Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:37 (GMT +7)
Khắc ghi công ơn muôn đời
Thứ 7, 27/07/2024 | 08:52:27 [GMT +7] A A
Những ngày tháng bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho hòa bình, độc lập và tri ân sâu sắc những người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân. Và ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng với tấm lòng, sự tri ân sâu sắc, trách nhiệm cao nhất.
Nghĩa tình tháng bảy
Giữa tháng 7 vừa qua, Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn và đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, bờ Nam sông Thạch Hãn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) và về thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An).
Đây là một trong các hoạt động thiết thực của tỉnh hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2023) và được duy trì thường niên nhằm thể hiện lòng biết ơn vô hạn, lời tri ân sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cao cả vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
Trong những ngày tháng 7, đi đến địa phương nào đều có thể thấy được những hoạt động, nghĩa cử cao đẹp, cử chỉ ấm áp, nghĩa tình hướng về tri ân những người có công. Đó là hoạt động ra quân tu sửa, chỉnh trang, vệ sinh các bia, đài tưởng niệm, các công trình ghi công, phần mộ, đền thờ liệt sĩ... Đó là những chuyến thăm hỏi, tặng quà tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh, bệnh binh hay trong những ngôi nhà của thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng đầy nồng ấm, thân tình thể hiện sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành đối với người có công với cách mạng. Đó là những màu áo xanh quân đội, áo blouse trắng thực hiện khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, các thương, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn...
Cùng với đó, viết tiếp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tuổi trẻ toàn tỉnh cũng hăng hái tổ chức các hoạt động hướng về người có công với cách mạng với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, như: Thắp nến tri ân; thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách; sơn sửa, chỉnh trang Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ; cùng nấu cơm, ăn cơm thân mật với các gia đình thương binh. Các chương trình “Hành trình về nguồn”, nói chuyện truyền thống, giao lưu với các thương binh, cựu chiến binh cũng được tăng cường tổ chức nhằm giáo dục lịch sử, gắn kết các thế hệ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Trong dịp này, toàn tỉnh dự kiến tặng 16.700 suất quà với tổng kinh phí trên 25,4 tỷ đồng cho các đối tượng người có công, gia đình, thân nhân người có công với cách mạng. Ngoài ra, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, nhà hảo tâm trong tỉnh còn tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, đầy trách nhiệm và nghĩa tình với mong muốn chung tay, góp sức để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng ngày càng được đầy đủ, tốt đẹp hơn.
Trọn nghĩa tri ân
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh có trên 48.600 người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và đối tượng thờ cúng liệt sĩ, trong đó, đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng là hơn 12.000 người. Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp của tỉnh đã tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị 13-CT/TU ngày 19/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Bám sát quan điểm, mục tiêu đó, tỉnh luôn xác định công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở đảm bảo điều kiện sinh hoạt đầy đủ là việc làm ý nghĩa, thiết thực nhằm nâng cao mức sống cho gia đình người có công với cách mạng, vì vậy đã đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả. Giai đoạn 2013-2021, tỉnh đã triển khai và hoàn thành thực hiện 3 giai đoạn của Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở với tổng số 12.322 hộ gia đình người có công với cách mạng, được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 489 tỷ đồng.
Ngày 21/7/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2031/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Trên địa bàn tỉnh có 200 hộ người có công, thân nhân liệt sĩ được xây mới và 438 hộ được hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở. Tổng kinh phí thực hiện là 34,6 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2024, đã có 177 hộ hoàn thành xây mới và 423 hộ hoàn thành sửa chữa.
Bà Bùi Thị Dịu (95 tuổi) là thanh niên xung phong Trường Sơn, hiện trú tại phường Hồng Gai (TP Hạ Long) phấn khởi chia sẻ: Ở tuổi gần đất xa trời, nhìn ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố, vững chãi từng ngày hoàn thiện, tôi và gia đình vô cùng hạnh phúc. Bởi đó không chỉ có sự cố gắng của gia đình mà còn là tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với những người có công. Tình cảm tri ân này tiếp thêm động lực để chúng tôi vượt qua những khó khăn, cùng các con cháu xây dựng cuộc sống hạnh phúc.
Cùng với đó, việc hỗ trợ cho người có công trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện theo Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Quy định mức điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh là 1,8 triệu đồng/người/lần; hỗ trợ tổ chức tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước theo chi phí thực tế, tối đa không quá 1,35 triệu đồng/người/lần (trước đây là 900.000 đồng/người/lần); người có công điều dưỡng tại nhà được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/người/lần (trước đây là 700.000 đồng/người/lần)…
Tháng bảy sẽ qua đi nhưng những nghĩa cử tri ân sâu sắc chắc chắn vẫn sẽ luôn tiếp diễn theo dòng chảy thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc mãi mãi tỏa sáng, để tình cảm, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ không tiếc xương máu vì sự tồn vong của Tổ quốc sẽ trở thành động lực thôi thúc mỗi người con Việt Nam đóng góp công sức, trí tuệ vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước giàu đẹp.
Nguyễn Dung
- Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà mẹ liệt sĩ và thương binh tại TP Móng Cái
- Công an tỉnh tổ chức gặp mặt, tặng quà các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ
- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy thăm, tặng quà mẹ liệt sĩ và thương binh tại TP Móng Cái
- Thăm, tặng quà gia đình thương binh, bệnh binh tại Cô Tô
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và gia đình chính sách
- Giám đốc Công an tỉnh thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và gia đình chính sách
Liên kết website
Ý kiến ()