sắc của vùng đất biên giới về ẩm thực, nông trại, cảnh quan thung lũng Tình yêu, phiên chợ vùng cao Pò Hèn. Huyện Vân Đồn có 6 sản phẩm du lịch mới, trong đó có Tuần lễ mùa Cam Vân Đồn, 2 tuyến đường đi bộ tại xã Minh Châu, Quan Lạn...
Huyện Ba Chẽ có sản phẩm trải nghiệm gắn với sông Ba Chẽ, các nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Dao Ba Chẽ. TP Uông Bí ra mắt 2 sản phẩm du lịch trải nghiệm trên đỉnh Phượng Hoàng, đỉnh Bình Hương với cảnh quan tự nhiên hoang sơ, đặc sắc…Cô Tô có lặn biển ngắm san hô, hệ sinh thái biển tại Thanh Lân, sản phẩm lần đầu tiên triển khai ở miền Bắc. Dù còn đang triển khai, kết quả còn khiêm tốn nhưng chọn đúng sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu là tiền đề quan trọng cho các sản phẩm hút khách quốc tế trong tương lai.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()