Tất cả chuyên mục

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu: Nhiệm kỳ 2010-2015 phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thực sự trở thành một địa bàn động lực, năng động của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế, đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
![]() |
Việc xây dựng và thực hiện là tỉnh công nghiệp vào năm 2015 là tiền đề quan trọng để Quảng Ninh thực hiện tốt mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020. Trong ảnh: Vincom Hạ Long - Trung tâm thuơng mại của Hạ Long, do Tập đoàn Vingroup xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2014. |
Tạo “thước đo” để hoàn thành mục tiêu
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII đều xác định mục tiêu “đến năm 2015 Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đây là mục tiêu mang tầm chiến lược, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của toàn thể Đảng bộ và tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, mục tiêu trên vẫn còn mang định tính, trong khi đó Đề án xây dựng Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp là chưa có tiền lệ ở Việt Nam, vì vậy Chính phủ và bộ, ngành trung ương chưa có tiêu chí, hướng dẫn, đánh giá, thẩm định và công nhận tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, nên việc xây dựng bộ tiêu chí gặp rất nhiều khó khăn, cần sự chủ động, sáng tạo của tỉnh. Để đánh giá việc hoàn thành mục tiêu trên vào năm 2015, tỉnh đã xác định rất rõ là cần phải có “công cụ” nhằm cụ thể hoá mục tiêu bằng một dải chỉ số có định lượng, hay phải có “thước đo” để xác định “mức độ” hoàn thành mục tiêu. Vậy là, muốn đạt danh hiệu và được công nhận là “tỉnh công nghiệp”, phải có “bộ chỉ tiêu” tỉnh công nghiệp nhằm lượng hoá mục tiêu như là một yêu cầu khách quan và có tính tất yếu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương, nhận thức rõ tình hình và vai trò trách nhiệm, tỉnh đã chủ động nghiên cứu xây dựng Đề án “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015”. Trên cơ sở đó, tỉnh đã giao Sở Công Thương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương xây dựng Đề án. Đề án tiêu chí tỉnh công nghiệp đã được nghiên cứu từ kinh nghiệm CNH-HĐH của một số nước trên thế giới và khu vực để rút ra bài học cho Việt Nam; nghiên cứu thực trạng CNH-HĐH của Việt Nam nhằm xác định quá trình Việt Nam đã trải qua công nghiệp hoá, những thành tựu, hạn chế của công nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là đánh giá những tiềm năng và nguồn lực của tỉnh, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng phát triển công nghiệp trong thời gian qua, nhằm rút ra những thành công, hạn chế của công nghiệp Quảng Ninh. Từ đó, nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí tỉnh công nghiệp.
Trên cơ sở đề án “Xây dựng hệ thống tiêu chí nước phát triển công nghiệp của Việt Nam” của Bộ Công Thương đã báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phương án xác lập các tiêu chí, chỉ tiêu chính của Việt Nam vào năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp, Quảng Ninh đã chính thức xây dựng hệ thống tiêu chí gồm 18 tiêu chí, chỉ tiêu và chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 6 tiêu chí kinh tế; nhóm thứ hai gồm 9 tiêu chí văn hoá - xã hội và chất lượng cuộc sống và nhóm thứ ba gồm 3 tiêu chí về môi trường. Hệ thống tiêu chí này ra đời đã góp phần giúp cho tỉnh có căn cứ, cơ sở để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện mục tiêu Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.
Nỗ lực để triển khai
Ngay sau khi đề án được phê duyệt, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1704/QĐ-UBND ngày 10-7-2012 về việc thực hiện hệ thống tiêu chí của Đề án “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015”. Kế hoạch đã đưa ra lộ trình, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm.
Một trong 6 tiêu chí quan trọng trong nhóm tiêu chí về kinh tế đó là cơ cấu kinh tế. Theo đó, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 7,6% năm 2011 xuống còn 4-5% năm 2015; công nghiệp luôn duy trì trong khoảng 53-54%; dịch vụ tăng từ 39,2% năm 2011 lên 43-45% năm 2015. Để cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, tỉnh đã quyết liệt cải tạo môi trường đầu tư, đi đầu xây dựng các quy hoạch chiến lược như: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đô thị và hạ tầng; sử dụng đất đai; phát triển khoa học công nghệ... Đặc biệt, Quảng Ninh đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA); đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh vào hoạt động với phương thức “Một thẩm định, một phê duyệt”; tích cực triển khai các chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Nỗ lực thu hút đầu tư còn được nâng cao hơn một bước khi tất cả các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai các chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, trong đó đặc biệt là chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Và từ những hành động cụ thể đó, giờ đây những thương hiệu “khổng lồ” ngành dịch vụ như: Sungropp, Vingroup, Metro Cash&Carry,Casino Lotte, Yum Brands Inc, FPT… đã có mặt tại Quảng Ninh, tạo nên sự bứt phá ngoạn mục cho ngành dịch vụ của tỉnh thời gian qua.
Vấn đề then chốt trong quá trình thực hiện CNH-HĐH là biết phát huy lợi thế so sánh và từ đó biến thành lợi thế cạnh tranh, rút ngắn quá trình CNH-HĐH, tỉnh đã tập trung quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để định hướng cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư; kêu gọi đầu tư xây dựng KCN hỗ trợ làm trọng tâm để tạo liên kết công nghiệp hỗ trợ, đồng thời là tâm điểm kết nối và hội nhập công nghiệp trong toàn vùng. Một số ngành, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được định hướng tập trung như: Điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm... Bên cạnh đó, tỉnh cũng dành nguồn lực đầu tư cho KHCN với 4-5% nguồn vốn từ tổng chi ngân sách thường xuyên cho KHCN; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực các ngành nghề: Sản xuất điện, sản xuất xi măng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại và cán bộ quản lý nhà nước; duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển không ngừng các tiêu chí đạt được, phấn đấu nâng cao các tiêu chí còn lại đang ở mức thấp...
Với những nỗ lực của tỉnh, đến nay 16/18 tiêu chí tỉnh công nghiệp đã được hoàn thành. Điều này đã khẳng định sự chủ động, sáng tạo của Quảng Ninh trong quá trình phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015. Đây sẽ là tiền đề để Quảng Ninh thực hiện tốt định hướng trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020.
Thanh Hằng - Cao Quỳnh
Ý kiến ()