Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:39 (GMT +7)
Khắc phục triệt để tình trạng dự án đầu tư công đang phải bố trí vốn quá thời gian theo quy định
Thứ 6, 21/10/2022 | 13:54:12 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri TP Uông Bí, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Nguyễn Mai Hùng, tổ đại biểu TP Uông Bí chất vấn:
Theo Nghị quyết số 76/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh phải tiếp tục quyết định bố trí vốn cho tổng số 72 dự án quá thời gian bố trí vốn; trong đó có 50 dự án đã hoàn thành từ năm 2020 trở về trước nhưng chưa có quyết định phê duyệt quyết toán. Điều này chứng tỏ việc theo dõi, giám sát, tổ chức quản lý thực hiện các dự án theo tiến độ được phê duyệt, việc đảm bảo thời hạn quyết toán các dự án sau khi hoàn thành còn chưa triệt để, quyết liệt, dẫn đến HĐND tỉnh phải quyết định kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án này, ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong điều hành ngân sách chung của tỉnh.
Đề nghị đồng chí giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, trả lời làm rõ về thực trạng, nguyên nhân để khắc phục tình trạng còn để xảy ra tình trạng nhiều dự án đầu tư công đang phải bố trí vốn quá thời gian theo quy định; trách nhiệm của ngành trong công việc tham mưu cho UBND tỉnh đôn đốc, kiểm soát tiến độ thực hiện, bố trí vốn các dự án và giải pháp để khắc phục những tồn tại nêu trên.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Cường trả lời:
Trước năm 2021, mặc dù HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm chấn chỉnh công tác vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh, như: Nghị quyết số 46/2016/HĐND ngày 7/12/2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh, theo đó đã chỉ đạo không ghi kế hoạch, thanh toán các công trình thi công xong chưa quyết toán, Công văn số 7978/UBND-XD4 ngày 28/12/2015 của ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo: các dự án sẽ được bố trí vốn đạt khoảng 70-90% TMĐT, phần còn lại sẽ bố trí sau khi có quyết toán được duyệt.
Tuy nhiên thực tế trong quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, chưa triệt để, cụ thể: Đến 31/12/2020, tổng số dự án đã nộp báo cáo, chậm phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn tỉnh là 04 dự án (trong đó cấp huyện, xã là 04 dự án; cấp tỉnh không có dự án nào) với tổng mức đầu tư là 5.384 triệu đồng; giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán là 5.001 triệu đồng. Tổng số dự án đã hoàn thành nhưng Chủ đầu tư chậm lập hồ sơ quyết toán trình cơ quan thẩm tra quyết toán là: 40 dự án (cấp tỉnh 16 dự án; cấp huyện, xã: 24 dự án) với tổng mức đầu tư là 3.585.432 triệu đồng. Năm 2022 (tính đến 30/6) trên địa bàn tỉnh, tổng số dự án đã hoàn thành nhưng Chủ đầu tư chậm lập hồ sơ quyết toán để trình cơ quan thẩm tra quyết toán là: 17 dự án (gồm: cấp tỉnh 10 dự án; cấp huyện, xã: 07 dự án) với tổng mức đầu tư là: 2.114.398 triệu đồng và hiện tại không còn tình trạng dự án chậm thẩm tra và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành (không còn tồn đọng phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành). Nguyên nhân Chủ đầu tư chậm lập hồ sơ quyết toán trong thời gian vừa qua chủ yếu là do: Công tác nghiệm thu chậm; việc xác định khối lượng đất san lấp, tính thuế tài nguyên; cấp quyền khai thác khoáng sản bị kéo dài...
Trong quá trình triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, để khắc phục tình trạng kéo dài bố trí vốn cho các dự án, cũng như xác định chính xác danh mục các dự án bố trí quá thời gian thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để rà soát lại tất cả các dự án dự kiến bố trí trong Kế hoạch đảm bảo theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công; chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 về điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công, trong đó điều chỉnh lại thời gian thực hiện 13 dự án theo quy định; đồng thời trong quá trình xây dựng tờ trình kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng đã thuyết minh giải trình rõ các dự án đã hoàn thành trước năm 2022, việc bố trí vốn trong năm 2022 (nếu có) chỉ để thanh toán khối lượng đã hoàn thành để trình HĐND tỉnh, theo đó: Hội đồng Nhân dân tỉnh đã xem xét và thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng quy định.
Trong quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2021-2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh bố trí vốn xử lý tất cả các dự án hoàn thành trước năm 2020 chuyển sang giai đoạn 2021-2025 (tổng số 118 dự án), cũng như các dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 (tống số 58 dự án), do đó trong thời gian tới cơ bản sẽ không còn tình trạng phải bố trí vốn quá thời gian theo quy định.
Hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, qua rà soát đến nay cơ bản chỉ còn các dự án khởi công mới năm 2021, năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 và các dự án khởi công mới năm 2023; các dự án khác nếu có cũng chỉ là bố trí vốn thanh toán cho khối lượng đã thực hiện (như dự án: Đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, Đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh,...) và đều nằm trong thời gian bố trí vốn theo quy định.
Tuy nhiên để tiếp tục chấn chỉnh, cũng như khắc phục tình trạng các dự án hoàn thành còn chậm quyết toán trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tập trung một số giải pháp sau:
Đề nghị Sở Tài chính rà soát tham mưu UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm của các Chủ đầu tư đối với các dự án đã hoàn thành nhưng chậm triển khai quyết toán theo quy định, đặc biệt là các dự án đã hoàn thành nhưng chậm lập hồ sơ quyết toán từ 06 tháng trở lên.
Kiên quyết không bố trí vốn cho các dự án nếu quá thời gian thực hiện theo quy định; đồng thời báo cáo HĐND tỉnh phương án xử lý cụ thể đối với các dự án trong thời gian thực hiện nhưng quá thời gian bố trí vốn.
Các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm; đồng thời xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực thực thi công vụ, chuyên môn nhất là trong quản lý đầu tư xây dựng, ngân sách nhà nước của cán bộ công chức viên chức các Sở, ban, ngành, địa phương; gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc, bình xét thi đua người đứng đầu (Chủ dự án, Chủ đầu tư) với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án.
Thành lập tổ công tác liên ngành để đẩy nhanh công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán; sử dụng chi phí thẩm tra để thuê các đơn vị tư vấn để đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án.
Thu Hoài (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()