Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:09 (GMT +7)
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Thứ 3, 31/08/2021 | 13:54:58 [GMT +7] A A
Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT Quảng Ninh có trên 21.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 17.485 giáo viên. Tuy vậy, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Để đảm bảo nguồn giáo viên cho các trường, ngành GD&ĐT các địa phương đang chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Năm học này, Trường Tiểu học Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả) có hơn 1.600 học sinh với 42 lớp. Với số lượng học sinh đông, nhà trường hiện đang thiếu 4 giáo viên, trong đó có 3 giáo viên giáo dục thể chất và 1 giáo viên tiếng Anh. Thêm vào đó, 100% giáo viên của nhà trường đều là nữ nên nhiều giáo viên nghỉ chế độ thai sản trong năm học.
Bà Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thủy, cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường đã sớm rà soát đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chuyên môn. Phân công cán bộ, giáo viên và nhân viên kiêm thêm việc, bố trí giáo viên dạy kiêm nhiệm môn học Giáo dục thể chất; phân công giáo viên dạy bù giờ cho giáo viên nghỉ thai sản.
Được biết, năm học 2021-2022, TP Cẩm Phả còn cần bổ sung 76 giáo viên các cấp. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trước thềm năm học mới, Phòng GD&ĐT TP Cẩm Phả đã rà soát, đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ để có kế hoạch đào tạo lại, bồi dưỡng phù hợp theo hướng đáp ứng yêu cầu dạy liên môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên dạy môn chuyên biệt, bố trí kiêm nhiệm công tác khác để cân đối thời gian lao động trong các trường học, nhất là trường có quy mô nhỏ.
Phòng cũng đã rà soát, sắp xếp, xây dựng vị trí tuyển dụng bổ sung giáo viên mầm non, giáo viên tiếng Anh tiểu học. Tuyển bổ sung giáo viên dạy các môn văn hóa và các môn đặc thù khác ở bậc Tiểu học, THCS, ưu tiên các môn thiếu nhiều như: Thể dục, Công nghệ, Sinh học. Ngoài ra, ngành luôn quan tâm đến việc xây dựng các vị trí ưu tiên tuyển dụng sinh viên ra trường có bằng tốt nghiệp loại giỏi hoặc có bằng thạc sĩ.
Tương tự, huyện miền núi Bình Liêu năm học này cũng tiếp tục thiếu giáo viên tiếng Anh và giáo viên Văn hóa cấp tiểu học. Bởi nhiều năm qua địa phương này không có thí sính đăng ký tuyển dụng vị trí giáo viên tiếng Anh. Thêm vào đó, có tới 15/45 thí sinh đăng ký thi tuyển giáo viên các cấp đã trượt kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo viên vừa qua. Huyện cũng đang thiếu nguồn tuyển giáo viên có trình độ đại học cấp tiểu học, nên vẫn chưa hợp đồng đủ số giáo viên còn thiếu.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu điều động, luân chuyển, điều chỉnh cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học để đảm bảo cơ bản các trường có đủ giáo viên đứng lớp. Đồng thời, sẵn sàng tiếp nhận viên chức giáo viên từ các địa phương khác có nhu cầu về công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn. Mặt khác, phòng cũng đề nghị các cấp cho phép các đơn vị được ký hợp đồng lao động với những giáo viên mới ra trường có trình độ đạt chuẩn về chuyên môn.
Có thể thấy, các giải pháp hiện nay của Phòng GD&ĐT một số địa phương chỉ mang tính trước mắt, vẫn cần có giải pháp lâu dài, đồng bộ để giải bài toán thiếu giáo viên, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.
Bà Phạm Thị Thúy Bình, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Cẩm Phả, đề xuất: Các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần sớm triển khai văn bản hướng dẫn về định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập để đảm bảo số lượng người làm việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, căn cứ thực tế về quy mô trường lớp và số người làm việc của từng địa phương để giao số lượng người làm việc bảo đảm đáp ứng được nhu cầu thực tế, đảm bảo số lượng giáo viên theo định biên.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()