Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 24/01/2025 12:01 (GMT +7)
Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế
Chủ nhật, 01/10/2023 | 08:37:54 [GMT +7] A A
Sau khi những tên lính Pháp xâm lược cuối cùng rút khỏi khu mỏ (tháng 5/1955), nhân dân các dân tộc tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng bước vào giai đoạn mới, đó là tập trung giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, nhất là hoạt động sản xuất than.
Ngày 8/8/1954, tỉnh Hải Ninh được giải phóng. Thực dân Pháp sau khi rút để lại nơi đây nạn đói triền miên cùng 95% dân số mù chữ. Ở khu Hồng Quảng, nạn đói và thất nghiệp là hai vấn đề nghiêm trọng nhất sau khi ta tiếp quản (25/4/1955). Hàng vạn người không có việc làm ổn định. Trong khi đó, bọn tay sai Pháp, Mỹ ráo riết vận động, cưỡng ép người dân di cư vào Nam.
Trước tình hình đó, cấp uỷ, chính quyền vừa phải tập trung giúp dân giải quyết nơi ăn, chốn ở, cứu đói, vừa phải đối phó với các âm mưu phá hoại của kẻ thù.
Cụ thể, chính quyền đã cấp phát lương thực, thóc giống cho nhân dân khôi phục sản xuất, vỡ hoang, trồng màu, đắp đập, đào mương tưới tiêu cho đồng ruộng; vận động nhân dân tương trợ lẫn nhau. Qua đó, nạn đói đã cơ bản được đẩy lùi. Cùng với chống nạn đói, chính quyền tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng cũng đã mở các lớp bình dân học vụ để xoá mù chữ, mở thêm các trường học phổ thông để kịp khai giảng năm học mới, tháng 9/1955.
Các hoạt động sản xuất than được duy trì ngay sau khi ta tiếp quản khu mỏ. Ngày 15/5/1955, ta ký nhận tiếp thu toàn bộ cơ sở mỏ ở Hòn Gai, Cẩm Phả và các mỏ khác, buộc chủ mỏ phải bàn giao cả những tài sản của mỏ mà chúng đã tháo dỡ đi, còn nằm ở Hải Phòng, Nam Định. Đến tháng 9/1955, ta xoá bỏ các chủ thầu và chấm dứt sử dụng chuyên gia Pháp trong quản lý xí nghiệp, đồng thời, thành lập các xí nghiệp quốc doanh than Hồng Quảng.
Khắc phục khó khăn do thiếu cán bộ kỹ thuật, công nhân các mỏ đã có nhiều sáng kiến, điển hình như việc công nhân mỏ Đèo Nai đã sáng kiến khôi phục đường trục số 2 là đường trục lớn nhất của mỏ Cẩm Phả để nâng cao năng lực vận chuyển than. Theo chuyên gia Pháp, phải mất 3-6 tháng nhưng công nhân mỏ Đèo Nai chỉ mất 20 ngày đã sửa xong.
Với nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công nhân Vùng mỏ, ngành than đã từng bước đi vào ổn định, sản lượng khai thác tháng 10/1955 đạt 62.500 tấn than thì đến tháng 12/1955 đã tăng lên 87.000 tấn, đạt 108% kế hoạch. Sau 4 năm cải tiến quản lý xí nghiệp, đến năm 1958, sản lượng khai thác than đã đạt trên 1,6 triệu tấn.
Cùng với khôi phục hoạt động sản xuất than, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng đã tiến hành cải cách ruộng đất, từng bước đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp ra đời. Cho đến cuối năm 1960, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng cơ bản hoàn thành cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp. Cuộc sống ở nông thôn đã có sự đổi thay sâu sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Trong giai đoạn 1955-1960, vừa khôi phục sản xuất, giải quyết hậu quả chiến tranh, chính quyền hai tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng còn phải tuyên truyền các chủ trương, chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Chính phủ, đồng thời đấu tranh, đập tan các âm mưu phá hoại, chống đối của bọn gián điệp, tay sai do Pháp, Mỹ cài cắm.
Trong khoảng từ năm 1955-1960, ta đã trấn áp, đập tan nhiều âm mưu, cuộc bạo loạn, phá hoại của bọn phản động, gián điệp, tay sai và phỉ người Hoa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()