Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:28 (GMT +7)
Khắc phục hạn chế trong tố tụng hành chính
Thứ 3, 13/09/2022 | 13:47:19 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã liên tục chỉ đạo các địa phương nghiêm túc chấp hành những quy định của pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, đặc biệt là các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Tỉnh đã quan tâm, tích cực chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, quán triệt và triển khai các quy định pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; chỉ đạo thành lập Tổ giúp việc cho đại diện UBND tỉnh tham gia tố tụng các vụ án hành chính, xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Tổ giúp việc, chỉ đạo việc phối hợp chặt chẽ với TAND, Viện KSND, thi hành án các cấp.
Tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trong toàn tỉnh về cơ bản được đảm bảo, không phát hiện trường hợp vi phạm hoặc sai phạm nghiêm trọng. 6 tháng đầu năm 2022, TAND tỉnh thụ lý là 252 vụ (sơ thẩm 248 vụ, phúc thẩm 4 vụ), trong đó có 154 vụ án còn tồn từ năm 2021 chuyển sang, số vụ việc thụ lý mới là 98 vụ. Số vụ việc đã giải quyết, xét xử là 81 vụ (trong đó đình chỉ 46 vụ; chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện 4 vụ; bác đơn khởi kiện 31 vụ). Hiện tại các bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND các cấp, đặc biệt là các bản án đã tuyên hủy các quyết định hành chính của các cơ quan hành chính các cấp của tỉnh đều đã và đang được các cấp chính quyền chấp hành nghiêm túc.
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực song thực tiễn triển khai cho thấy công tác này vẫn còn bộc lộ bất cập, hạn chế. Cụ thể, tại một số địa phương thời gian qua đã triển khai công tác GPMB đồng loạt nhiều dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm, công trình theo tuyến với số lượng người sử dụng đất bị thu hồi đất, ảnh hưởng bởi công tác GPMB lớn nên số lượng án hành chính tăng. Cùng với đó, khối lượng công việc hành chính ở các địa phương cũng tương đối lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí thời gian tham gia tố tụng hành chính của các thành phần thuộc các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó vẫn xảy ra nhiều trường hợp xin hoãn hoặc vắng mặt khi tham gia các phiên tố tụng (hòa giải, đối thoại, thẩm định, xét xử...) mặc dù việc vắng mặt đều có đơn xin được xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê, số phiên toà đã xét xử nhưng vắng mặt Chủ tịch UBND hoặc người đại diện giai đoạn 1/10/2018 - 30/9/2019 là 39 vụ/67 vụ (tỷ lệ 58,2%); giai đoạn 1/10/2019 - 30/9/2020 là 46 vụ/72 vụ (tỷ lệ 63,9%); giai đoạn 1/10/2020 - 30/9/2021 là 28 vụ/44 vụ (tỷ lệ 63,6%).
Ngoài ra, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đôi khi chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định, cung cấp còn thiếu, không đầy đủ tài liệu... do vậy Tòa án phải yêu cầu cung cấp bổ sung nhiều lần. Còn có kiến nghị, phản ánh về việc chậm thi hành bản án tại một số địa phương như Hạ Long, Vân Đồn...
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, đồng thời nâng cao hiệu quả hơn nữa trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có vi phạm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ và pháp luật khác có liên quan.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng, đảm bảo việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện như đất đai, xây dựng, xử lý vi phạm hành chính. Chủ động kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các sai phạm trong việc ban hành, thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của địa phương, cơ quan, đơn vị, giải quyết dứt điểm những vướng mắc của công dân, tổ chức đối với những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền trong bộ máy hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt các nội dung có liên quan đến hoạt động tố tụng hành chính, các quy định có liên quan đến phần lớn nội dung khởi kiện án hành chính (đất đai, xây dựng, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng); đồng thời, nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân để người dân hiểu rõ và tạo sự đồng thuận chung trong xã hội.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()