Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:32 (GMT +7)
Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Thứ 7, 23/07/2022 | 07:27:51 [GMT +7] A A
Khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Thế nhưng thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đã và đang diễn ra tại nhiều nơi, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, khiến người dân lo lắng.
Theo Bộ Y tế, những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm... của một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá, dịch vụ kể từ khi Nghị định này có hiệu lực. Tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra. Ngoài ra còn có nguyên nhân do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá một số thuốc thuốc mua sắm tập trung quốc gia, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm.
Tại Quảng Ninh, đến nay, mặc dù các cơ sở y tế vẫn có thể cơ bản đảm bảo nguồn thuốc, vật tư y tế thiết yếu, song tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ, nhất là một số loại thuốc biệt dược đặc trị cho bệnh nhân ung thư vẫn xảy ra.
Trước thực trạng này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thường trực Chính phủ về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện nay. Trong đó yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hoá, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, nhằm khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương; chỉ đạo các tỉnh, cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.
Để đảm bảo nguồn thuốc phục vụ điều trị, Bộ Y tế cũng đã trao quyền cho các đơn vị tự chủ đầu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số loại thuốc, đa phần là các loại thuốc biệt dược, thuốc có chi phí lớn, vật tư y tế đặc biệt thì sẽ được mua sắm tập trung cấp địa phương và cấp quốc gia.
Nhằm đáp ứng nguồn thuốc, vật tư y tế trong thời gian tới, thời điểm này, các đơn vị cũng đang tích cực rà soát, xây dựng kế hoạch, lên danh mục các loại thuốc để chuẩn bị cho việc mua sắm. Để hỗ trợ cho các đơn vị y tế, nhất là các đơn vị tuyến huyện, Sở Y tế Quảng Ninh cũng đã lên các phương án hướng dẫn, hỗ trợ trong việc đấu thầu mua sắm thuốc, đồng thời đẩy nhanh các gói thầu.
Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt từ phía Chính phủ, cùng sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan, thì tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế sớm được khắc phục, qua đó tiếp tục làm tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()