Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:25 (GMT +7)
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất than
Thứ 3, 25/05/2021 | 08:47:41 [GMT +7] A A
Trước những kiến nghị của người dân về việc môi trường bị ô nhiễm nặng nề do hoạt động khai thác than, những năm qua, các đơn vị thuộc TKV đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình khai thác, vận chuyển.
Tiếp thu nội dung phản ánh của người dân, TKV đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai các giải pháp BVMT. Công ty CP Than Đèo Nai là đơn vị sản xuất than lộ thiên có khai trường sản xuất rộng, bãi đổ thải tiếp giáp nhiều khu vực dân cư ở TP Cẩm Phả. Do vậy, đơn vị luôn xác định BVMT là hết sức quan trọng, nhằm hạn chế tối đa những tác động xấu đến đời sống của người dân.
Để giảm thiểu lượng bụi phát tán ra môi trường, từ năm 2019, Công ty đã đầu tư bổ sung 5 máy phun sương cao áp tại các khu vực chế biến than và bãi đổ thải. Trong đó 3 máy di động đặt tại bãi đổ thải Nam Khe Tam - Đông Khe Sim có bán kính phun xa 70m, góc quay 320 độ; 2 máy phun sương cố định đặt tại kho than mức +83 và +260 có bán kính phun xa 150m. Việc đưa máy phun sương vào hoạt động đã góp phần quan trọng hạn chế lượng bụi phát tán ra môi trường khu vực khai thác và các khu dân cự lân cận.
Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng Đầu tư - Môi trường (Công ty CP Than Đèo Nai), cho biết: Hệ thống máy phun sương có tính cơ động và rất linh hoạt trong việc xử lý bụi tại các khu vực nhạy cảm như bãi thải, kho than, bãi chứa..., đã giảm bụi rất nhiều. Từ khi đưa máy phun sương vào hoạt động, kết quả quan trắc ghi nhận nồng độ bụi đạt dưới mức cho phép.
Cùng với hệ thống phun sương cao áp, Công ty còn duy trì 16 xe ô tô phun nước tại các tuyến đường vận chuyển nội bộ trong khai trường, duy trì độ ẩm, hạn chế việc phát tán bụi. Quá trình đổ thải tuân thủ ngặt nghiêm quy trình, kỹ thuật. Các khu vực đã ngừng đổ thải đều được trồng cây xanh, đảm bảo độ che phủ, hạn chế việc sạt trượt, rửa trôi trong mùa mưa bão.
Thực hiện chủ trương phát triển sản xuất đi đôi với BVMT, các đơn vị thành viên của TKV đã tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống băng tải than thay thế cho vận tải đường bộ và đường sắt. Tuyến băng tải vận chuyển than từ Khe Ngát ra cảng Điền Công (TP Uông Bí) có tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, do Công ty Kho vận Đá Bạc quản lý. Chiều dài toàn tuyến 7,6km, đi qua địa bàn 3 phường của TP Uông Bí. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2017 đã thay thế hoạt động thường xuyên của 300 đầu tô tô, hơn 500 toa tàu sắt vận chuyển than hằng tháng từ các mỏ ra cảng, tạo ra bước đột phá trong BVMT tại TP Uông Bí.
Ông Phạm Văn Khiêu, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 12 (phường Quang Trung, TP Uông Bí), cho biết: Trước đây người dân khu rất bức xúc về việc vận chuyển than bằng ô tô gây bụi, ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến địa phương, các đơn vị ngành Than. Đến nay, việc vận chuyển than bằng băng tải ống đã cải thiện rất nhiều về vệ sinh môi trường. Người dân rất phấn khởi bởi kiến nghị chính đáng đã được giải quyết.
Một trong những vấn đề được ngành Than đặc biệt quan tâm trong công tác BVMT là việc xây dựng và đưa vào vận hành các trạm xử lý nước thải mỏ. Các mỏ khai thác than trên địa bàn tỉnh hiện thải ra hơn 100 triệu m3 nước thải/năm. Nước thải này chứa nhiều kim loại nặng, các chất độc hại, nếu không xử lý tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đổi mới công nghệ, TKV tiến hành nâng cấp, mở rộng quy mô xử lý tại các mỏ, mục tiêu đảm bảo 100% lượng nước thải mỏ được xử lý đạt quy chuẩn mới xả thải ra môi trường.
Với việc thực hiện các biện pháp BVMT, TKV đã từng bước khắc phục được ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác trước đây để lại, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh, hạn chế tối đa những kiến nghị của cử tri, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()